09/02/2015 - 21:15

Để vụ lúa đông xuân thắng lợi

Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 rơi đúng vào thời điểm phần lớn các diện tích lúa đông xuân 2014-2015 trên địa bàn TP Cần Thơ trong giai đoạn từ làm đòng, trổ đến chắc xanh, chín và thu hoạch. Đây được xem là giai đoạn có tính quyết định đến năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm, rất cần phải quan tâm thực hiện tốt các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và có giải pháp tốt trong khâu tiêu thụ lúa…

Nguy cơ đe dọa hiệu quả sản xuất

Vụ sản xuất lúa đông xuân 2014-2015 được khởi đầu với nhiều yếu tố thuận lợi khi giá nhiều loại vật tư nông nghiệp đầu vào có giảm và nước lũ rút sớm, mưa cũng ít đã tạo nhiều thuận lợi cho nông dân xuống giống lúa. Thời gian qua, tình hình sâu bệnh hại lúa khá ít và nhìn chung các trà lúa đông xuân đều phát triển khá tốt. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn cuối của vụ sản xuất, đã bắt đầu xuất hiện nhiều nguy cơ gây đe dọa ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của cả vụ lúa. Đáng chú ý là tình hình diễn biến phức tạp của một số đối tượng sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn và rầy nâu xuất hiện trong giai đoạn lúa từ làm đòng đến trổ và chắc xanh, nếu không chủ động phòng trị kịp thời sẽ có nhiều ảnh hưởng xấu cho năng suất, chất lượng lúa.

 Thu hoạch lúa đông xuân 2014-2015 tại phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Phước, ngụ ấp Đông Phước, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ có 14 công ruộng. Thời điểm này, ruộng lúa đông xuân của gia đình anh trong giai đoạn làm đòng, dự kiến 20 ngày nữa lúa chín, bước vào khoảng mùng 10 Tết sẽ thu hoạch. Anh Phước cho biết: “Vào đầu vụ tình hình sản xuất lúa khá thuận lợi do ít sâu bệnh, nhưng đến giai đoạn gần cuối vụ rầy nâu xuất hiện khá nhiều, tôi đã phải phun xịt thuốc 3-4 lần và đang tiếp tục theo dõi sát ruộng lúa để kịp thời phòng trị rầy nâu và các loại sâu bệnh khác nói chung nhằm bảo vệ lúa”. Gần đây, thời tiết se lạnh và xuất hiện nhiều sương mù vào sáng sớm cũng tạo thuận lợi cho bệnh đạo ôn và cháy bìa lá lúa phát triển. Ngoài ra, nhiều ruộng lúa cũng bị đe dọa gây hại bởi sự xuất hiện của chuột, nhất là các ruộng lúa nằm ở các vùng đất gò cao nằm dọc theo các khu vực có các vườn cây, bờ kênh, đường lộ lớn. Ông Nguyễn Văn Nhà, ngụ ấp Thới Phong B, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “ 6 công lúa của tôi đã gieo sạ được 65 ngày, lúa đang trổ và dự kiến mùng 8 Tết sẽ thu hoạch. Nhìn chung lúa đang phát triển khá tốt, lúa ít bị nhiễm rầy nâu và các đối tượng sâu bệnh so với cùng kỳ năm trước. Song, gần đây trời lạnh và có sương nhiều, ruộng lúa đã xuất hiện bệnh đạo ôn, tôi đã phải gấp rút phun thuốc phòng trị ngay vì sợ bệnh lan rộng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa”.

Thời điểm này, mới bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2014-2015 nhưng giá lúa đã giảm mạnh. Điều này cũng đe dọa làm ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận và hiệu quả sản xuất của nhiều bà con nông dân trong vụ lúa này nếu không kịp thời có các giải pháp chủ động trong các khâu thu hoạch, bảo quản sản phẩm chờ lúc thuận lợi về giá để tiêu thụ. So với cách nay hơn 1 tuần, hiện giá lúa đã giảm bình quân khoảng 200-300 đồng/kg, kéo giá lúa tươi tại nhiều nơi tuột xuống chỉ còn ở mức trên dưới 4.000 đồng/kg. Ngày 5-2-2015, giá lúa tươi được thương lái thu mua ngay ruộng tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ (như: Ô Môn, Thốt Nốt...) chỉ còn ở mức 3.900-4.100 đồng/kg, tùy điều kiện giao thông. Đáng chú ý, nhiều nông dân có lúa đang thu hoạch dù thương lái đã đặt cọc tiền mua lúa từ trước đó khoảng 10 ngày với giá 4.300 đồng/kg, nhưng sau đó thương lái yêu cầu giảm giá xuống còn 4.200 đồng/kg, nếu không sẽ không mua lúa. Do gặp khó trong điều kiện phơi sấy lúa để trữ lại chờ giá và cần tiền ngay để thanh toán các khoản nợ tiền vật tư nông nghiệp, nhiều nông dân đành phải chấp nhận hạ giá bán. Theo Ông Biện Quang Ngân, ngụ khu vực Tân Lợi 1, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, 10 công lúa của ông được thương lái đặt cọc giá 4.300 đồng/kg nhưng đến ngày cắt lúa họ đòi giảm xuống còn 4.200 đồng/kg, kẹt tiền nên đành bấm bụng bán lúa.Vụ này dù năng suất lúa đạt tới 1,1 tấn lúa tươi/công tầm lớn, nhưng do giá lúa thấp hơn khoảng 600-700 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, tính ra ông chỉ đạt mức lợi nhuận khoảng trên 2 triệu đồng/công lúa.

Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Thương lái chỉ đặt cọc khoảng 300.000 đồng/công lúa, khoản tiền này không đáng kể, do vậy đành phải hạ giá để bán được lúa chứ để lại sẽ không có phương tiện và nhân công để phơi lúa, phải chở lúa về nhà bảo quản tốn nhiều chi phí mà Tết cũng đang đến gần”. Giá lúa giảm ngay từ đầu vụ đông xuân được cho là do trong những tháng đầu năm 2015 các hợp đồng xuất khẩu gạo chưa nhiều và thời điểm này các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu chưa đẩy mạnh thu mua gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Đừng vì Tết mà chủ quan lơ là

Vụ đông xuân 2014-2015 nông dân ở TP Cần Thơ xuống giống 87.285 ha lúa, đạt 100,4% kế hoạch. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trong giai đoạn trước, trong và những ngày sau Tết Nguyên đán 2015, ước cây lúa tập trung ở giai đoạn đòng, trổ, chắc xanh và thu hoạch. Đây là những giai đoạn quan trọng cần được tích cực chăm sóc. Ngành nông nghiệp các địa phương cần phối hợp với nông dân tích cực thăm đồng và hướng dẫn nông dân quản lý, kiểm soát sâu bệnh và chăm sóc lúa thường xuyên, tránh ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp thành phố, tính đến đầu tháng 2-2015, trên các trà lúa giai đoạn đòng đến trổ đã có 1.728 ha bị nhiễm rầy nâu, rầy nâu chủ yếu đang ở tuổi 4-5, mật số trung bình 500-2.000 con/m2, cục bộ có nơi 6.000 con/m2. Có 104 ha lúa canh tác các giống lúa như: Jasmine 85, OM 4218… bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5-10%, cục bộ có nơi 20%. Bên cạnh đó, có 109 ha lúa giai đoạn trổ đến chắc xanh canh tác giống Jasmine 85 bị nhiễm bệnh cháy bìa lá, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5-10%. Ngoài ra, có 47 ha lúa xuất hiện chuột cắn phá. Tính chung, tổng diện tích lúa nhiễm các đối tượng dịch hại là 1.988 ha, giảm 220 ha so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với điều kiện nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, nếu chủ quan lơ là trong phòng trị sâu bệnh cho ruộng lúa sẽ rất đáng lo ngại. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, các trà lúa giai đoạn trổ đến chắc xanh khá mẫn cảm với bệnh đạo ôn cổ bông, cần tích cực theo dõi thường xuyên và kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trị vào những ngày trước, trong và sau Tết, bảo đảm năng suất lúa đông xuân 2014-2015. Đồng thời, cần chú ý đối tượng rầy nâu trong giai đoạn trổ, dự kiến sẽ nở rộ từ 22 đến 28 tháng 12 âm lịch. Cần tích cực kiểm tra, phát hiện và phòng trị rầy nâu và các đối tượng dịch hại theo các biện pháp sinh học được ngành nông nghiệp khuyến cáo, hạn chế sử dụng thuốc hóa học để hạn chế bộc phát rầy trong giai đoạn này. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cũng khuyến cáo: “Nông dân cần tăng cường thu hoạch lúa đông xuân bằng cơ giới nhằm giảm chi phí và thất thoát trong thu hoạch. Các địa phương rà soát lại số máy gặt đập liên hợp để chủ động trong thu hoạch và tích cực liên hệ và phối hợp chặt với các doanh nghiệp và đơn vị bao tiêu lúa của nông dân để thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt các hợp đồng tiêu thụ lúa đã ký với nông dân và hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa”.

Trước tình hình giá lúa giảm, nhiều nông dân kiến nghị, các bộ ngành Trung ương, nhất là Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần vào cuộc ngay để có biện pháp hỗ trợ nông dân trong việc thu mua và tạm trữ lúa gạo nhằm ổn định giá lúa gạo trong nước.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết