13/07/2017 - 15:30

Để hàng hóa lưu thông thông suốt

TTH.VN - Khu vực phía Nam gồm 20 tỉnh, thành phố với dân số khoảng 34,277 triệu người, chiếm 37,79% dân số cả nước. Đây được xem là khu vực kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng.

Khu vực phía Nam gồm 20 tỉnh, thành phố với dân số khoảng 34,277 triệu người, chiếm 37,79% dân số cả nước. Đây được xem là khu vực kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. 7 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 930.034 tỉ đồng; tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm tỷ trọng 50,39% so với cả nước; đạt 53,11% so với kế hoạch năm. Các tỉnh, thành có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng năm 2015 đạt cao nhất là TP Hồ Chí Minh (379.871 tỉ đồng) - chiếm 40,84% so toàn khu vực, Đồng Nai (70.211 tỉ đồng) - chiếm 7,55% so toàn khu vực, Bình Dương (66.651,6 tỉ đồng) - chiếm 7,12% so toàn khu vực. Tiếp đến là nhóm các tỉnh, thành phố đạt khá cao (trên 30 ngàn tỉ đồng), như: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh; một số tỉnh đạt khá (trên 20 ngàn tỉ đồng) gồm: Tiền Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Long An, Bạc Liêu, Bình Thuận.

Doanh nghiệp TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... tham quan HTX Rau an toàn phường Long Tuyền, quận Bình Thủy để tìm đầu mối cung ứng hàng hóa nông sản.

Thời gian qua, công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng thương mại của các tỉnh, thành trong khu vực đã có những bước chuyển biến tích cực. Các loại hình phân phối như: chợ truyền thống, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh,… ngày càng phát triển đa dạng, cơ sở vật chất luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp đổi mới, cải tiến chất lượng dịch vụ, đưa sản phẩm sản xuất đến tay người tiêu dùng ngày càng tốt hơn. Mạng lưới chợ truyền thống ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam đang từng bước được cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới để đáp ứng với nhu cầu mua sắm của người dân tại các địa phương.

Tính đến tháng 7-2015, trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có 2.498 chợ. Trong đó có 2.100 chợ hạng III, 313 chợ hạng II, 71 chợ hạng I và 14 chợ đầu mối. Ngoài ra toàn vùng có 249 siêu thị, 62 trung tâm thương mại. Trong năm 2014 và 7 tháng đầu năm 2015, đã đầu tư xây mới và sửa chữa, nâng cấp 247 chợ, xây dựng và thành lập 185 siêu thị và 39 trung tâm thương mại. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành công thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam, bên cạnh những kết quả được, tình hình phát triển hạ tầng thương mại của các địa phương trong khu vực vẫn còn nhiều khó khăn. Việc kêu gọi đầu tư xây dựng chợ gặp nhiều khó khăn do hiệu quả đầu tư chưa cao. Việc chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác chợ còn chậm; mạng lưới kinh doanh và hệ thống phân phối tuy được củng cố và mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Các dự án thương mại dịch vụ được quan tâm đầu tư song tiến độ triển khai xây dựng chậm, do chậm khởi công hoặc xây dựng cầm chừng.

Nhìn chung, việc đầu tư xây dựng các chợ tại địa bàn nông thôn, nhất là các chợ dân sinh và các siêu thị, trung tâm thương mại ở các huyện khó thực hiện, do hiệu quả đầu tư không cao, thời gian thu hồi vốn dài trong khi nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư nâng cấp, mở rộng chợ nông thôn còn hạn chế. Địa bàn nông thôn không chỉ là nơi tiêu thụ các loại hàng hóa thiết yếu, hàng đã qua chế biến mà còn đóng vai trò quan trọng trong cung ứng các loại hàng hóa nông thủy sản cho các thành phố lớn. Do đó, các địa phương cần phát triển các điểm thu mua, tập kết nông sản để vận chuyển về các thành phố lớn. Các thành phố lớn cũng cần xây dựng các chợ đầu mối để tập kết nông sản và vận chuyển đến các điểm cung ứng. Đơn cử như ở TP Hồ Chí Minh, đa số hàng hóa nông sản, thực phẩm cung ứng thị trường thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu thông qua 3 chợ đầu mối. Cụ thể, chợ đầu mối Bình Điền kinh doanh các mặt hàng thủy hải sản, thịt heo, thịt gia cầm, rau củ quả, trái cây miền Tây, thủy hải sản khô; chợ đầu mối Thủ Đức chủ yếu kinh doanh các mặt hàng rau củ quả, trái cây từ Lâm Đồng; chợ đầu mối Hóc Môn chủ yếu kinh doanh thịt heo, thịt bò, rau củ quả, trái cây miền Tây. Từ 3 chợ đầu mối, hàng hóa được đưa về 240 chợ truyền thống và gần 10.000 điểm bán lẻ để phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng. Hình thức chợ đầu mối như TP Hồ Chí Minh cần được áp dụng ở các tỉnh, thành trong khu vực để đáp ứng yêu cầu thu gom và phân phối hàng hóa của các địa phương.

Theo ý kiến của các địa phương trong khu vực, để điều tiết cung cầu hàng hóa, các Sở Công Thương cần tham gia thực hiện tốt vai trò điều phối cung-cầu thông qua các doanh nghiệp bình ổn thị trường và hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn. Muốn doanh nghiệp, nhà sản xuất thuận lợi gặp nhau trong phân phối, lưu thông hàng hóa đòi hỏi cơ sở hạ tầng giao thông thủy, bộ phải được kết nối thông suốt, dịch vụ trung chuyển hàng hóa phải phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Theo đó, các địa phương phải bố trí lại bến bãi, điều tiết lưu thông ở chợ để giảm thiểu rủi ro cho người bán; chủ động liên lạc với các địa phương để điều tiết nguồn hàng, tránh tồn đọng. Địa phương tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng sẽ giúp doanh nghiệp thu mua, chế biến, các nhà phân phối có thể vào tận vùng nguyên liệu để thu mua nông sản, giải quyết đầu ra cho nông dân và thực hiện tốt khâu lưu thông, phân phối hàng hóa từ nông thôn cung ứng cho thành thị và ngược lại.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết