20/05/2018 - 15:43

Để “rộng đường” xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ 

Thị trường Hoa Kỳ là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu chủ lực  đóng vai trò không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, hàng hóa nước ta khi xuất sang thị trường này khá “vất vả” do các rào cản kỹ thuật; áp thuế chống bán phá giá; nhãn mác, bao bì chưa tạo sức hút đối với người tiêu dùng... Giải pháp nào để khắc phục tình trạng nói trên và giúp doanh nghiệp Việt thuận lợi hơn khi xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia này? Đó là vấn đề cốt lõi được  bàn thảo tại Hội thảo “Làm thế nào để quảng bá thương hiệu và sản phẩm ra thị trường Hoa Kỳ/ Nhãn mác và bao bì: Tầm quan trọng của sản phẩm”   do Công ty TNHH UIMEX-VN phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ tổ chức.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD tại 29 thị trường. Trong đó có 3 nhóm hàng tăng trưởng mạnh là: nông - thủy sản, nhiên liệu - khoáng sản và công nghiệp chế biến - chế tạo. Riêng Hoa Kỳ là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu chủ lực và có vai trò quan trọng đối với kim ngạch xuất khẩu hàng năm của nước ta. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA), cho biết: “Hiện nước ta có đến  37 mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chứ không chỉ gạo và thủy sản như chúng ta vẫn thường nghĩ. Trong đó, các mặt hàng dẫn đầu là dệt may, giày dép, điện thoại các loại, máy vi tính và sản phẩm điện tử... Riêng thủy sản và gạo lần lượt đứng hàng thứ 8 và 32. Điều này cho thấy Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn và là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt”.

Từ năm 2001-  khi Việt Nam - Hoa Kỳ ký Hiệp định song phương thương mại (BTA)- đến năm 2017, giá trị xuất siêu của hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ đã tăng liên tiếp từ 200 triệu USD lên gần 30 tỉ USD (gần 150 lần). Tuy nhiên, theo ông Calvin P. Tran, Chủ tịch Phòng Thương mại Người Việt Nam tại Hoa Kỳ,  năm 2018 rất có thể là năm đầu tiên chứng kiến sự sụt giảm của việc xuất siêu này khi các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như tôm, thép và nhôm đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp thuế cao. Đối với sản phẩm cá tra, hiện đoàn kiểm tra của Hoa Kỳ đang có mặt tại tại Việt Nam để kiểm tra quy trình nuôi và sản xuất cá tra của Việt Nam. Nếu cá tra Việt Nam thỏa mãn các yêu cầu theo “tiêu chuẩn Mỹ” thì cơ hội phát triển bền vững ở thị trường này rất lớn và ngược lại sẽ là thách thức không nhỏ cho con cá tra Việt Nam.

Từ thực tế này, ông Phan Xuân Thanh, Phó Chủ tịch thành viên Công ty TNHH UIMEX-VN khẳng định, để sản phẩm xuất khẩu được sang Hoa Kỳ không khó nhưng cũng không phải là vấn đề đơn giản. Điều cốt lõi doanh nghiệp Việt cần nắm là phải tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu, quy định đặt ra từ nhà nhập khẩu. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA), cho rằng, không chỉ riêng thị trường Hoa Kỳ, khi sản xuất ra hàng hóa, doanh nghiệp nên có tham vọng đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. “Chúng ta đừng nghĩ là sản phẩm mình làm ra chưa tốt, không thể cạnh tranh lại các sản phẩm khác. Bất kỳ quốc gia nào khi nhập khẩu hàng hóa họ cũng đưa ra tiêu chuẩn. Do đó, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc quy định, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế thì không có gì phải lo ngại”.

Ông Calvin P. Tran, Chủ tịch Phòng Thương mại Người Việt Nam tại Hoa Kỳ, chia sẻ: “Hoa Kỳ là thị trường lớn, với giá xuất khẩu rất tốt mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu muốn thâm nhập. Tuy nhiên, để khai thác tốt thị trường này, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng tốt các Hiệp định về ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đáp ứng tiêu chí thành thật trong kinh doanh quốc tế và đảm bảo sự công bằng, đối ứng. Đó là những tiền đề để tạo nên mối quan hệ làm ăn hiệu quả, lâu bền”.

Song song với chất lượng sản phẩm, vấn đề đầu tư cho nhãn mác, bao bì cũng cần được chú trọng để có thể thu hút và tạo niềm tin cho khách hàng. Ông Phạm Phú Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH UIMEX-VN (hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại vào thị trường Hoa Kỳ), cho biết: “Hiện nay doanh nghiệp trong nước đã sản xuất nhiều mặt hàng rất tốt, nhưng nhãn mác và bao bì chưa được bắt mắt và không đúng chuẩn. Tôi cho rằng, từ nền tảng này, doanh nghiệp chỉ cần thiết kế lại bao bì, sửa ít thông tin là bán được sản phẩm với giá hấp dẫn hơn. Sắp tới, UIMEX - VN sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành về thay đổi nhãn mác cho phù hợp với quốc tế, nhất là thị trường Hoa Kỳ”. Tại buổi hội thảo, các chuyên gia hàng đầu cũng tư vấn cho nhiều doanh nghiệp về thiết kế logo, thương hiệu bắt mắt, tránh tình trạng vi phạm bản quyền; cách thức công bố hàm lượng, thành phần dinh dưỡng trên bao bì...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết