14/09/2017 - 20:52

Để hàng Việt vươn xa 

Chị Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm BSA, sau khi nghiên cứu hội chợ thường niên Thai Farmer Expo 2017 (từ ngày 16 đến 20-7-2017), cho biết mỗi năm Chính phủ Thái dành tiền cho các địa phương phát triển mô hình OTOP “mỗi làng một sản phẩm”.

Theo đó, tháng 3 bắt đầu nộp dự án và tháng 8, chính phủ công bố chọn dự án rồi cấp tiền. Mỗi xã, phường đều có cán bộ phụ trách chương trình,  chịu trách nhiệm hỗ trợ dân thực hiện theo các bước: Nâng cấp chất lượng sản phẩm, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, xây dựng chuyện kể của từng sản phẩm, thiết kế bao bì, hỗ trợ xúc tiến thương mại, chuẩn bị tham gia hội chợ…

Người Thái tổ chức thi theo tiêu chí cho các loại hình doanh nghiệp lấy trọng tâm là sản phẩm, khích lệ ý tưởng độc đáo,  khác biệt, có câu chuyện hay về sản phẩm, khả năng tiếp thị- đưa hàng ra thị trường. Kết quả cuộc thi là việc phân hạng, gắn sao từ 1 đến 5 theo cấp độ nhà nước.

Giới thiệu sản phẩm tinh dầu có nguồn gốc bản địa của Việt Nam tại Hội chợ ASEAN - Ấn Độ, Bangkok. Ảnh: CHÂU LAN

Năm nay, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha dự Thai Farmer Expo 2017, chứng kiến bước tiến mới của 77 địa phương với hơn 150 sản phẩm đạt chuẩn OTOP. Mỗi sản phẩm đều có mẫu mã riêng, đẹp mắt, nhiều ý tưởng sáng tạo. “Giỏ đựng bưởi bằng lục bình, gạo được đóng gói chuẩn mực và phần lớn đều phụ đề tiếng Anh. Người bán cũng chính là người trực tiếp trồng chế biến sản phẩm, họ thân thiện, nhiệt tình...”, chị Kim Anh nói.

Lần đầu tiên, PGS.TS Trần Văn Ơn, nhà thiết kế chương trình “mỗi phường, xã một làng nghề” (OCOP) chia sẻ câu chuyện thành công của người Dao đỏ và cách làm của 180 doanh nghiệp thực hiện 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với 210 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP tỉnh Quảng Ninh.

Sau 3 năm thực hiện chương trình này, doanh số từ OCOP  Quảng Ninh đã lên 672 tỉ đồng. Biểu đồ doanh số và hình ảnh OCOP Quảng Ninh đang có sức thu hút các địa phương trong Nam. Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân, Trung tâm thông tin nông nghiệp- nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Vĩnh Long, nói:  Hội chợ OCOP vào đầu tháng 9-2017, tỉnh có  một đoàn nghiên cứu tới Quảng Ninh.

 “Nước  tắm  của người Dao đỏ, muối ngân châm “Cát cát”, dây thìa canh làm thuốc trị tiểu đường… sau khi can thiệp bằng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế”, TS Ơn khẳng định khả năng thành công của OCOP, không chỉ trong các cộng đồng dân tộc thiểu số mà còn gợi mở nhiều cho lớp khởi nghiệp đang ấp ủ nhiều ý tưởng thay đổi.

Chương trình quốc gia cho OCOP đang được Bộ NN-PTNT nghiên cứu và sẽ là đòn bẫy cải thiện hình ảnh, chất liệu cho chương trình nông thôn mới ở các địa phương, cũng theo  TS Ơn.

“Nhiều hàng hóa lớn lên từ OTOP Thái Lan đã chiếm được tâm trí của người Việt”, TS Ơn nói. Bằng chứng là những hội chợ của Thái Lan tại các thành phố lớn, đặc biệt là Cần Thơ, người tiêu dùng canh giờ mở cửa để vào mua hàng.

Nhà VietNam tại Hội chợ ASEAN - Ấn Độ, Bangkok. Ảnh: CHÂU LAN

Ngôi nhà chung Việt Nam lần đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Queen Sirikit, Bangkok, Thái Lan từ ngày 2 – 5/8/2017, khuôn khổ Hội chợ quốc tế thương mại ASEAN – Ấn Độ, đã  tạo dấu ấn khá đặc biệt so nhiều lần xuất hiện của hàng Việt tại đất nước Chùa Vàng. 

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đẩy mạnh giao thương Việt – Thái: Đâu là cơ hội thị trường cho doanh nhân 2 nước trong bối cảnh Asean hiện nay là cơ hội “trong suốt” để các doanh nghiệp 2 nước hiểu rõ hơn về thị trường, các chính sách phát triển thương mại của chính phủ Thái và 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC) bà Vũ Kim Hạnh cho rằng trong khi doanh nghiệp Thái ào ạt tràn vào thị trường bán lẻ thì đây là dịp tốt để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thị trường, doanh nghiệp của hai nước để đầu tư đúng hướng.

Cũng theo bà Hạnh, tại kỳ họp lần thứ 2 của Ủy ban Hỗn hợp về thương mại giữa Việt Nam – Thái Lan đầu tháng 6 vừa qua, Việt Nam và Thái Lan đặt mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều sẽ đạt 20 tỉ USD/năm.

Gốm sứ Minh Long 1, kẹo dừa Bến Tre, Bia Sài Gòn, bóng đèn Điện Quang, dệt may Hòa Thọ, bánh bía Sóc Trăng thương hiệu Tân Huê Viên, trà Tâm Lan, cà phê Highland… gian hàng gạo hữu cơ với sản phẩm của Viễn Phú Green Farm, Eco Tiger và đặc biệt nước mắm Phú Quốc “thứ thiệt” lần đầu hiện diện trong ngôi nhà Việt Nam. Một nhà phân phối nước mắm Phú Quốc từ Thái Lan được bà Hạnh mời dùng thử, thừa nhận rằng lần đầu tiên trong đời ông biết nước mắm ngon như vậy.

Đó là sản phẩm được bảo hộ chứng nhận địa lý, được làm theo công nghệ truyền thống từ nguồn nguyên liệu bản địa và đó là sản phẩm độc đáo của Việt Nam, bà Hạnh luôn là người bảo vệ tới cùng hàng Việt.

Tại Central World, trung tâm mua sắm lớn nhất tại Bangkok – Thái Lan, ngày 10-7,  Central Group khai mạc “Tuần lễ Quảng bá hàng Việt Nam tại Thái Lan” ưu ái dành cho Việt Nam. Ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc Điều hành Central Group – từng sống ở Việt Nam gần 2 năm, nói rằng Việt Nam là một đất nước tuyệt vời và ông muốn chia sẻ những điều tuyệt vời đó với bạn bè Thái Lan, bạn bè quốc tế.

Trước đó, từ ngày 27-7 đến 2-8-2017, tại Trung tâm Thương mại Central Plaza Ladprao (Bangkok - Thái Lan) người tiêu dùng Thái Lan biết qua bánh mứt kẹo, nước giải khát, trà, cà phê, thực phẩm đóng gói, gia vị các loại, trái cây tươi, thức ăn sẵn, hàng dệt may… do 40 doanh nghiệp tham gia trưng bày hàng hóa tại hơn 20 gian hàng.

Central Group Việt Nam phát hiện nhiều loại hàng giá trị từ Việt Nam và đã chính thức xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên từ Bắc Giang sang Thái Lan. Vải thiều Lục Ngạn được đóng gói chuẩn mực, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, in logo nhãn mác hiện diện trong hệ thống Central Food Hall, chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group. Hàng sang Thái Lan được kiểm định an toàn. Trong khi đó các sản phẩm OTOP của Thái như dòng chảy nhẹ nhàng tìm đường vào Việt Nam dẹp hàng Trung Quốc sang một bên.

So sánh hàng ra hàng vào, cái yếu của hàng Việt là tính chuẩn mực, đồng đều, an toàn, bền vững từ chất lượng cho tới bao bì, nhãn mác. Bộ Công thương đã phải lưu ý các doanh nghiệp vì hình ảnh của hàng Việt.

Đối với tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), khi phát động giai đoạn II chương trình “Cùng nông dân Bảo vệ môi trường” với chủ đề “Nông sản an toàn”, tại An Giang, ngày 28-7, cho biết cách đây 5 năm, 300 cán bộ BVTV và hơn nửa triệu nông dân ở 22 tỉnh, thành phía Nam được tập huấn sau khi chương trình này nhưng chỉ có 83 mô hình sản xuất tiêu biểu.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch và hữu cơ, sẽ cố gắng giảm từ hơn 4.000 tên thương phẩm trong danh mục thuốc BVTV còn 30% vào năm 2021, đồng thời với việc gia tăng tỷ trọng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học.

Có vẻ ta đã chậm chân, nhưng có còn hơn không. 

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết