05/11/2010 - 20:41

Để con cá tra về với giá trị thực !

Thu hoạch cá tra ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: T. LONG

Giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện tăng “nóng” từng ngày. Đến ngày 4-11, cá tra nguyên liệu đã đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay: 20.000 đồng/kg. Theo tính toán của người nuôi cá, với đà tăng của thức ăn, thuốc thú y thủy sản, con giống… như hiện nay, giá thành cá tra nguyên liệu sẽ không dưới 19.000 đồng/kg trong năm 2011…

* Thiếu nguyên liệu - giá tăng cao kỷ lục!

Hơn tháng nay, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng rất cao. Đặc biệt, từ hạ tuần tháng 10-2010 đến nay, giá cá tra gần như tăng nóng từng ngày. Theo ghi nhận của Sở Công Thương tỉnh An Giang, giá cá tra nguyên liệu các loại tại địa phương này vào cuối tháng 8-2010 chỉ vào khoảng 15.100 – 16.100 đồng/kg. Đến ngày 21 -10, cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tiếp tục tăng 400-900 đồng/kg so với mức giá đầu tháng và đạt từ 18.000 – 19.200 đồng/kg. Sáng ngày 4-11, theo cập nhật mới nhất từ Hợp tác xã nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu loại tốt (thịt trắng) đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay: 20.000 đồng/kg.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng vừa nêu: Trong suốt các năm qua, từ năm 2008, người nuôi cá tra ở ĐBSCL lao đao vì tình trạng giá cá tra rớt dưới giá thành sản xuất khiến nhiều hộ nuôi cá bị lỗ lã, không còn khả năng tái đầu tư. Điển hình như TP Cần Thơ hiện có khoảng 730ha mặt nước nuôi cá tra, giảm gần 300ha so với đầu năm 2010 và chỉ bằng một nửa so với diện tích nuôi cá tra năm 2008. Vùng nuôi cá tra của thành phố chủ yếu ven sông Hậu, tập trung ở quận Ô Môn và Thốt Nốt. Những ao nuôi cá tra là của doanh nghiệp đầu tư hay hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, còn hộ nuôi nhỏ lẻ không trụ được với nghề. Ông Nguyễn Minh Huy ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, người có nhiều năm nuôi cá tra, cho biết: “Ba năm qua, số hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ giảm dần, đến nay trên 80% hộ nuôi nhỏ lẻ thua lỗ phải “treo ao” vì không còn tiền tái đầu tư. Nuôi cá tra vốn đầu tư rất lớn chỉ cần một vài vụ thất bại là nông dân phá sản”.

Diện tích nuôi giảm, nguồn cá tra nguyên liệu đang khan hiếm nhưng các doanh nghiệp lại phải đẩy mạnh mua nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp chuẩn bị cho chiến dịch chào hàng dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch khiến tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

* Để con cá tra trở về với giá trị thực

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX cá tra xuất khẩu Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, giá thức ăn nhập khẩu như bột cá, bã đậu nành và thức ăn trong nước như cám gạo, khoai mì... cũng đã và đang giữ mức giá cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này do tỷ giá USD/VND tăng cao so với trước, xuất khẩu gạo được giá... khiến chi phí thức ăn để được 1 kg cá nguyên liệu đã tăng đến 15.000 – 16.000 đồng/kg. Điều này chưa kể đến hiện nay chi phí con giống, thuốc thú y thủy sản... cũng tăng giá. Với những diễn biến của thị trường cá tra hơn tháng nay, cộng với những phân tích trên, ông Hải khẳng định: “Giá thành con cá tra mới thả giống, dự kiến thu hoạch vào tháng 4, hoặc tháng 5-2011 sẽ không dưới 19.000 đồng/kg. Và kéo theo giá cá nguyên liệu tăng trên 20.000 đồng/kg là hoàn toàn có thể xảy ra”. Tuy nhiên, theo ông Hải, giá thành sản xuất tăng cao, đồng nghĩa với việc người nuôi bỏ vốn đầu tư cao (trong đó, có phần vốn vay từ các ngân hàng) nhưng tỷ suất lợi nhuận khó bằng các năm trước đây. Thêm vào đó, thị trường bấp bênh, tình trạng cạnh tranh của các doanh nghiệp bằng cách hạ giá bán sản phẩm cá tra ở nước ngoài chưa có giải pháp khắc phục triệt để sẽ khiến người nuôi cá tra ĐBSCL và cả nước còn gặp nhiều rủi ro. Chính vì thế, “nếu không có giải pháp trong việc khuyến khích người nuôi cá tra vùng ĐBSCL thì chuyện thiếu nguyên liệu tiếp tục diễn ra trong năm 2011 là khó tránh khỏi”- ông Hải nói.

Theo các ngành hữu quan, khuyến khích người nuôi cá tra ĐBSCL quay lại với nghề không gì khác hơn là đưa con cá tra nguyên liệu trở về với giá trị đích thực của nó. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản thu mua cá nguyên liệu trong dân với mức đảm bảo cho người nuôi có lời, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi. Và một trong các giải pháp của vấn đề này chính là giữ và nâng cao giá trị của con cá tra Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu. Bởi theo số liệu công bố mới đây của Hải quan Việt Nam, so với cùng kỳ năm 2009, giá xuất khẩu trung bình 1kg cá tra phi lê của Việt Nam giảm ở hầu hết tất cả các thị trường nhập khẩu, chỉ có thị trường Nga giá xuất còn giữ khoảng 1,65USD/kg. Điển hình như: thị trường EU giảm 0,4 USD/kg, thị trường Mỹ giảm 0,19 USD/kg, thị trường ASEAN giảm 0,09 USD/kg...

Ngoài vấn đề trên, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Thực tế thời gian qua, những hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ, không có sự liên kết với doanh nghiệp đều thua lỗ và không “trụ” được với nghề. Vì vậy, liên kết trở thành xu hướng tất yếu của công nghiệp cá tra trong tương lai. Ngành nông nghiệp thành phố khuyến khích các hộ nhỏ lẻ liên kết lại với nhau và liên kết với doanh nghiệp. Nếu không liên kết không nên nuôi cá tra mà chuyển sang nuôi loài thủy sản khác có chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro hơn. Để nghề nuôi cá tra phát triển bền vững, ngoài việc liên kết, áp dụng quy trình nuôi cá tra sạch, lợi ích của doanh nghiệp và người nuôi cá phải gắn chặt với nhau, để lợi nhuận từ con cá tra mang lại được phân bổ hợp lý. Như vậy, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Nghề cá cần quy định giá sàn cá tra phải trên giá thành sản xuất để người nuôi có lãi, tiếp tục nuôi cá, doanh nghiệp mới có đủ nguyên liệu chế biến xuất khẩu...

Thanh Hà

Chia sẻ bài viết