12/05/2018 - 15:48

Để Đường Sách Cần Thơ trở thành nơi tôn vinh văn hóa đọc 

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội thảo về việc xây dựng Đường Sách Cần Thơ. Cùng với Hội Sách được tổ chức 2 năm 1 lần, Đường Sách hứa hẹn sẽ là nơi kiến tạo, tôn vinh và phát triển văn hóa đọc cho người dân TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung.

Kiến tạo không gian văn hóa đọc

Ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho biết: Đường Sách Cần Thơ dự kiến xây dựng cố định trên đường Trần Quốc Toản, quận Ninh Kiều, đoạn từ đường Hòa Bình đến giao lộ Lý Thường Kiệt và tận dụng mặt bằng của công viên Tao Đàn (phía trước Bảo tàng Cần Thơ). Đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động: Vườn ươm tri thức, sinh hoạt các câu lạc bộ, giao lưu tác giả - tác phẩm, tọa đàm - hội thảo chuyên đề… Ngoài ra, các hoạt động liên quan đến sách như triển lãm sách xưa quý hiếm, sách chuyên đề, sưu tập sách… cũng sẽ được tổ chức để thu hút khách tham quan. Ông Đỗ Hoàng Trung thông tin: “Đơn vị đã tổ chức lấy ý kiến các sở, ban, ngành của thành phố về việc tổ chức Đường Sách và nhận được sự đồng tình cao”.

Cùng với Hội Sách, Đường Sách hứa hẹn sẽ giúp vun bồi văn hóa đọc ở Cần Thơ. Trong ảnh: Giao lưu tác giả tác phẩm tại Hội Sách Cần Thơ 2016. 

Theo đơn vị thiết kế, Đường Sách Cần Thơ sẽ có các hạng mục như nhà sách, không gian trưng bày triển lãm, tra cứu thông tin, tổ chức sự kiện, cà phê sách… để giúp khách tham quan có không gian văn hóa đọc đúng nghĩa. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết nhiều quốc gia trên thế giới có khu phố sách, đường sách từ khá sớm, tạo nên nét văn hóa riêng. Đơn cử như phố sách ở Tokyo (Nhật Bản), phố sách ở Thượng Hải (Trung Quốc), phố sách ở PAJU (Hàn Quốc)… Tại Việt Nam, đường sách tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội dần tạo được tiếng vang. “Ở Cần Thơ, một con đường sách, một không gian văn hóa đọc đậm dấu ấn Tây Đô hứa hẹn sẽ là điểm đến thú vị cho du khách” - ông Lê Hoàng nhận định.

Theo ông Lê Hoàng, việc kiến tạo không gian văn hóa đọc là điều rất cần thiết trong thời đại công nghệ số hiện nay. Địa điểm dự kiến trên đường Trần Quốc Toản và công viên Tao Đàn có nhiều lợi thế bởi gần các thiết chế văn hóa như Thư viện, Bảo tàng… ít nhà dân, thuận tiện tổ chức các hoạt động về sách và bên cạnh sách.

Kinh nghiệm từ Đường Sách TP Hồ Chí Minh

Đường Sách Nguyễn Văn Bình - TP Hồ Chí Minh sau 2 năm đi vào hoạt động (1/2016- 1/2018) đã có 267 sự kiện ra mắt, giới thiệu sách mới, giao lưu các tác giả, tác phẩm; 28 hoạt động chuyên đề gắn với các ngày kỷ niệm lớn trong năm của đất nước và thành phố; 31 cuộc trưng bày, triển lãm sách, ảnh, tranh, phong phú về chủ đề, đa dạng về màu sắc. Hai năm qua, tổng doanh thu của các đơn vị tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình đạt gần 67 tỉ đồng, thu hút hơn 4 triệu lượt khách đến tham quan mua sắm. Đường Sách Nguyễn Văn Bình cũng được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh năm 2016.

Các chuyên gia phát hành, xuất bản sách cho rằng, việc ra mắt một con đường sách không thể từ sự chủ quan, chạy theo phong trào mà phải xuất phát từ việc thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, tạo nên một địa chỉ văn hóa, nơi sự học và tri thức được chia sẻ, văn hóa đọc được tôn vinh. Để đảm bảo yêu cầu này, theo đại diện một Công ty Phát hành sách ở Cần Thơ, ban quản lý đường sách cần thực hiện bài bản từ khâu tổ chức sự kiện, đón tiếp khách tham quan đến giữ xe, hậu cần… Làm sao để không gian văn hóa đọc thực sự văn hóa, tránh cảnh bát nháo, xô bồ.

Theo thống kê, Hội Sách TP Cần Thơ lần thứ II năm 2017 có hơn 390.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm (tăng hơn 30% so với Hội Sách lần I năm 2015); tổng doanh thu của các gian hàng đạt hơn 16,7 tỉ đồng (tăng gần 30% so với Hội Sách lần I), với gần 2,1 triệu bản sách được bán ra (tăng hơn 25% so với Hội Sách lần I)… Những con số này minh chứng cho sự phát triển văn hóa đọc ở Cần Thơ và càng củng cố niềm tin cho sự thành công của Đường Sách Cần Thơ trong tương lai.

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường Sách TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Đường Sách phải có không gian cho cà phê sách, chỗ nghỉ chân, cảnh trí bắt mắt… để mọi người đến đây tận hưởng cảm giác thoải mái, thân thiện. Đây phải là nơi có môi trường sống tốt của một đô thị hiện đại mà bất kỳ người dân nào cũng có thể đến để thụ hưởng.

Dĩ nhiên, việc tạo dựng thói quen đến với đường sách không thể một sớm một chiều, cần thời gian để trở nên thân thuộc với đời sống và không ngừng nâng cao chất lượng. Điều đó có nghĩa, những người quản lý đường sách cần đều đặn duy trì các hoạt động giao lưu tác giả tác phẩm, đấu giá sách, trưng bày và bình phẩm sách hay, sách xưa… và huy động nhiều người tham gia. Bà Nguyễn Ngọc Tuyết, người dân Cần Thơ rất hay tham gia các hoạt động Đường Sách Nguyễn Văn Bình, cho biết: “Việc định kỳ hoạt động giúp du khách biết lịch, tin tưởng vào các hoạt động và sẽ tham gia thường xuyên”.

Một kinh nghiệm khác từ Đường Sách Nguyễn Văn Bình là được quản lý bởi một đội ngũ có năng lực, có nghề và tâm huyết với sự nghiệp xuất bản. Đó là những tên tuổi trong lĩnh vực này như bà Quách Thu Nguyệt (nguyên Giám đốc NXB Trẻ), ông Lê Hoàng (Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam)… Chính những người này đã tổ chức đội ngũ và những hoạt động để giữ và truyền đam mê văn hóa đọc.

*   *   *

Thông tin Cần Thơ dự kiến tổ chức Đường Sách nhận được nhiều sự quan tâm, đón đợi. Đó sẽ là một điểm đến thể hiện khát vọng chinh phục tri thức và chiều sâu văn hóa của người Tây Đô.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết