09/07/2017 - 18:15

Từ Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng đến vấn đề “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”

Để chợ nổi trở thành điểm hấp dẫn, níu chân du khách

Ngày hội du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng (Ngày hội) đã khép lại vào chiều 9-7, để lại nhiều dấu ấn về một Ngày hội thành công tốt đẹp. Ngày hội không chỉ tạo ra sân chơi thú vị, cầu nối cho du khách với các tiểu thương, nhà vườn mà còn góp phần gìn giữ không gian văn hóa đặc sắc của miền sông nước. Sự thành công của Ngày hội đã mở ra định hướng, cũng như khơi gợi nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ xung quanh việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Cần Thơ ghi nhận một số ý kiến xung quanh việc tổ chức sự kiện, cũng như thực hiện đề án "Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng".

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch thành phố:

Phát triển chợ nổi Cái Răng trên cơ sở hài hòa các lợi ích, đảm bảo an sinh xã hội

Ngày hội mang ý nghĩa quan trọng, khi vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vừa là tiền đề để địa phương triển khai thực hiện định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù khởi nguyên từ nền tảng văn hóa sông nước. Đây cũng là cơ hội để du khách trong nước và quốc tế hiểu hơn về nếp sinh hoạt, văn hóa của người dân chợ nổi Cái Răng và Cần Thơ, cũng như ĐBSCL nói chung.

Để chợ nổi Cái Răng được gìn giữ, phát triển và trở thành điểm nhấn trong hệ thống sản phẩm du lịch Cần Thơ, tôi cho rằng UBND quận Cái Răng phải tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, duy trì Ngày hội du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng trở thành sự kiện thường niên của thành phố. Cái Răng phải chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, các sở ngành hữu quan để Ngày hội từng bước được nâng chất về quy mô lẫn chất lượng, giữ được bản sắc văn hóa sông nước, từng bước trở thành sản phẩm độc đáo, ấn tượng, góp phần quảng bá và tăng cường khả năng giao lưu, hợp tác phát triển về du lịch cho thành phố.

Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng thu hút đông đảo du khách tham quan chợ nổi Cái Răng. Ảnh: KIỀU MAI

Đề án "Bảo tồn và Phát huy chợ nổi Cái Răng" đã được UBND thành phố phê duyệt. Cái Răng cần chủ động thực hiện tốt các nội dung, chú trọng phát triển chợ nổi trên cơ sở hài hòa các lợi ích về văn hóa, kinh tế, xã hội. Định hướng phát triển chợ nổi Cái Răng theo đúng tiêu chí văn hóa, văn minh đô thị; quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội cho người dân chợ nổi, để nơi đây không chỉ là chỗ buôn bán đơn thuần mà còn tạo điều kiện để người dân gắn bó cũng như thu lợi từ các hoạt động, dịch vụ du lịch trên chợ nổi. Ngoài ra, địa phương cần phải đảm bảo an toàn, cảnh quan môi trường sao cho chợ nổi Cái Răng trở thành điểm du lịch thân thiện, chuyên nghiệp, chất lượng và mến khách.

Để chợ nổi Cái Răng được gìn giữ và phát triển, yếu tố con người rất quan trọng. Năm 2017, thành phố đã có gói tín dụng 30 tỉ đồng ở Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố, hỗ trợ các tiểu thương, nông dân làm du lịch, mục đích là tạo sinh kế cho người dân chợ nổi, giữ chân thương hồ, đồng thời xây dựng đầu mối tiêu thụ nông sản sạch, đa dạng hàng hóa trên chợ nổi, góp phần phát triển chợ theo đúng định hướng sinh hoạt văn hóa gắn với du lịch.

Ông Vương Công Khanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội:

Xây dựng sự kiện với nhiều không gian trải nghiệm và đậm bản sắc văn hóa sông nước

Tổ chức Ngày hội là một phần việc trong công tác thực hiện đề án "Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng" mà địa phương đang triển khai thực hiện. Đây được xem là điểm nhấn quảng bá hình ảnh, nét văn hóa độc đáo của chợ nổi Cái Răng nói riêng và du lịch Cần Thơ nói chung. Ba ngày qua, Ngày hội đã tạo được không khí sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, đậm bản sắc sông nước thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong nước lẫn quốc tế. Những kỳ vọng Ban tổ chức đặt ra đều đạt yêu cầu. Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng khách tham quan đã đạt trên 30.000 lượt. Năm nay, Ngày hội có nhiều hoạt động mới hơn so với năm 2016, như: hoạt động chợ trên sông, hội thi mô hình chợ nổi Cái Răng, mô hình nông nghiệp, nông sản sạch… rất được du khách quan tâm. Những hoạt động này đều gắn liền với thực tiễn đời sống, phản ánh nếp sinh hoạt văn hóa của người dân miền sông nước. Do đó, để Ngày hội ngày càng được nâng chất, đậm bản sắc sông nước thì năm tới, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu tăng cường thêm 1-2 hoạt động trên sông nữa, quy mô sẽ mở rộng, thời gian hoạt động cũng kéo dài hơn. Mục đích là làm sao cho du khách có thể tương tác, tìm hiểu sâu hơn về đời sống, văn hóa chợ nổi Cái Răng. Với các hoạt động trên bờ, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để có nhiều mô hình, ý tưởng mới, độc đáo góp phần thu hút du khách nhiều hơn, cũng như để kết nối tiểu thương, nhà vườn với du khách.

Hoạt động chợ trên sông tái hiện nếp sinh hoạt, mua bán của người dân chợ nổi Cái Răng.

Hiện chợ nổi Cái Răng có khoảng 250 ghe thuyền với số lượng nông sản ước tính khoảng 2.000 tấn/ ngày, tổng doanh thu ước mang lại khoảng 3 tỉ đồng/ ngày cho hàng trăm hộ nông dân, thương hồ kinh doanh nông sản. Bình quân mỗi người có thu nhập khoảng 2,5- 4 triệu đồng/tháng. Để đảm bảo đời sống lâu dài cho người dân chợ nổi cũng như góp phần vào việc gìn giữ di sản (Văn hóa chợ nổi Cái Răng đã được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia vào năm 2016- PV), quận Cái Răng đã và đang tích cực thực hiện nhiều việc, nhất là làm tốt các phần việc trong đề án "Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng". Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã hoàn thành thủ tục thu hồi Nhà kho Nông trường sông Hậu (địa điểm tổ chức Ngày hội, cũng là nơi trưng bày, buôn bán các loại nông sản sạch, các sản phẩm lưu niệm dành cho du khách khi đến tham quan chợ nổi, vốn đã được quy hoạch trong đề án- PV). Ngoài ra, Cái Răng cũng đã hoàn thành hạng mục phao tiêu phân luồng đảm bảo an toàn giao thông trên chợ, đã tổ chức và duy trì thường xuyên đờn ca tài tử trên chợ vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Vấn đề quan trọng là việc đảm bảo an sinh xã hội cho thương hồ, cư dân trên bè nổi, cũng được địa phương quan tâm thường xuyên trong thời gian qua. Ngoài tặng quà vào dịp Tết, UBND quận cũng đã hỗ trợ các tiểu thương, nông dân tiếp cận, vay nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Cần Thơ để mưu sinh, duy trì và phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch. Địa phương cũng chủ động xây dựng cầu nối cung cầu (cụ thể là Ngày hội) giữa tiểu thương, nhà vườn và du khách. Từ những cơ sở này, địa phương vẫn đang xúc tiến nhanh các phần việc khác để đảm bảo đề án thực hiện đúng tiến độ và mục tiêu đã đề ra, đưa chợ nổi trở thành điểm hấp dẫn, níu chân du khách.

Ái Lam (lược ghi)

Chia sẻ bài viết