15/07/2013 - 21:35

Để xã hội đừng “quay lưng” với hệ vừa làm vừa học

Giờ học của sinh viên lớp Luật (hệ đào tạo từ xa), do Trường ĐH Cần Thơ liên kết đào tạo với Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả hệ đào tạo phải đảm bảo chất lượng như nhau để có thể cung cấp cho người học một văn bằng có giá trị tương đương nhau, dù đào tạo theo hình thức chính quy hay vừa làm vừa học. Thế nhưng, những năm gần đây, định kiến xã hội vẫn còn e dè về chất lượng hệ đào tạo vừa làm vừa học; thậm chí một số nhà tuyển dụng “quay lưng” với những người tốt nghiệp một nghề đào tạo thuộc hệ vừa làm vừa học. Vì thế, đi đôi với việc đa dạng hóa loại hình đào tạo, các cơ sở đào tạo đã đầu tư nguồn lực nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Giờ học của các học viên lớp Luật, hệ vừa làm vừa học, theo hình thức đào tạo từ xa (ĐTTX) do Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ liên kết với Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (trước đây là Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ) tổ chức khá nghiêm túc. Thầy Phan Trung Hiền, Phó Trưởng khoa Luật - Trường ĐH Cần Thơ, đang trình chiếu bài giảng trên màn hình LCD 50 inchs và minh chứng nhiều câu chuyện thực tế trong cuộc sống để học viên nắm bắt sâu hơn kiến thức… Thầy Hiền cho biết: “Do đặc điểm của lớp học có nhiều đối tượng khác nhau nên phương pháp giảng dạy phải khác so với các lớp chính quy. Người học phần lớn đã đi làm, có kiến thức thực tế khá tốt nên việc tiếp cận thêm kiến thức sẽ dễ dàng và sâu hơn. Tuy nhiên, loại hình đào tạo này là thách thức lớn đối với người học, bởi đòi hỏi phải có tính tự học cao”. Theo thầy Hiền, để tiết học đạt hiệu quả, người dạy phải có phương pháp giảng dạy đảm bảo 3 yếu tố về: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Theo đó, người dạy phải biết giảng những nội dung trọng tâm, trọng điểm, gợi mở kiến thức học; cung cấp kỹ năng về học nhóm, phân tích và nắm bắt kiến thức, vận dụng kiến thức luật vào thực tế cuộc sống.

Khoa Luật là một những khoa của Trường ĐH Cần Thơ có số sinh viên theo học các lớp hệ vừa làm vừa học khá đông, gần 10.000 sinh viên. Anh Bùi Quang Long, ở quận Bình Thủy, sinh viên lớp Luật, cho biết: “Tôi chọn hình thức đào tạo vừa làm vừa học vì phù hợp với điều kiện, khả năng của mình và muốn bổ sung thêm kiến thức luật để phục vụ cho công việc tốt hơn. Với hình thức đào tạo từ xa, tôi có thể học mọi lúc, mọi nơi và phải nỗ lực rất nhiều mới học tốt được, bởi đặc thù lớp học từ xa là học viên và giảng viên ít gặp nhau”.

34 năm qua, Trường ĐH Cần Thơ đã đào tạo hệ vừa làm vừa học tại các đơn vị liên kết và đã cung cấp trên 50.000 sinh viên cho ĐBSCL. Hiện nay, Trung tâm liên kết đào tạo của trường có trên 17.000 sinh viên theo học ở 27 đơn vị liên kết tại ĐBSCL. Theo ông Phạm Phương Tâm, Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo, ở hệ vừa làm vừa học, sinh viên, giảng viên phải tuân thủ nguyên tắc “học ra học, dạy ra dạy” để đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn, ở hệ đào tạo từ xa, học viên và giảng viên có 3 giai đoạn trực tiếp “gặp nhau”: lần đầu tiên, giảng viên giới thiệu môn học, hướng dẫn sinh viên cách học; lần hai, giảng viên giải đáp thắc mắc và bài tập cho học viên và lần sau cùng là học viên thi. Giảng viên giảng dạy cực hơn, học viên học đàng hoàng hơn.

Ngoài ĐH Cần Thơ, tại TP Cần Thơ, hầu hết các cơ sở đào tạo như: Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng Cần Thơ… đều có mở loại hình vừa làm vừa học. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết: “Hệ đào tạo vừa làm vừa học nói chung, ĐTTX nói riêng, giúp những cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc có điều kiện học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hơn 30 năm qua, Trường ĐH Cần Thơ đã đào tạo gần 17.000 sinh viên loại hình này. Qua khảo sát, sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng”.

Hiện nay, ngoài các lớp vừa làm vừa học, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đang hoàn chỉnh 4 hồ sơ đăng ký mở mã ngành đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy, gồm: Kỹ thuật Điện - điện tử, Quản lý công nghiệp, Công nghệ thực phẩm, Hệ thống thông tin. Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Dương Thái Công, để đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động và giảm áp lực cho thành phố, trường tiếp tục duy trì mô hình liên kết đào tạo với các trường ĐH có uy tín trong nước. Dự kiến, trường tuyển ít nhất 1.500 sinh viên cho các ngành theo nhu cầu xã hội. Trường sẽ định hướng liên kết với các địa phương để tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ đại học hình thức giáo dục thường xuyên. Còn Trường ĐH Cần Thơ đang chờ quyết định của Bộ GD&ĐT mở thêm 8 ngành học mới ở hệ vừa làm vừa học (theo hình thức đào tạo từ xa): Kỹ thuật điện tử truyền thông, quản lý công nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường, giáo dục tiểu học, marketing, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, khoa học cây trồng, phát triển nông thôn. Ông Phạm Văn Tâm nói: “Trường dựa trên nhu cầu thực tế xã hội, nguồn lực của trường để mở mã ngành mới. Các khoa có mở ngành mới phải xây dựng chương trình đào tạo sát hợp tình hình thực tế địa phương, tăng cường hệ thống học liệu phục vụ cho ngành học này. Nội dung chương trình đào tạo hệ vừa làm vừa học, từ xa… cũng tương tự như chương trình chính quy để đảm bảo chất lượng đào tạo”.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học, nhưng thực tế xã hội vẫn chưa thật sự có lòng tin đối với chất lượng hệ đào tạo vừa làm vừa học. Trong khi đó, thực tế có nhiều cơ sở đào tạo bị dư luận lên tiếng về cách làm “lệch” loại hình đào tạo này. Thế nhưng, khía cạnh nào đó, đào tạo hệ vừa làm vừa học là hình thức học tập suốt đời, phù hợp với mọi lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Quan trọng hơn đã giúp các địa phương đẩy mạnh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao mặt bằng dân trí.

 Bài, ảnh: B.KIÊN

 

Chia sẻ bài viết