03/10/2010 - 21:40

TP Cần Thơ

Để kinh tế tăng tốc vào những tháng cuối năm

9 tháng đầu năm 2010, kinh tế - xã hội TP Cần Thơ có những bước tăng trưởng khá. Các chỉ tiêu kinh tế của thành phố như: giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa... đều tăng so với cùng kỳ năm 2009. Theo ngành hữu quan, thông lệ hằng năm, các tháng trong quý IV là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tạo đà tốt cho khởi động kế hoạch của năm tiếp theo. Chính vì thế, các tháng còn lại của năm 2010, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu kinh tế sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tăng trưởng khá

Quý IV/2010 TP Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường... Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Trường Nguyên. 

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, 9 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ước thực hiện 13.950,9 tỉ đồng, tăng 14,05% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp quốc doanh ước thực hiện 1.256,8 tỉ đồng, tăng 11,96% so với cùng kỳ; công nghiệp ngoài quốc doanh ước thực hiện 11.444,7 tỉ đồng, tăng 14,97% so với cùng kỳ. Trong khoảng thời gian vừa nêu, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố xuất khẩu hàng hóa được khoảng 635,55 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2009. Ngoài ra, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ đến ngày 28-9, thành phố đã thực hiện thanh toán và tạm ứng vốn xây dựng cơ bản (vốn ngân sách nhà nước địa phương quản lý) đạt trên 62% kế hoạch phân bổ, trong đó vốn trái phiếu chính phủ đạt khoảng 95%. Đến ngày 30-9, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt khoảng 96% kế hoạch...

Với kết quả trên, ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, nhận định: 9 tháng đầu năm 2010, UBND thành phố tiếp tục triển khai nhanh và có hiệu quả các giải pháp bình ổn giá, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, các chính sách an sinh xã hội nên tình hình phát triển kinh tế- xã hội của thành phố đạt được kết quả khá toàn diện. Đặc biệt, các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển tích cực, ổn định. Ngoài ra, đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã tăng cường có hiệu quả các biện pháp huy động vốn để cho vay, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản khá tốt, trong đó nhiều công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng. Ngành nông nghiệp thành phố triển khai ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng an toàn, bền vững đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả...

Vẫn chưa đạt tiến độ kế hoạch

Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ, nhận định: Dù đạt kết quả khá khả quan nhưng nếu so sánh với kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu kinh tế vẫn chưa đạt, thậm chí đang trên đà sụt giảm so với 6 tháng đầu năm 2010. Cụ thể như: 6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt 48,2% kế hoạch năm, hụt 1,8% so với tiến độ kế hoạch cần đạt được. 9 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt 72,43% kế hoạch năm, hụt 2,57% so với tiến độ thực hiện kế hoạch của quý II/2010. Trong sản xuất công nghiệp, công nghiệp ngoài quốc doanh luôn chiếm tỉ trọng trên 80% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh chỉ đạt 70,4% kế hoạch cả năm 2010... Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, đầu năm đến nay, TP Cần Thơ cấp mới chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 978 doanh nghiệp các loại hình, chỉ đạt 56,6% số lượng doanh nghiệp đăng ký mới so với kế hoạch. Đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tháng 9-2010, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án, thu hồi chứng nhận đầu tư 2 dự án. Như vậy, hiện nay trên địa bàn thành phố có 50 dự án (FDI) nhưng chỉ có 24 doanh nghiệp FDI hoạt động có doanh thu. Các số liệu vừa nêu không có sự khác biệt lớn nếu đem so sánh với kết quả của 6 tháng đầu năm 2010. Hiện nay, vấn đề thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu thủy sản đang là bài toán khá nan giải cho các doanh nghiệp ở TP Cần Thơ cũng như cả Đồng bằng sông Cửu Long. Đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ đạt khoảng 73% kế hoạch năm nhưng giá trị kim ngạch nhập khẩu (chủ yếu các mặt hàng phục vụ chế biến) chỉ đạt 61,7% kế hoạch năm.

Với phân tích trên, Tiến sĩ Trần Thanh Bé cho rằng: Các ngành hữu quan của thành phố cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh thuận lợi trong sản xuất. Song song đó, cần có nhiều giải pháp tích cực để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

Để kinh tế tăng tốc

Ông Lê Văn Hừng, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng: Thông lệ hằng năm, quý IV là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo đà thuận lợi cho những tháng đầu năm tiếp theo. Chính vì thế, ngành công thương thành phố có thể đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra của năm 2010.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, các tháng còn lại của năm 2010, TP Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu; tiếp tục tổ chức Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, thực hiện “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngoài ra, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của ngân hàng nhà nước, bảo đảm đúng đối tượng, đạt hiệu quả, công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Thực hiện các biện pháp tích cực nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2010 - 2011. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng cung cấp hàng giả, kém chất lượng, tạo khan hiếm hàng, tăng giá thuốc và đầu vụ đông xuân 2010- 2011...

Để kinh tế TP Cần Thơ tăng tốc vào những tháng cuối năm 2010, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ yêu cầu: Các ngành hữu quan tiếp tục dồn sức, khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Ngành công thương thành phố cần chủ động làm việc với các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu và trình UBND thành phố phê duyệt kinh phí bình ổn nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2011; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm... Trong hoạt động xuất khẩu, ngành công thương tiếp tục làm vai trò trung gian, kịp thời nắm bắt, đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đẩy mạnh xuất khẩu nhất là đối với mặt hàng gạo và cá tra...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết