28/11/2013 - 20:30

ĐỂ HÀNG VIỆT THUYẾT PHỤC ĐƯỢC NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT

Sau gần 4 năm triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) do Bộ Chính trị phát động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng qui mô cung- cầu của nền kinh tế đất nước. Dù vậy, hàng Việt vẫn còn nhiều yếu kém và chưa tạo được niềm tin để thuyết phục sâu rộng người tiêu dùng Việt.

* Hiệu quả tích cực

Dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng là yếu tố giúp sản phẩm tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng. 

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, sau 3 năm triển khai thực hiện, hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ. Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó đã dần thay đổi hành vi ưu tiên mua sắm, nhiều người dân đã dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước, đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng qui mô cung – cầu của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế đất nước. Tại vùng nông thôn, ngoại thành, hàng Việt Nam thể hiện rõ được "sức mạnh" của mình. Từ những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, người dân nơi đây tin dùng hàng Việt nhiều hơn. Những đồ tiêu dùng trong gia đình từ hóa phẩm, thực phẩm công nghệ, thuốc chữa bệnh… phần nhiều đều là hàng Việt.

Để thuyết phục người Việt dùng hàng Việt và tạo sức mạnh cạnh tranh, trong những năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trọng hơn về chất lượng, mẫu mã bao bì và sản phẩm, đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Có thể kể đến các thương hiệu như: Kinh Đô, Vinamit, Thorakao, bột giặt Aba, cà phê Trung Nguyên, hàng may mặc Sifa, Việt Tiến… trên thị trường sản phẩm của các thương hiệu này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng phổ thông mà còn có khả năng cạnh tranh với các thương hiệu cao cấp nhập khẩu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, giới thiệu hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn... ngày càng nhiều hơn và ở hầu hết các địa phương với 1.443 hội chợ, triển lãm (tại 57 tỉnh, thành phố) và 1.150 đợt bán hàng về nông thôn (tại 54 tỉnh, thành phố)…

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho biết: "Ngay từ những ngày đầu hoạt động, Saigon Co.op đã chủ trương ưu tiên và đưa hàng Việt vào siêu thị để quảng bá. Hàng Việt luôn luôn được ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày bắt mắt, ưu tiên các chương trình khuyến mãi cho hàng hóa sản xuất trong nước. Đến nay tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống Co.opmart chiếm 90% trong cơ cấu hàng hóa. Đặc biệt, ngành hàng thực phẩm tỷ lệ chiếm trên 95%, doanh thu hàng Việt năm 2013 ước tính đạt trên 19.000 tỉ đồng.

* Tìm điểm yếu để khắc phục

Tuy vậy, Cuộc vận động còn những hạn chế, yếu kém như: một số cấp ủy, mặt trận và các đoàn thể ở các cấp chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện triển khai còn mang nặng hình thức, đối phó, biện pháp còn chung chung thiếu cụ thể; công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động của một số cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương chưa thường xuyên, liên tục, chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động; nội dung triển khai còn lúng túng, thiếu hấp dẫn; khó khăn về nhân lực và thiếu kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền; thiếu sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị thực hiện Cuộc vận động; công tác quản lý thị trường còn nhiều hạn chế, bất cập; cơ chế chính sách chưa thật thông thoáng; nhiều doanh nghiệp chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc sản xuất hàng hóa; một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức rõ mục tiêu của Cuộc vận động, vẫn còn tâm lý sính ngoại… Bên cạnh đó, hàng Việt thiếu sự ổn định về chất lượng hàng hóa, mẫu mã kém sự đa dạng, hệ thống phân phối còn yếu và thiếu.

Chia sẻ kinh nghiệm khi đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Kim Vinh, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang (Điện Quang), cho rằng: "Doanh nghiệp cần phải chủ động, lựa chọn hướng đi phù hợp để đưa hàng Việt đến với người Việt đồng thời cần phải có một kế hoạch tổng thể chinh phục người tiêu dùng. Qua 3 năm triển khai Cuộc vận động, Điện Quang nhận thấy Cuộc vận động chính là cầu nối giúp các doanh nghiệp có cơ hội để đưa các sản phẩm, có chất lượng cao, mẫu mã cải tiến, đẹp với giá thành phù hợp để chinh phục niềm tin khách hàng trong nước, đặc biệt là khách hàng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Cho đến nay, Điện Quang đã có hệ thống phân phối trải rộng 63 tỉnh, thành phố với khoảng 150 nhà phân phối/đại lý và trên 15.000 điểm bán. Ngoài ra, công ty còn phát triển thêm kênh phân phối khác như: siêu thị, công trình, dự án, bán hàng trực tuyến… ".

Công tác nghiên cứu sản phẩm là một trong những yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp. Bởi ngoài việc đem lại sản phẩm chất lượng cao thì giá thành phải phù hợp với người tiêu dùng. Chẳng hạn đối với sản phẩm bóng đèn LED của Điện Quang với ưu thế vượt trội về chất lượng so với sản phẩm cùng loại trên thị trường nhưng giá lại cao hơn 7-10 lần so với bóng đèn compact. Từ thực tế, qua nghiên cứu cải tiến chất lượng đèn LED của Điện Quang ngày càng được cải tiến, đặc biệt giá thành chỉ cao hơn từ 1,5 đến 3,5 lần so với bóng đèn compact. Theo các chuyên gia, để tiếp tục hành trình của Cuộc vận động, vẫn đòi hỏi sự chủ động của các doanh nghiệp Việt trong việc tìm hiểu tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng nhằm bán cái mà người tiêu dùng cần; chủ động để người tiêu dùng biết, hiểu, chấp nhận và tin dùng sản phẩm mang thương hiệu Việt. Để đưa hàng Việt dến với người tiêu dùng một cách sâu rộng, trước tiên doanh nghiệp Việt cần phải tìm hiểu và đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng. Các yếu tố giúp sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng và tạo chỗ đứng trên thị trường chính là: sự đa dạng về mẫu mã chủng loại hàng hóa, chất lượng sản phẩm, giá cả phải phù hợp với các tiêu chí chất lượng đưa ra, dịch vụ chăm sóc khách hàng và đặc biệt người tiêu dùng phải dễ tiếp cận với sản phẩm.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ Trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương, cho rằng: Mặc dù ý thức được vai trò quan trọng của thị trường nội địa trước sự xâm nhập ồ ạt của hàng hóa nước ngoài trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nhưng chinh phục thị trường nội địa là vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp trong nước. Bởi lẽ, việc tạo ra sản phẩm hàng hóa dịch vụ mới có chất lượng cao đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng nhưng giá thành hạ và tổ chức được hệ thống phân phối tốt không phải là công việc có thể giải quyết chỉ trong một vài năm. Đặc biệt, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tập trung sản xuất gia công hàng xuất khẩu, hệ thống phân phối hàng hóa còn đơn giản, chủ yếu theo hình thức truyền thống. Trong giai đoạn 2014 đến 2020, mục tiêu phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, hướng đến năm 2015 có 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Cuộc vận động; đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố…

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết