30/12/2011 - 16:19

Đề phòng bệnh thiếu màu dinh dưỡng

Thiếu máu là vấn đề sức khỏe cộng đồng đang được nhiều người quan tâm. Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng chiếm trên 30% (đặc biệt là phụ nữ có thai). Bên cạnh nguyên nhân thiếu máu do bệnh lý (hồng cầu liềm, thiếu máu huyết tán do thiếu men G - 6 PD) tỷ lệ khoảng 8 - 10%, tình trạng thiếu vitamine B12 gây chứng thiếu máu nhược sắc cũng còn chiếm tỷ lệ đáng kể. Về mặt y tế công cộng người ta đặc biệt quan tâm đến bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt và acid folic, thường gọi là thiếu máu dinh dưỡng.

Vì sắt là nguyên tố kết hợp với hemoglobin cấu tạo hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy đến các mô, nên khi thiếu sắt, chức năng này không thể thực hiện được và gây ra bệnh thiểu năng tuần hoàn, suy hô hấp, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, móng tay dễ gãy; người thiếu máu thường có năng suất lao động thấp, thở hổn hển khi gắng sức. Phụ nữ thiếu máu nặng dễ bị sẩy thai, sinh non. Đối với trẻ em thường học kém và hay ngủ gật, chóng mặt...

Theo đó, nhu cầu chất sắt tùy thuộc theo từng nhóm đối tượng khác nhau. Cụ thể:

Gan bò, gan heo là những loại thực phẩm
 chứa nhiều chất sắt. 

- Trẻ nhỏ: Dưới 1 tuổi: 10 mg; từ 1 - 4 tuổi là 7 mg; từ 4 - 7 tuổi: 6 mg; từ 8 - 10 tuổi: 12 mg.

- Thiếu niên: 12 tuổi - 15 tuổi: 12 mg - 18 mg; Trên 16 tuổi: 11 mg.

- Người trưởng thành: Đối với nam: 11 mg; nữ: 18-60: 24 mg; >60 tuổi: 9 mg. Riêng phụ nữ có thai (trong 6 tháng cuối): 30 mg; phụ nữ cho con bú: 24 mg.

Có nhiều biện pháp dinh dưỡng để phòng chống bệnh thiếu máu. Ngoài việc dùng viên sắt (gồm chất sắt và acid folic) cho bà mẹ mang thai (ví dụ: Ferrous sulfate, ferrovit), chúng ta nên chủ động duy trì hàm lượng sắt trong máu (Ferritin huyết thanh), kể cả acid folic và vitamine B12 trong cơ thể, bằng cách đảm bảo chế độ ăn hàng ngày có các thành phần trên. Dưới đây là các loại thực phẩm tiêu biểu:

- Các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu chất sắt (hàm lượng tính trên 100mg): Huyết bò (52%), gan bò (9%), gan heo (12%), cật heo (8%), lòng đỏ trứng (7%), hải sản như tôm, cua, sò, hến (6 - 8%)...

- Các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu chất sắt gồm: đậu đen, đậu đỏ, mè (10 - 11%), nấm mèo (56,1%), nấm đông cô (35%), đậu nành (11%) ...

- Các loại thực phẩm giàu chất acid folic: Ngũ cốc nguyên hạt, sản phẩm từ lúa mì (bánh mì, mì ống), gan, trứng ...

- Thực phẩm giàu vitamin B12 như thịt, gan, trứng, sữa (nguồn gốc động vật.

Tuy nhiên, sắt là loại vi chất “khó tính”, nên khi uống viên sắt hoặc sử dụng thực phẩm chúng ta cần lưu ý một số điểm sau: Chất tăng cường hấp thu chất sắt: như Vitamin C (có trong chanh, cam, cà chua, rau dền, mồng tơi...). Chất ức chế hấp thu chất sắt: như chất phytate có trong ngũ cốc, chất tanin có trong trà, cà phê, trái cây còn xanh và viên thuốc calcium hoặc chất calcium trong trứng, sữa, phô mai... Tránh dùng phối hợp viên sắt với nhóm kháng sinh như ofloxacin, ciprofloxacin, norfloxacin.

Bài, ảnh: CNYK ĐÀM HỒNG HẢI
(Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết