17/01/2017 - 17:11

Để trường nghề, trung cấp khởi sắc tuyển sinh

Tuyển sinh năm 2017 bắt đầu khởi động. Với một số trường nghề, trung cấp tại TP Cần Thơ, nguồn tuyển sinh luôn là nỗi lo canh cánh. Mặc dù thời gian gần đây, học sinh cân nhắc chọn học nghề, trung cấp nhưng sự chuyển biến này vẫn còn chậm. Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay có một số thay đổi, khiến nhiều trường càng thêm lo lắng về nguồn tuyển sinh.

Chuyển biến

Tại xưởng thiết bị ô tô, Trường Cao đẳng Nghề (CĐN) Cần Thơ, bạn Nguyễn Thanh Tùng, sinh viên ngành công nghệ ô tô K14 và các bạn cùng lớp thuần thục tháo, gắn, vặn từng con ốc vít vào thiết bị. Bạn Tùng cho biết: "Nhờ thầy hướng dẫn tận tình, chúng tôi hiểu, thực hành dễ dàng. Hiện nay, tôi có thể tự sửa chữa một số loại động cơ ô tô". Quê ở tỉnh Hậu Giang, với thu nhập ít ỏi từ vài công vườn, cha mẹ rất vất vả để lo hai chị em Tùng ăn học. Năm 2014, Tùng trúng tuyển đại học nhưng vì mê nghề sửa chữa ô tô nên quyết định chọn học Trường CĐN Cần Thơ. 3 năm qua, Tùng liên tục đạt học lực giỏi. Tùng vừa học, vừa trợ giảng và học thêm chứng chỉ sư phạm. Theo Tùng, chọn học nghề không chỉ vì yêu thích mà còn vì dễ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Chị của Tùng tốt nghiệp đại học kế toán, 4 năm sau, mới có việc làm ổn định. Tùng nói: "Tôi cố gắng hoàn tất chương trình học cao đẳng để tìm việc làm ổn định. Sau này, nếu có điều kiện sẽ học tiếp đại học".

Giờ thực hành trên thiết bị máy ô tô của sinh viên Trường CĐN Cần Thơ.

Tương tự, lý do chọn học ngành công nghệ ô tô của Duy, Trí (bạn cùng lớp với Tùng) là bởi: học phí trường nghề thấp so với trường đại học, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình; yêu thích; và học nghề sẽ dễ tìm việc hơn sau khi tốt nghiệp. Cô Phan Thị Thùy Trang, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐN Cần Thơ, cho biết: "Vài năm gần đây, định hướng chọn ngành học của học sinh chuyển biến rõ nét. Nhiều học sinh chọn học nghề vì dễ tìm việc làm, phù hợp năng lực. Hiện một số trường phổ thông ở TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng chủ động liên hệ để tham quan cơ sở vật chất nhà trường, giúp học sinh định hướng chọn ngành nghề phù hợp năng lực, điều kiện kinh tế gia đình". Theo thầy Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, 2 năm gần đây, một số học sinh của trường có điểm thi THPT khá cao nhưng vẫn chọn học cao đẳng, trung cấp.

Để thu hút thí sinh

TP Cần Thơ hiện có nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề; cơ sở giáo dục tham gia đào tạo nghề; chưa kể một số trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sáp nhập về ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2017. Điều này mở ra nhiều cơ hội giúp học sinh chọn ngành học phù hợp, song cũng không ít thách thức.

Theo lãnh đạo các trường cao đẳng, trung cấp, thời điểm này hằng năm, trường có phương án tuyển sinh năm học mới (chỉ tiêu, ngành nghề, hình thức…), nhưng năm nay vẫn chưa thể thực hiện vì phải chờ thông tư hướng dẫn cụ thể của đơn vị chủ quản, ít nhiều gây khó khăn trong triển khai kế hoạch năm học mới. Thạc sĩ Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ, cho biết: "Theo kế hoạch, năm 2017, trường vẫn tuyển sinh các ngành truyền thống (y dược, điều dưỡng, kế toán, ngân hàng,…). Tuy nhiên, trường chưa thể công bố cụ thể vì phải chờ đơn vị chủ quản hướng dẫn cụ thể. Nên chăng có cuộc họp công bố và bàn giao cụ thể giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội để giúp trường hoạt động thuận lợi hơn".

Tuy học sinh có chuyển biến trong chọn ngành nghề nhưng tâm lý trọng bằng cấp trong xã hội còn phổ biến, nên đa phần thích học đại học hơn. Để thu hút thí sinh học nghề, các trường mở rộng quy mô, đa dạng ngành nghề và hình thức đào tạo; nhất là quan tâm đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo. Cô Phan Thị Thùy Trang cho biết: "Trước khi mở ngành học mới, Trường CĐN Cần Thơ đều dựa vào nguồn lực và nhu cầu xã hội để sinh viên ra trường tìm được việc làm. Ngoài ra, học sinh một số ngành (xây dựng, cắt gọt kim loại) chỉ đóng 30% học phí; học sinh tốt nghiệp lớp 9 học nghề năm nay được giảm 100% học phí… để thu hút thí sinh đến với trường nghề". Mặt khác, giải quyết tốt việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp là giải pháp thu hút thí sinh các trường. Chẳng hạn, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trên 75%. Hai năm học qua, trường cam kết 100% học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Việc tuyển sinh đối với các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp còn khó khăn khi xã hội còn tâm lý chuộng "thầy" hơn "thợ". Nhưng với nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết "đầu ra" cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, hứa hẹn mùa tuyển sinh khởi sắc 2017.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết