29/07/2012 - 09:53

Để ĐBSCL thích ứng với "sân chơi" WTO

Sau khi gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL ngày càng trưởng thành và phát triển. Trong ảnh: Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam. Ảnh: MINH HUYỀN 

Sau 5 năm gia nhập WTO, kinh tế ĐBSCL đã có bước chuyển dịch đáng kể, các sản phẩm chủ lực của vùng từng bước chinh phục thị trường thế giới, cơ cấu sản xuất dần thay đổi theo hướng hiện đại... Tuy nhiên, khi gia nhập “sân chơi” WTO, kinh tế của vùng vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong khi khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) vẫn còn hạn chế. Làm thế nào để thích ứng với quá trình mở cửa nền kinh tế là vấn đề mà các chuyên gia kinh tế đặt ra tại Hội thảo “Kinh tế ĐBSCL sau 5 năm gia nhập WTO” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức ngày 24-7 vừa qua.

Đối mặt nhiều thách thức

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sau 5 năm gia nhập WTO, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã mở rộng thị trường xuất khẩu, vị thế pháp lý của Việt Nam trên trường quốc tế được củng cố. Trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có, nhiều doanh nghiệp năng động nắm bắt thời cơ thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Song song đó, khi hòa mình vào nền kinh tế thế giới, kinh tế ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thức như: rào cản kỹ thuật, tranh chấp pháp lý, cạnh tranh ngày càng khốc liệt... ĐBSCL có vai trò quan trọng trong nền kinh tế song đầu tư cho vùng còn rất thấp, chưa tương xứng với nguồn lợi về tài nguyên thiên nhiên, lợi thế về nông nghiệp đã được khai thác trong thời gian qua. Các DN trong vùng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Theo Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh, là nơi thu hút dự án FDI sớm nhất (từ năm 1988), song đến nay thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL chỉ cao hơn Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc và chiếm khoảng 13,6% tổng đầu tư cả nước. Trong khi đó, Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh quốc tế gay gắt hơn từ Myanmar, Thái Lan, Campuchia trong thu hút đầu tư lẫn xuất khẩu. Vốn tín dụng ngân hàng tuy là nguồn lớn nhất nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 9% dư nợ cho vay của ngành ngân hàng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng rất thấp, giai đoạn 2001-2010 số dự án được cấp giấy phép chỉ chiếm 3,6% tổng số dự án của cả nước với vốn đăng ký chiếm 7,7%. Ngoại trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dư nợ tín dụng phục vụ sản xuất nông-lâm-thủy sản khu vực ĐBSCL vẫn ở mức thấp. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) là 6,11%, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 1,17%, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 4,09%...

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: Mô hình tăng trưởng của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng hiện nay đã tới hạn. Thực tế cho thấy, nếu tiếp tục cách thức tăng trưởng như hiện nay sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô. Bởi tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư nhưng hiệu quả đầu tư thấp. Sự bùng nổ đầu tư trong thời gian gần đây không đem lại sự tăng trưởng tương ứng, tỷ lệ gia tăng GDP giảm trong khi lạm phát có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, liên kết vùng còn lỏng lẻo, thiếu quy hoạch tổng thể, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao... là những lực cản đối với sự phát triển kinh tế của vùng.

Tăng cường liên kết vùng

Theo Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh, khi gia nhập WTO, nhiều DN ở ĐBSCL đã trưởng thành, phát triển, song năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ nói chung còn thấp, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất, xuất khẩu chậm. Vì vậy, DN phải tự điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh theo tín hiệu thị trường, tiến hành tái cấu trúc để tồn tại và không ngừng hiện đại hóa công nghệ, quản trị nâng cao chất lượng nhân lực cốt lõi. Ngoài ra, bản thân DN cần chủ động chuẩn bị cho những bước hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới như Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU.

Đối với vấn đề vốn tín dụng cho DN ĐBSCL, bà Đoàn Kim Phụng, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Ngân hàng hiện nay có đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của DN vùng ĐBSCL và sẵn sàng cung ứng cho các DN, nhưng vấn đề còn lại là DN phải sử dụng vốn hiệu quả”. Theo bà Phụng, mới đây, Vietcombank đã họp các chi nhánh ở các tỉnh ĐBSCL để đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho các DN trong vùng, nhất là đối với DN xuất khẩu, để DN có thể thuận lợi tiếp cận vốn, nhanh chóng vượt khó và gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Điều này chứng tỏ, Ngân hàng rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ cho các DN ĐBSCL. Vấn đề còn lại, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các DN cần phải có những dự án khả thi để thuyết phục ngân hàng yên tâm khi rót vốn cho DN.

Khuyến nghị về việc tăng cường năng lực cạnh tranh cho vùng, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: “Qua một số nghiên cứu cho thấy ưu đãi đầu tư không phải là yếu tố quyết định mà chỉ là yếu tố mang tính bổ sung để nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư. Thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL thời gian qua phản ánh thực tế là các địa phương ưu đãi nhiều nhưng phân tán nên chưa tạo được sức hút với nhà đầu tư. Vì vậy, cần nhìn nhận lại vấn đề thu hút đầu tư từ các địa phương trong vùng, lựa chọn những chính sách ưu đãi phù hợp”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, trong một số trường hợp nhất định, chính sự thân thiện của địa phương trong vấn đề cùng chia sẻ khó khăn vướng mắc với nhà đầu tư đôi khi lại quan trọng hơn các quyết định ưu đãi đầu tư.

Để từng bước thích ứng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phối hợp xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách mang tính liên kết về phát triển chuỗi sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của vùng như: lúa, cá tra, tôm và một số mặt hàng nông sản khác, hướng đến tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao với chi phí sản xuất thấp. Bên cạnh đó, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế yếu kém và lực cản tác động đến khả năng phát triển của vùng trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, tiến hành cấu trúc lại cơ cấu kinh tế của vùng, kết hợp lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện phát triển của ĐBSCL.

MỸ THANH-MINH HUYỀN

Sau khi gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL ngày càng trưởng thành và phát triển. Trong ảnh: Chế biến cá tra phi lê xuất kh&#

Chia sẻ bài viết