22/03/2018 - 07:28

Để chọn lựa đúng... 

Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 do Báo Tuổi Trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ trì, phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức vừa qua, đã giúp nhiều học sinh phổ thông ở ĐBSCL có điều kiện trải nghiệm thực tế môi trường giáo dục ĐH, cũng như định hình ngành nghề phù hợp. Thế nhưng vẫn còn không ít học sinh chọn ngành nghề theo cảm tính, phong trào.

Cán bộ Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tư vấn cho học sinh chọn ngành nghề phù hợp. Ảnh: T.VI
Cán bộ Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tư vấn cho học sinh chọn ngành nghề phù hợp. Ảnh: T.VI

Đơn cử một học sinh muốn học ngành Kế toán của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhưng em chỉ học tốt các môn học khoa học xã hội; và em hỏi trường có tuyển thêm tổ hợp mới xét tuyển khối C (Văn- Sử- Địa) cho ngành Kế toán hay không? Một học sinh ở tỉnh Hậu Giang muốn thi vào các ngành của trường quân đội, nhưng lại bị cận thị nặng. Mặc dù vậy, em vẫn quyết tâm với lý do… các bạn học cùng lớp đều đăng ký học trường này. Còn H.T.M.X, học sinh Trường THPT Huỳnh Thị Hưởng (tỉnh An Giang), học lực tầm trung bình nhưng lại muốn dự tuyển vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ và em biết rõ điểm chuẩn trúng tuyển ngành này rất cao.

Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nếu học sinh không học tốt khối khoa học tự nhiên thì không nên thi vào ngành Kế toán, bởi ngành này đòi hỏi tư duy tính toán cao. Kế toán là nghề làm việc với những sổ sách, chứng từ phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp... đòi hỏi học sinh phải có năng lực tốt môn toán. Còn theo PGS.TS Lê Viết An, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, vài năm gần đây, điểm chuẩn trúng tuyển các ngành của trường khá cao. Một số ngành (trong đó có ngành Y đa khoa), trường phải xét thêm tiêu chí phụ (môn Toán). Năm 2017, trong trường hợp nhiều thí sinh đồng điểm, trường phải xét điểm môn Toán đạt từ điểm 9 trở lên, mới có cơ hội trúng tuyển. Do vậy, thí sinh nên cân nhắc sức học của mình khi chọn ngành học sao cho phù hợp.

Những năm gần đây, các trường THPT, cơ sở giáo dục ĐH, nghề nghiệp rất nỗ lực trong tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh cho học sinh. Bên cạnh đó, trong thời đại thông tin phát triển như hiện nay, học sinh không khó để tìm hiểu về ngành nghề yêu thích để có được sự chọn lựa phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của mình. Những trường hợp trên cho thấy thí sinh hoặc thiếu thông tin thực tế, hoặc vẫn còn "duy ý chí" trong chọn lựa, quyết định về nghề nghiệp tương lai của mình. Do đó, bên cạnh thông tin tư vấn, hướng nghiệp của nhà trường, còn rất cần sự chia sẻ của thầy cô giáo, của gia đình- những người gần gũi nhất với học sinh- nhằm giúp các em nhận thức rõ năng lực của bản thân, cân nhắc khả năng của gia đình để có quyết định đúng đắn.

NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết