09/05/2010 - 21:43

XUẤT KHẨU THỦY SẢN Ở ĐBSCL

Để đạt mục tiêu trên 4 tỉ USD

Năm 2009, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu được kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt 3 tỉ USD. Còn mục tiêu đến năm 2015, ĐBSCL phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4,47 tỉ USD. Như vậy, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL phải tăng bình quân gần 300 triệu USD... Vậy bằng những giải pháp nào để ĐBSCL đạt được mục tiêu này?

* TRIỂN VỌNG VÀ THÁCH THỨC

ĐBSCL được xem là vựa tôm, cá lớn nhất nước. Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, ĐBSCL có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) hơn 1,2 triệu ha, bằng gần 60% của cả nước. Trong đó, diện tích có khả năng NTTS vùng triều khoảng 750.300 ha, chiếm trên 26% tổng diện tích đất tự nhiên của 8 tỉnh ven biển của vùng và chiếm 74% tổng diện tích có khả năng NTTS trên vùng triều toàn quốc. Vùng bán đảo Cà Mau có diện tích tiềm năng cho phát triển NTTS mặn lợ rất lớn với trên 630.000 ha, khu vực ven sông Hậu và sông Tiền có diện tích vùng triều ít hơn cũng khoảng trên 123.000 ha. Diện tích có khả năng nuôi thủy sản nước ngọt cũng rất phong phú với hơn 500.000 ha, được xác định là có điều kiện rất thuận lợi và phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ. Năm 2009, ĐBSCL đạt sản lượng NTTS gần 1,5 triệu tấn, trong đó sản lượng thủy sản mặn lợ là 596.015 tấn ( tôm sú 295.090 tấn), cá tra 992.605 tấn... Nếu so với tổng diện tích 1,2 triệu ha có khả năng NTTS toàn vùng, thì diện tích NTTS năm qua vẫn còn khiêm tốn. Năm 2009, toàn vùng ĐBSCL chỉ nuôi được 639.803 ha tôm sú, 3.516 ha tôm thẻ chân trắng, 19.909 ha nhuyễn thể, 11.713 ha tôm càng xanh và 6.756 ha cá tra...

 Chế biến cá tra xuất khẩu đang là thế mạnh của ĐBSCL.

Song song phát triển NTTS, mấy năm gần đây, nghề chế biến thủy sản ở ĐBSCL phát triển mạnh. Hiện tại, ĐBSCL có hơn 290 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với tổng công suất thiết kế khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, TP.Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang. Hệ thống chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở vùng ĐBSCL đã đạt những hiệu quả quan trọng, góp phần đáng kể vào nâng cao sản lượng xuất khẩu và giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn vùng từ 1,2 tỉ USD năm 2003 lên hơn 3 tỉ USD năm 2009.

Mặc dù cả nuôi trồng và chế biến thủy sản ở ĐBSCL có mức tăng trưởng đáng kể, nhưng theo Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản thì vẫn chưa xứng với tiềm năng và còn nhiều điều bất ổn. Ts. Nguyễn Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, cho rằng: “ Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành thủy sản vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, như thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch chạy theo thực tế sản xuất...Việc phát triển nhà máy chế biến cũng như vùng nguyên liệu một cách tự phát trong thời gian qua đã tạo ra sự mất ổn định giữa cung và cầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hai khâu quan trọng trong quá trình sản xuất của lĩnh vực chế biến và thương mại thủy sản của vùng ĐBSCL. Hiện các nhà máy mới chỉ sử dụng trên 50% công suất thiết kế, gây lãng phí và hiệu quả sản xuất không cao”.

ĐỂ XỨNG ĐÁNG NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Theo mục tiêu chung của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, đến năm 2020, ĐBSCL phấn đấu đưa ngành thủy sản cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, là ngành xuất khẩu mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội trong vùng. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2015, tổng diện tích đưa vào NTTS toàn vùng ĐBSCL lên 830.000 ha, sản lượng 2,97 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 4,47 tỉ USD, giá trị sản xuất 94.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 2,1 triệu lao động. Định hướng đến năm 2020, diện tích NTTS lên 890.000 ha, sản lượng tăng lên 3,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,7 tỉ USD...

Giải pháp phát triển thủy sản vùng ĐBSCL là tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển NTTS, gắn sản xuất với yêu cầu của thị trường. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu thủy sản chế biến và tiêu dùng đạt mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt cầu. Sản xuất theo hướng quản lý cộng đồng thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội... nhằm gắn kết “4 nhà” với nhau trong việc ứng dụng các qui trình nuôi tiên tiến (GAP, CoC..) để sản phẩm đảm bảo chất lượng cao và an toàn theo yêu cầu thị trường với giá thành hợp lý. Nâng cao năng lực của công nghiệp chế biến để đảm bảo tiêu thụ hết nguyên liệu của vùng cung cấp, nhằm làm gia tăng giá trị chung cho ngành thủy sản vùng ĐBSCL, trong nước và tạo ra sức cuốn hút cho phát triển NTTS và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, trong khai thác thủy sản. Đẩy mạnh việc chế biến và xuất khẩu thủy sản có thể tiêu thụ trực tiếp đến mạng lưới siêu thị của các nước nhập khẩu...

Tại Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I vừa được tổ chức ở TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao ngành thủy sản nói chung và ĐBSCL nói riêng. Hơn 20 năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, toàn diện, cả về khai thác, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu, liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng bình quân 17%/năm. Thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Với sự năng động sáng tạo của hàng trăm doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt ở 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt trên 4,2 tỉ USD, trở thành 1 trong 6 nước xuất khẩu thủy sản hàng đàu thế giới. Trong đó, ĐBSCL có vị trí rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển ngành thủy sản, nơi hiện đóng góp trên 50% sản lượng và trên 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng tiềm năng phát triển thủy sản của nước ta còn rất lớn về khai thác hải sản, đặc biệt là khả năng mở rộng diện tích và tăng năng suất nuôi trồng, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Sản xuất và kinh doanh thủy sản của Việt Nam vẫn còn không ít bất cập, yếu kém.Thủ tướng khẳng định: “ Chính phủ đã, đang và sẽ ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất thủy sản phát triển nhanh, toàn diện với chất lượng, hiệu quả cao. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn ngành thủy sản nhất là bà con nông dân, ngư dân, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các nhà quản lý phải cùng nhau nỗ lực phát huy truyền thống và những thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục nhanh những hạn chế và yếu kém, nhất là việc ứng dụng thiết thực có hiệu quả khoa học và công nghệ vào phát triển thủy sản, khắc phục nhanh tình trạng giá cả bấp bênh, trước hết đối với cá tra, ba sa và tôm. Phát huy tốt tiềm năng lợi thế để phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả sản xuất kinh doanh thủy sản, cải thiện tốt hơn đời sống của nông dân, ngư dân, của lao động nghề cá...”.

ĐBSCL từ khi có quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, ngành thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vượt qua xuất khẩu gạo, trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất ĐBSCL. Như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- Lương Lê Phương nhận xét: “Khi bắt đầu công cuộc đổi mới, thủy sản là một ngành sản xuất thủ công, công nghệ lạc hậu, nhưng đã có những bước phát triển diệu kỳ, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, hội nhập sâu, rộng và đạt được những thành công khá ấn tượng với nền kinh tế thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia mạnh về thủy sản”. Thứ trưởng Lương Lê Phương lạc quan cho rằng viễn cảnh tương lai ngành thủy sản ĐBSCL còn nhiều triển vọng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản nói chung và con cá tra nói riêng-một sản phẩm độc quyền của Việt Nam, ngày càng được rộng mở, phát triển mạnh hơn. Đây là sản phẩm chủ lực, có tính chiến lược của ĐBSCL. Đáng chú ý là sản phẩm cá tra được Thủ tướng Chính phủ quan tâm rất đặc biệt. Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất-tiêu thụ cá tra do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm trưởng ban và Phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành ĐBSCL có nuôi cá tra là thành viên. Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề án sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL, trong đó giao cho Bộ NN&PTNT đề xuất các chính sách ưu tiên đặc biệt để phát huy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi và lợi thế so sánh song song với việc bảo vệ môi trường sinh thái của vùng này. Sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự đầu tư của Trung ương sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các tỉnh ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Bài, ảnh: HUỲNH BIỂN

Chia sẻ bài viết