17/03/2018 - 09:13

Để ngành cá tra phát triển hiệu quả, bền vững 

Ngày 16-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành cá tra năm 2018. Hội nghị tập trung bàn giải pháp vượt khó để hoàn thành tốt chỉ tiêu  kế hoạch năm và đưa ngành cá tra phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững đã được hội nghị đặt ra...

Nhận diện các “rủi ro” 

Giá cá tra cao và ổn định ở mức giúp nhiều người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu có lời trong suốt năm qua và những tháng đầu năm nay đã tạo động lực để người dân, doanh nghiệp  đầu tư sản xuất. Đồng thời, tình hình tiêu thụ cá tra tiếp tục có nhiều thuận lợi, thị trường xuất khẩu mở rộng, các rào cản trong thương mại được ngành chức năng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ. Các doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam ngày càng linh hoạt thích ứng với các rào cản và cạnh tranh hội nhập quốc tế là những tiền đề thuận lợi để ngành cá tra tiếp tục có những đột phá phát triển trong năm nay. Tuy nhiên, ngành cá tra  đang đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro. Do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chất lượng thức ăn chăn nuôi chưa ổn định, nguồn cung con giống chưa đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng, đầu ra sản phẩm  tồn tại nhiều yếu tố bất ổn.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.

Hiện nay, giá cá tra giống không chỉ tăng cao mà còn có dấu hiệu khan hiếm tại nhiều nơi, nhất là nguồn giống đảm bảo chất lượng. Giá cá tra giống loại 30 con/kg đã ở mức 75.000 đồng/kg, đây là mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Ông Huỳnh Văn Mừng, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Mừng Liên ở tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Nguồn cá tra giống bị thiếu hụt do việc sản xuất con giống đạt tỷ lệ sống thấp, hao hụt nhiều vì dịch bệnh và thời tiết có nhiều bất lợi. Hiện tỷ lệ nuôi từ bột lên hương tại nhiều cơ sở sản xuất cá tra giống đạt tỷ lệ cá sống không quá 20% còn nuôi từ hương lên cá giống đạt không quá 40%. Tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá thịt cũng rất cao tại nhiều hộ nuôi, với tỷ lệ cá sống chỉ khoảng 50-60%, trong khi mật độ thả nuôi khá cao với khoảng 80 con/m2. Nuôi mật độ dày dễ gây các tác động xấu cho môi trường và phát sinh dịch bệnh. Do vậy, ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất giống và kịp thời khuyến cáo, giúp người dân thả nuôi cá thương phẩm với mật độ thưa, tỷ lệ sống cao”. Theo ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), giá cá tra tăng giảm theo cung-cầu của thị trường. Giá cá tra nguyên liệu và cá tra xuất khẩu đang ở mức cao nhưng thị trường xuất khẩu vẫn tiềm ẩn khó khăn, nhất là thị trường Mỹ tiếp tục áp mức thuế suất chống bán phá giá rất cao và gia tăng các rào cản kỹ thuật. Thị trường Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu của nước ta, với sản lượng nhập khẩu rất lớn nhưng chúng ta phải thận trọng vì đây là thị trường có nhiều rủi ro.  Dù gặp khó về nguồn con giống nhưng người dân tại một số vùng vẫn ồ ạt đào ao nuôi mới, nếu không kịp thời cảnh báo sẽ có mối nguy lớn về giá cả, đầu ra thời gian tới...

Hướng đến mục tiêu  xuất khẩu trên 2 tỉ USD

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục  trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam, cho rằng: “Trong nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ ở quanh mức 1,6-1,8 tỉ USD, để con số này vượt lên mức trên 2 tỉ USD cần giải quyết các vấn đề tổ chức nuôi trồng để đảm bảo sản lượng và chất lượng sản phẩm, nguồn con giống và đầu ra sản phẩm. Đặc biệt, cần chú trọng giải pháp nâng cao giá trị cá tra xuất khẩu, tập trung khai thác các thị trường có lợi thế”.

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng ngành thủy sản được Chính phủ giao, năm 2018 ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu cá tra khoảng 2-2,2 tỉ USD, chiếm 31,5% kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản, qua đó góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 10 tỉ USD. Để đạt mục tiêu đề ra, dự kiến sản lượng nuôi cá tra thương phẩm trong năm nay cần đạt 1,3 triệu tấn và cần sản xuất khoảng 2,2 tỉ cá giống để đáp ứng nhu cầu nuôi trồng. Tổng cục Thủy sản cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm nay. Cụ thể như, quan tâm nâng cao chất lượng con giống. Kiểm soát chặt điều kiện cơ sở chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu và chất lượng sản phẩm theo Nghị định 55/NĐ-CP về quản lý sản xuất, tiêu thụ cá tra và Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT về chất lượng phile cá tra xuất khẩu để giữ uy tín sản phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ người nuôi cá tra thương phẩm liên kết đầu ra với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra để cân đối cung cầu. Mặt khác, quan tâm phát triển thị trường và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm cá tra và kịp thời xử lý các rào cản kỹ thuật…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, chúng ta cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách cả cho trước mắt và lâu dài. Trong đó, cần triển khai nghiêm túc Nghị định 55/NĐ-CP về quản lý sản xuất, tiêu thụ cá tra và Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT về chất lượng phile cá tra xuất khẩu. Cần tăng cường kiểm soát chất lượng giống, tổ chức kiểm tra và kiểm soát các cơ sở sản xuất giống, các địa phương phải nắm sát tình hình để cân đối cung cầu giống. Tổng cục Thủy sản và các cơ quan, địa phương cần rà soát ngay đàn cá tra giống bố mẹ để cân đối, điều chuyển đến những địa chỉ tin cậy nhằm tăng phát triển sản xuất giống. Đối với vấn đề nuôi cá thương phẩm, hiện giá cá ở mức cao, người nuôi đang có lãi, nếu không kiểm soát, để vùng nuôi phát triển tự do sẽ ngành nuôi sẽ quay lại thời kỳ khủng hoảng như trước đây. Các địa phương cần rà soát, sớm hoàn chỉnh quy hoạch phát triển cá tra. Điều tiết, hướng dẫn, giám sát mật độ, quy mô nuôi để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại, đồng thời đảm bảo yêu cầu thị trường, song song đó là xây dựng chiến lược truyền thông bền vững, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang, tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Cần khẩn trương giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn con giống mới có sản lượng cá  đảm bảo xuất khẩu để đạt chỉ tiêu kim ngạch đề ra. Lúc này, không phải chờ cơ chế mà cần bắt tay làm ngay bằng mọi biện pháp. Đặc biệt, các đơn vị, doanh nghiệp và địa phương cần đặt hàng các cơ sở sản xuất giống có uy tín để đảm bảo nguồn giống chất lượng cho nuôi trồng trong những tháng tới đây”.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết