04/12/2012 - 08:47

Trước thềm Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long

Để hạt gạo Tiền Giang tiếp tục... thăng hoa

Chỉ còn vài ngày nữa, tại TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) sẽ diễn ra một sự kiện lớn đang được dư luận cả nước mong đợi: Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long – Tiền Giang 2012 (MDEC – Tiền Giang 2012). Dự kiến MDEC - Tiền Giang 2012 kéo dài từ ngày 5 đến 9-12 sẽ có nhiều hoạt động thiết thực làm nổi bật chủ đề chính "Hướng tới một nền nông nghiệp chất lượng và bền vững". Là tỉnh đăng cai MDEC – Tiền Giang 2012 đồng thời được coi là vựa lúa gạo hàng hóa, vựa nông sản lớn của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, lãnh đạo và nhân dân Tiền Giang kỳ vọng qua diễn đàn, hạt gạo Tiền Giang có thêm động lực mới để thăng hoa, đóng góp vào sự phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, bền vững.

Nỗ lực phát huy vị thế hạt gạo Tiền Giang

Tỉnh Tiền Giang vừa kết thúc năm lương thực 2012 và đang tích cực triển khai sản xuất vụ đông xuân mới 2012 – 2013. Năm 2012, nông dân trong tỉnh gieo cấy được trên 241.000 ha, vượt 1,29% so với kế hoạch cả năm. Với năng suất bình quân 58,3 tạ/ ha, địa phương đạt sản lượng lúa cả năm trên 1.175.000 tấn, vượt 3% so với năm 2011. Tỉnh cũng đã xuất khẩu được trên 109.000 tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu trên 48,8 triệu USD. Cũng nên nói thêm, lương thực - đặc biệt lúa gạo chính là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Tiền Giang trong những năm qua đang mang lại nguồn ngoại tệ hết sức quan trọng để xây dựng quê hương.

Nhìn lại kết quả sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của tỉnh trong năm 2012, có thể thấy được sự nỗ lực rất lớn của địa phương trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trên nhiều mặt: Năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội. Nông dân trong tỉnh đã vượt qua hoàn cảnh và điều kiện sản xuất khó khăn như: hạn mặn trong vụ hè thu, mưa gió và lũ lụt trong vụ ba, biến đổi khí hậu, áp lực gia tăng của giá vật tư nông nghiệp cùng nhiên liệu bơm tát cũng như các mặt hàng thiết yếu khác, đầu ra nông sản bấp bênh, điệp khúc "được mùa – mất giá"...

Vượt lên những khó khăn, lực lượng nông dân Tiền Giang vốn chiếm trên 80% dân số trong tỉnh đã năng động, nhạy bén khắc phục khó khăn đồng thời kiên trì xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hội nhập và hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng cao, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ. Nói đến Tiền Giang là nói đến phong trào thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng cây trồng, ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật mới như: Ba giảm ba tăng, IPM; gần đây là công nghệ quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa phòng chống rầy nâu gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, phong trào sản xuất theo tiêu chí Viet GAP, Global GAP. Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) là HTX nông nghiệp đầu tiên trong cả nước vinh dự đón nhận chứng chỉ Global GAP cho hạt gạo Mỹ Thành.

Nhiều chương trình đưa khoa học công nghệ vào sản xuất lúa, thay đổi tư duy và cách nghĩ, cách làm, nâng cao trình độ của người nông dân đã tạo ra bước ngoặt mới thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập của hạt gạo Tiền Giang. Đó là các chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, cùng nông dân ra đồng, cánh đồng mẫu về sản xuất lúa...Nhờ đó, việc cơ giới hóa khâu làm đất, khâu bơm tát đã đạt 100% diện tích canh tác. Việc trang bị thêm 503 máy gặt đập liên hợp, 471 máy gặt xếp dãy đã giúp nâng tỷ lệ thu hoạch bằng máy đạt 56% tổng diện tích canh tác, vừa khắc phục tình trạng thiếu nhân công, giảm thất thoát, nâng chất lượng hạt lúa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trong chương trình "Cùng nông dân ra đồng", năm 2012, Tiền Giang triển khai được gần 230 điểm và mô hình trình diễn kỹ thuật trên diện tích gần 690 ha, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất bình quân từ 1,9 đến 2,2 triệu đồng/ ha. Chương trình "Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu, bệnh virus trên cây lúa" đã thực hiện được trên 1.100 ha cho phép nông dân tiết kiệm chi phí từ 2 đến 2,4 triệu đồng/ ha.

Ngoài ra, nông dân các địa phương còn tham gia chương trình "Cánh đồng mẫu về sản xuất lúa" diện tích 626 ha tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông. Nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ ha/ năm thể hiện tư duy kinh tế mới của người nông dân như: lúa + cá ở Cái Bè, lúa + dưa hấu ở Cai Lậy, chuyên canh màu trên ruộng ở Châu Thành và Chợ Gạo, trồng thanh long trên đất lúa nhiễm phèn ở Chợ Gạo và Gò Công Tây, lúa + tôm trên đất nhiễm mặn Tân Phú Đông...

Thách thức vẫn còn

Nhờ cuộc cách mạng khoa học trong nông nghiệp được đẩy mạnh, diện mạo nông nghiệp – nông thôn Tiền Giang thay đổi đến tận gốc rễ, đặc biệt trên lĩnh vực trồng lúa. Nếu trong những năm cuối thế kỷ XX, kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế, nông dân sử dụng phổ biến các giống chất lượng kém, dùng lúa ăn làm giống, mật độ sạ dày, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bón phân không hợp lý nên sâu bệnh khó kiểm soát, năng suất thấp, bình quân từ 40 đến 45 tạ/ ha/ vụ. Nay với trình độ thâm canh nâng lên đã giúp tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế. Trong các năm qua, mặc dù diện tích lúa giảm, chỉ dừng lại ở mức khoảng 80.000 ha đất trồng trọt nhưng hàng năm tỉnh luôn đạt sản lượng 1,3 triệu tấn lúa trở lên. Giá trị sản xuất cũng tăng theo từng năm. Nếu năm 1993, lợi nhuận chỉ đạt 10 triệu đồng/ha/ vụ thì đến năm 2011 đã đạt 19,5 triệu đồng/ ha/ vụ.

Tuy nhiên, không phải nghề trồng lúa tại Tiền Giang đã hết khó khăn. Con đường sản xuất lúa hàng hóa phía trước vẫn còn nhiều gập ghềnh, nhiều thách thức. Đơn cử như năm 2012 – năm được coi là "hạn" của nhiều ngành trong đó có ngành nông nghiệp, nông dân gánh chịu nhiều thua thiệt bởi tác động nhiều mặt của suy giảm kinh tế trong khi đầu ra hạt lúa hết sức khó khăn, vào lúc thu hoạch rộ giá lúa liên tục giảm. Theo khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh, giá thành sản xuất lúa bình quân trong năm 2012 là 3.948 đ/kg, cao hơn năm trước 54 đ/kg, trong khi lợi nhuận bình quân năm 2012 giảm hơn 2,27 triệu đồng/ ha so với năm trước. Đất hẹp, người đông, lợi nhuận từ trồng lúa không tăng mà ngược lại đã đè nặng thêm sức ép lên kinh tế hộ nông dân.

Nhiều chương trình lớn được đánh giá đi đúng hướng, "đi tắt đón đầu"đã giúp tỉnh sớm xác lập được nền nông nghiệp hàng hóa hàm lượng khoa học công nghệ cao. Ví dụ như trồng lúa theo tiêu chí Viet GAP, Global GAP với sự khởi đầu nhanh, thuận lợi, suôn sẻ và đưa đến thành công ngoạn mục qua sự kiện HTX nông nghiệp Mỹ Thành (Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) lần đầu tiên đón nhận chứng nhận lúa gạo Global GAP. Thế nhưng, gần đây mô hình này chưa nhân rộng được nếu chưa muốn nói đang có biểu hiện bị "bế tắc". Theo ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Mỹ Thành, giấy chứng nhận đã hết hạn nhưng để tái chứng nhận trong vụ đông xuân 2012 – 2013 không kịp, khả năng phải đến vụ hè thu sớm mới được tái chứng nhận Global GAP. Diện tích chứng nhận vẫn không thay đổi, chỉ khoảng 100 ha. Còn về "đầu ra", vẫn chỉ có Công ty ADC trước đây bao tiêu lúa gạo đạt tiêu chí Global GAP với giá cao hơn giá thị trường 20% còn ngoài ra chưa có doanh nghiệp nào mới nhận bao tiêu cho HTX (!).

Trước thềm MDEC – Tiền Giang 2012, tỉnh đã tổng kết hoạt động khuyến nông trong 20 năm (1993 – 2012). Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang nhấn mạnh đến định hướng phát triển nông nghiệp 2012 – 2015 và những năm tiếp theo; trong đó, tỉnh tập trung cho các giải pháp quan trọng: Sản xuất nông – ngư nghiệp theo hướng bền vững, chất lượng và an toàn, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua tổ chức lại sản suất và tiêu thụ sản phẩm để hình thành chuỗi giá trị kinh tế vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong ngoài nước. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò công nghệ trong phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới với mục tiêu từng bước nâng cao trình độ nông dân để làm chủ nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giảm dần khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị.

Là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, tự hào với những thương hiệu nông sản lớn có uy tín trên thị trường như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, lúa gạo Global GAP...nhưng Tiền Giang cũng đang đối mặt với thách thức về giải quyết "đầu ra" cho nông sản chủ lực mà đặc biệt là cây lúa để làm sao nông dân có thể làm giàu trên mảnh ruộng của mình.

37 năm qua, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đồng hành trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Tiền Giang đã có nhiều tập thể, cá nhân có những thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần làm sáng danh hạt gạo tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Đó là lão nông Võ Văn Chung (Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo), người đã từng được mệnh danh là "Vua nhân giống lúa mới" các tỉnh phía Nam . Thời kỳ khó khăn những năm 1977 – 1978, khi dịch rầy nâu lan khắp Đồng bằng sông Cửu Long và giống lúa sản xuất trở thành nan giải – hết sức nan giải thì với sự cần cù, năng động, chịu khó và sáng tạo của mình, chỉ từ 7 hạt giống lúa IR 36 do Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cung cấp sau vài vụ nhân giống, ông đã tạo thêm nguồn cung quan trọng tháo gỡ ách tắc về giống cho sản xuất của nông dân tỉnh nhà. Giống lúa IR 36 do những ưu điểm vượt trội về năng suất, sản lượng, kháng rầy trở thành giống lúa chủ lực huyền thoại một thời, từng được xem như cứu tinh cho nhiều nông dân những năm đầu giải phóng. Mới đây, năm 2011 khi bước qua tuổi 83, ông còn vinh dự được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng danh hiệu cao quí "Trang trại vàng" cho mô hình sản xuất trang trại khép kín đầy hiệu quả tại Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo. Hoặc HTX nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Tây (Gò Công Tây) hai lần được tuyên dương Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới về thành tích đi đầu hợp tác hóa nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu sản xuất nội đồng vùng dự án "Ngọt hóa Gò Công". Đó là Tiến sĩ Lê Hữu Hải, người được xem là "cha đẻ" của lúa Global GAP Mỹ Thành đồng thời cũng là "cha đẻ" giống lúa cẩm Cai Lậy nhiều triển vọng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển công nhận. Đó là HTX nông nghiệp Mỹ Thành với thành tích về đi tiên phong trồng và nhận chứng nhận Global GAP cho lúa gạo.

Thành tích của ngành trồng và thâm canh lúa Tiền Giang rất đáng tự hào. Thế nhưng trước thềm MDEC – Tiền Giang 2012 và trước những thăng trầm trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thời gian qua, chưa bao giờ nông dân nơi đây lại đau đáu một nỗi niềm "Ai ơi bưng bát cơm đầy – Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần" như thế. Những khó khăn đó có thể được tháo gỡ, khắc phục trong và sau MDEC – Tiền Giang 2012 được hay không là câu hỏi lớn mà bà con đang mong chờ các cấp, các ngành đặc biệt là các doanh nhân kinh doanh xuất khẩu lúa gạo giải đáp một cách thỏa đáng. Có như vậy sẽ giúp hạt gạo Tiền Giang tiếp tục thăng hoa trong thời kỳ mới.

MINH TRÍ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết