01/07/2012 - 19:49

Để vụ hè thu và thu đông thắng lợi

Sản xuất lúa hè thu 2012 tại TP Cần Thơ diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, giá lúa có xu hướng giảm, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của ngành nông nghiệp, lúa hè thu trên địa bàn thành phố đang bước vào giai đoạn thu hoạch, năng suất ước đạt trên 5 tấn/ha... Để vụ thu đông 2012 thắng lợi, ngoài lịch gieo sạ tập trung, đồng loạt né rầy, ngành nông nghiệp tăng cường rà soát hệ thống đê bao, chủ động bảo vệ lúa trước ảnh hưởng mưa, lũ vào cuối vụ.

Tăng cường chỉ đạo sản xuất lúa hè thu

Ngành nông nghiệp thành phố và huyện Vĩnh Thạnh kiểm tra đê bao chuẩn bị phục vụ sản xuất lúa thu đông 2012 trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.  

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ (NN&PTNT), vụ hè thu 2012, toàn thành phố xuống giống hơn 82.192ha, vượt 2,87% kế hoạch và cao hơn 628ha so với vụ hè thu 2011. Đến nay, lúa hè thu đã thu hoạch được hơn 5.748ha, năng suất đạt trên 5,17 tấn/ha. Theo ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, sản xuất lúa hè thu trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn do mưa trái mùa, bão sớm và các loại dịch hại như: rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá... Đặc biệt, toàn huyện có 5.000ha lúa nhiễm đạo ôn kết hợp với thối gốc lúa do vi khuẩn, trong đó 1.617ha bị nhiễm nặng và 47ha phải trục, gieo sạ lại hoàn toàn. Tuy nhiên, do nông dân tích cực chăm sóc và thường xuyên thăm đồng nên đã kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại và chủ động phòng trị bằng các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo. Đến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã thu hoạch trên 4.660ha lúa hè thu, năng suất bình quân khoảng 5-6 tấn/ha.

Nhằm tiến tới việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, vụ hè thu 2012, ngành nông nghiệp thành phố đã nhân rộng được 15 mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML), quy mô trên 4.600ha (vượt 3.000ha so với kế hoạch). Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, các CĐML tại huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt đang trong giai đoạn thu hoạch, năng suất ước đạt từ 5,6-6 tấn/ha. Trong CĐML, doanh nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi cung ứng lúa gạo, tham gia cung ứng vật tư đầu vào và hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Tính đến thời điểm hiện tại, 11/15 mô hình CĐML đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với diện tích 3.477/4.600 ha.

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ dự kiến lịch thời vụ xuống giống lúa thu đông 2012 như sau: Đợt 1: từ cuối tháng 6 đến 7-7-2012 (ngày 11-5 đến 19-5 âm lịch). Đợt 2: từ ngày 29-7 đến 6-8-2012 (ngày 11-6 đến 19-6 âm lịch). Cơ cấu giống lúa được khuyến cáo gồm: OM 4218, OM 1490, Cần Thơ 1, OM 5451, OM 6162 (giống chủ lực); OM 4900, Jasmine 85, OM 6976, OM 2517, OM 6561 (giống bổ sung); OM 5472, OM 4488, Cần Thơ 2, Cần Thơ 3 (giống triển vọng).

Về công tác chỉ đạo sản xuất lúa hè thu 2012 từ nay đến cuối vụ, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Ngành nông nghiệp thành phố yêu cầu các quận, huyện tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu, phân công cán bộ chịu trách nhiệm từng địa bàn cụ thể theo dõi sự phát triển của các đối tượng dịch hại, đặc biệt là rầy nâu, bệnh đạo ôn. Qua đó, đưa ra dự báo kịp thời, hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng trị phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch còn khá lớn, do đó, ngành nông nghiệp thành phố chỉ đạo các địa phương cần hỗ trợ nông dân tổ chức tốt khâu thu hoạch nhằm giảm thiểu tỷ lệ hao hụt, thất thoát sau thu hoạch.

Để vụ thu đông thắng lợi

Dự kiến, vụ thu đông 2012, TP Cần Thơ sẽ xuống giống 54.000ha (tương đương vụ lúa thu đông 2011), tập trung tại các huyện trồng lúa trọng điểm của thành phố như: Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Dựa trên cơ sở lịch thời vụ do Sở NN&PTNT TP Cần Thơ khuyến cáo, các quận, huyện theo dõi tình hình rầy vào bẫy đèn tại địa phương để xây dựng lịch thời vụ cụ thể và tuân thủ theo nguyên tắc chung: “Gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, cánh đồng”. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu, các địa phương cần vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, đảm bảo thời gian giãn vụ tối thiểu 3 tuần, sử dụng chế phẩm sinh học giúp gốc rạ mau phân hủy nhằm tránh tình trạng ngộ độc hữu cơ... Ngoài ra, những giống lúa sử dụng trong vụ thu đông cần lưu ý đến tính chống chịu với rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá và độ cứng cây để hạn chế đỗ ngã...

Vụ thu đông 2012, TP Cần Thơ xác định duy trì mô hình CĐML với quy mô từ 3.000-4.000ha. Nhằm giúp nông dân yên tâm sản xuất, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục làm đầu mối gắn kết giữa doanh nghiệp-nông dân trong việc cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Đặc biệt, thành phố sẽ ưu tiên trợ giá lúa giống tại các CĐML để chuẩn bị tốt khâu nhân giống cho vụ đông xuân 2012-2013. Ông Lê Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Trước mắt, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra lại các tuyến đê bao xung yếu, đặc biệt là hệ thống đê ở các CĐML nhằm đảm bảo tuân thủ lịch thời vụ xuống giống. Vụ thu đông 2012, Thới Lai tiếp tục mở rộng mô hình cộng đồng quản lý sâu rầy, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên nền tảng các giải pháp kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng chế phẩm sinh học (nấm MA)... nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất lúa cho người nông dân. Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường đàm phán với các ngân hàng trên tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn mua máy móc phục vụ sản xuất và đầu tư hệ thống sấy lúa đáp ứng nhu cầu bán lúa tươi của nông dân”.

Sản xuất lúa thu đông 2012 chịu ảnh hưởng rất lớn từ điều kiện thời tiết, đặc biệt là mưa, lũ thường tập trung vào cuối vụ. Tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất lúa hè thu 2012 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông 2012”, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nhấn mạnh: Để vụ lúa thu đông 2012 thắng lợi, các quận, huyện cần theo dõi, nắm chắc diễn biến thời tiết và chỉ tập trung xuống giống ở những khu vực có đê bao vững chắc. Song song đó, vận động nông dân tuân thủ cơ cấu giống và gieo sạ đồng loạt né rầy tạo điều kiện quản lý tốt dịch bệnh và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất. Ngoài ra, đối với việc liên kết sản xuất lúa theo mô hình CĐML, ngành nông nghiệp thành phố phối hợp với địa phương giám sát chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa, tránh tình trạng không thống nhất về giá bán dẫn đến việc phá vỡ hợp đồng.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết