05/02/2014 - 21:12

Để Hiến pháp thật sự đi vào cuộc sống

Đại úy: Trịnh Duy Thuyên
Phòng Pháp chế Công an TP Cần Thơ

Thượng tá Huỳnh Trí Sĩ – Trưởng phòng Pháp chế Công an thành phố Cần Thơ tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28-11-2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Qua nhiều lần tiếp thu ý kiến đóng góp của đông đảo nhân dân, các nhà khoa học, cán bộ công chức, viên chức, Hiến pháp vừa được Quốc hội ban hành đã được chỉnh lý, bổ sung với một số điểm mới so với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Hiến pháp đã bổ sung quy định tại điều 4, Chương I Chế độ chính trị, về bản chất của Đảng, đó là: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng". Đồng thời tại khoản 2, 3 điều 4 còn quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Tại khoản 1 điều 9 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định rõ hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân "…tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II, đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Ngoài ra, đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, cũng đã bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Điều 88, Chương VI Chủ tịch nước, thể hiện rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và quy định mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Chính phủ, Cơ quan tư pháp. Đồng thời, quy định rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong việc quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam… Bên cạnh đó, bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng và An ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch quyết định việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Khoản 2 điều 96 đã phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc đề xuất xây dựng chính sách trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc tự mình quyết định theo thẩm quyền; khoản 7 điều 96 phân định rõ thẩm quyền của tập thể Chính phủ trong việc tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước. Về Chương IX Chính quyền địa phương, bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương và tại khoản 2 điều 110 ghi nhận "Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định". Với quy định này đã đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cấu trúc hành chính nước ta. Riêng về tổ chức chính quyền địa phương, được quy định khái quát theo hướng: "Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định".

Song song với việc ra đời của một bản Hiến pháp mới, chúng ta phải tiến hành ngay công tác tuyên truyền, phổ biến để Hiến pháp thật sự đi vào cuộc sống thực tế. Theo tôi, trong thời gian tới các ban ngành thành phố nên có những hình thức triển khai, phổ biến rộng rãi Hiến pháp như: biên soạn đề cương giới thiệu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) sao cho phù hợp với từng đối tượng. Qua đó tổ chức Hội nghị triển khai cấp thành phố cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội. Sau hội nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch triển khai Hiến pháp trong nội bộ đơn vị. Song song với tổ chức nhiều loại hình tuyên truyền Hiến pháp trên địa bàn dân cư bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: phát tờ rơi, tổ chức các cuộc họp dân, thông báo trên các phương tiện truyền thông của huyện, phường, xã; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa… Đài phát thanh - truyền hình Cần Thơ, Báo Cần Thơ mở các chuyên mục tuyên truyền pháp luật, các bài tham luận, hỏi đáp pháp luật… về Hiến pháp. Bên cạnh đó, thành phố nên trang cấp Luật Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho tủ sách pháp luật tại UBND các địa phương phục vụ cho mục đích nghiên cứu của nhân dân. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, khơi dậy trong nhân dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình trong tổ chức và nghiêm chỉnh thực thi Hiến pháp. Đồng thời, khuyến khích mỗi người dân, các tổ chức tham gia một cách tích cực vào các buổi sinh hoạt pháp luật, xem đây là món ăn tinh thần của đời sống chính trị xã hội để đề cao giá trị của pháp luật, hướng mọi tổ chức, cá nhân có thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, tích cực.

 

Chia sẻ bài viết