26/03/2013 - 10:35

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM TP CẦN THƠ LẦN THỨ VIII

Đề xuất các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp

Nông dân TP Cần Thơ ngày càng đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa.
Ảnh: ANH KHOA

Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) thành phố phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường hỗ trợ, đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống nông dân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân đời sống khó khăn, cần sự trợ giúp của các ngành, các cấp. Trước thềm Đại hội đại biểu HND thành phố lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013-2018, diễn ra hôm nay (ngày 26-3-2013), phóng viên Báo Cần Thơ ghi nhận ý kiến của một số đại biểu đề xuất giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

 

* Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)  TP Cần Thơ:

TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Thời gian qua, Sở NN&PTNT phối hợp với HND thành phố tích cực thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp nông dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống. Cụ thể là đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nông dân có kiến thức, tay nghề, năng lực quản lý và kinh doanh để thích nghi với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và có khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, vận động nông dân phát huy tinh thần lao động sáng tạo, huy động hiệu quả các nguồn lực về lao động, vốn, đất đai, cơ sở vật chất, kỹ thuật để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ năm 2008 đến nay, Sở đã phối hợp tổ chức 13.038 lớp tập huấn, 2.947 cuộc hội thảo và 96 cuộc tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả với trên 570.000 lượt nông dân tham dự… nhằm hướng đến mục tiêu khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, Sở NN&PTNT phối hợp HND thành phố tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình xây dựng nông thôn mới để người dân hiểu việc xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm chính của người dân, là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi. Song song đó là vận động người dân phát huy vai trò chủ thể, sự sáng tạo để huy động mọi nguồn lực tham gia đóng góp xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn bằng sức người, sức của; tổ chức giám sát có sự tham gia của người dân…

Để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn TP Cần Thơ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập thị trường thế giới, Sở NN& PTNT và các ngành phối hợp chặt chẽ cùng HND thành phố tiếp tục củng cố, tăng cường và tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; khuyến nông, dạy nghề hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế hợp tác; xây dựng kế hoạch tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho Hội viên theo yêu cầu của các địa phương; xây dựng các mô hình sản xuất mới, hiệu quả và chịu trách nhiệm tập hợp hội viên nông dân. Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp, cử cán bộ tập huấn chuyển giao kỹ thuật công nghệ mới; thực hiện trình diễn quy trình sản xuất mới, công nghệ mới của Chương trình Khuyến nông Quốc gia, Chương trình Khuyến nông thành phố hàng năm; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giúp Hội viên ứng dụng các mô hình sản xuất theo hướng hiện đại, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân;...

 

* Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) TP Cần Thơ:

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Thời gian qua, LMHTX thành phố đã phối hợp với các ngành chuyên môn và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng kinh tế tập thể. Trong đó, đi sâu vào lĩnh vực hợp tác trong nông nghiệp cho các đối tượng là cán bộ chuyên trách, không chuyên trách về kinh tế tập thể, cán bộ các đoàn thể ở các quận, huyện mà HND là nòng cốt. Từ đó, những tổ hợp tác, câu lạc bộ được hướng dẫn tổ chức làm ăn tập thể có hiệu quả nhiều năm đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) để có điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Đến nay, toàn thành phố có 75 HTX nông nghiệp và hàng chục HTX phi nông nghiệp, 3.371 tổ hợp tác sản xuất, thu hút hàng chục ngàn xã viên, thành viên là hộ nông nghiệp, nông thôn.

Từ năm 2009 đến nay, LMHTX phối hợp với các ngành, các cơ quan chuyên môn tổ chức 67 lớp bồi dưỡng về kiến thức kinh tế tập cho 4.463 học viên là cán bộ các ngành, đoàn thể cấp xã, phường, thị trấn, các tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông; tổ chức 2 lớp về quản lý HTX, quy trình sản xuất và kỹ thuật nhân giống lúa chất lượng cao cho 194 học viên; hướng dẫn 38 tổ hợp tác và câu lạc bộ xây dựng hợp đồng hợp tác ở các địa bàn các quận, huyện có nông nghiệp… Từ sự hướng dẫn, giúp đỡ của các đơn vị phối hợp đã xuất hiện nhiều mô hình nổi bật, mang lại hiệu quả cao, như: HTX lúa giống Thốt Nốt (quận Thốt Nốt), tổ hợp tác sản xuất lúa giống Đồng Vạn (huyện Vĩnh Thạnh), tổ hợp tác nuôi cá ở xã Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ),…

Để công tác phối hợp được tốt hơn giữa LMHTX TP Cần Thơ với các ngành, trong đó HND thành phố là đơn vị nòng cốt, chúng tôi kiến nghị các ngành, đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, phân loại các loại hình tổ hợp tác, câu lạc bộ hoạt động để từ đó hỗ trợ, tư vấn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, phải thống nhất lựa chọn xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả để cùng tác động, vận động các nguồn lực tập trung hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, trình độ quản lý,… để nâng chất dần, hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền nhận thức về kinh tế tập thể, trước hết là trong hệ thống cấp Hội, cán bộ, các cấp chính quyền để có kế hoạch, biện pháp cụ thể xây dựng các loại hình tổ chức phù hợp với nhu cầu, trình độ với phương châm không chủ quan, nóng vội và cũng không buông lỏng để tự phát.

 

* Bà Trần Thị Thiên Thư, Chủ tịch HND quận Bình Thủy:

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ

Trong những năm qua, tiến trình đô thị hóa của quận Bình Thủy nói riêng và của TP Cần Thơ nói chung diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm. Để giúp người dân thích ứng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. HND quận phối hợp với các cơ quan chuyên môn vận động người dân thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị từ đó xuất hiện nhiều câu lạc bộ, HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ có diện tích 18,6 ha với 236 hộ tham gia, lợi nhuận của làng nghề đạt trên 3 tỉ đồng/năm. HTX rau an toàn phường Long Tuyền có diện tích 11,2ha với 16 xã viên chủ yếu sản xuất các mặt hàng như dưa hấu, khổ qua, dưa leo, bí các loại..., góp phần đáp ứng nhu cầu trong thành phố và các tỉnh khu vực. Ngoài ra, trên địa bàn quận còn có HTX bò sữa phường Long Hòa có diện tích 20 ha, của 21 xã viên, với 202 con bò. Đây là một trong những HTX được đánh giá hoạt động có hiệu quả với tổng doanh thu hàng năm trên 4,2 tỉ đồng, lợi nhuận 1,7 tỉ đồng.

Trong nhiệm kỳ tới, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị chúng tôi cũng kiến nghị UBND thành phố xem xét ưu tiên quy hoạch để phát triển làng nghề hoa kiểng, phát triển sản xuất rau màu vì hiện nay một phần làng nghề hoa kiểng và HTX rau an toàn nằm trong quy hoạch xây dựng công trình khác; HND quận kiến nghị HND thành phố tiếp tục liên kết với các ngân hàng, tăng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân để cho người sản xuất vay lãi suất thấp; tăng cường chuyển giao những tiến bộ khoa học, phối hợp cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân, để giúp nông dân giảm rủi ro, an tâm phát triển sản xuất...

 

* Ông Võ Văn Bảy, Chủ tịch HND huyện Vĩnh Thạnh:

ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP

Thời gian qua, HND huyện Vĩnh Thạnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn, gắn với phổ biến các chủ trương, xây dựng nông thôn mới, chính sách về cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đến nay, người dân trong huyện đã đầu tư, mua sắm được 260 máy gặt đập liên hợp, hầu hết các hộ mua máy được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước. Số lượng máy cơ bản đảm bảo thu hoạch hầu hết diện tích lúa của huyện.

Thời gian tới, các cấp HND huyện tiếp tục tuyên truyền, giáo dục chủ trương chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho cán bộ, hội viên, nông dân để làm chuyển biến về nhận thức, tư tưởng, thay đổi tập quán sản xuất cũ. Đồng thời, vận động nông dân là chủ máy liên kết thành những tổ, nhóm dịch vụ làm đất, bơm nước, thu hoạch và liên kết với các tổ, nhóm, các địa phương khác mở rộng dịch vụ tăng hiệu suất sử dụng máy, tăng thu nhập cho những hộ đầu tư mua máy. Tiếp tục vận động nông dân cải thiện mặt bằng ruộng, xây dựng tốt hệ thống tưới tiêu, sử dụng giống mới, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, xuống giống đúng lịch thời vụ, nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích, tham gia cánh đồng lớn, đẩy mạnh kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc cơ giới hóa nông nghiệp, chúng tôi kiến nghị Nhà nước tiếp tục duy trì những chính sách hỗ trợ, khuyến khích cơ giới hóa, điện khí hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp; các nhà khoa học nghiên cứu, chọn tạo những giống lúa có năng suất, chất lượng tốt, cứng cây, chiều cao vừa phải, chuyển giao quy trình canh tác phù hợp nhằm hạn chế đổ ngã tạo thuận lợi cho việc thu hoạch bằng cơ giới…

THANH THƯ (lược ghi)

Chia sẻ bài viết