20/06/2017 - 09:51

Báo chí trên màn ảnh quốc tế

Đề cao tính chiến đấu và đạo đức

Qua báo chí là kênh quảng bá, bình luận và lưu trữ quan trọng của nghệ thuật thứ bảy. Thế nhưng, phim ảnh lại không nhiều đề tài về báo chí. Lịch sử điện ảnh ghi nhận chỉ vài chục tác phẩm xuất sắc đề tài này: "Citizen Kane", "Nightcrawler", "Kill the Messenger", "Almost Famous", "Frost/Nixon", "Spotlight"…

"Citizen Kane" (1941) không chỉ là phim kinh điển về nghề báo, mà còn đứng đầu danh sách Phim xuất sắc nhất do Viện phim Mỹ bình chọn vào năm 1998 và 2007. Tại cuộc bầu chọn phim uy tín Sight & Sound, "Citizen Kane" là Phim hay nhất mọi thời đại trong 5 kỳ liên tiếp. Tác phẩm từng nhận 9 đề cử Oscar năm 1941 và chiến thắng Kịch bản xuất sắc nhất. "Citizen Kane" mở đầu bằng cái chết của Charles Foster Kane- ông trùm truyền thông Mỹ, sau đó dẫn dắt người xem theo chân Thompson- phóng viên được cử đi tìm sự thật đằng sau câu nói cuối cùng của ông: "Rosebud" (nụ hồng- PV). Từ đó, mở ra những đắng cay và vinh quang của một nhà báo có tư duy cởi mở, tân tiến, dấn thân, trách nhiệm, quả quyết với tầm nhìn thông minh: "Tôi sẽ trao cho mọi người ở thành phố này một tờ báo sẽ nói toàn sự thật. Tôi cũng sẽ trao họ một chiến sĩ đấu tranh cho quyền lợi của họ như là những người công dân".

  “Spotlight”

Thời điểm mới ra mắt "Citizen Kane" làm dấy nên nhiều tranh luận và bị chèn ép tại các giải thưởng điện ảnh. Dù vậy, giá trị của phim được khẳng định qua thời gian. "Citizen Kane" là một trong những phim hiếm hoi nhận được đánh giá 100% tích cực trên trang phê bình khó tính Rotten Tomatoes. Nhà phê bình điện ảnh V.G.I Bijovitch ngợi khen: "Citizen Kane làm người ta sửng sốt về cái nhìn không giấu giếm, gai góc vào cuộc đời, vì cái giọng tường thuật lạnh lùng và cay đắng, vì sự từ chối những ảo tưởng, vì sự sẵn sàng chờ đón một cách cứng rắn cái tồi tệ nhất". Cây bút Leonard của trang Movie Guide cũng cho rằng đây là bộ phim "phá vỡ mọi quy tắc và sáng tạo thêm những quy tắc mới… Một bộ phim tuyệt tác theo mọi nghĩa". Nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert gọi "Citizen Kane" là "Phim vĩ đại nhất".

Đề tài về nghề báo luôn thách thức nhiều nhà làm phim, bởi câu chuyện buộc phải có chất tư liệu, tính hiện thực, kịch tính. Khắc họa nghề báo và nhà báo trên màn ảnh đòi hỏi phải có những câu chuyện chấn động và đi vào lòng người. "Spotlight"- Phim xuất sắc nhất Oscar 2016, dựa trên câu chuyện có thật của nhóm nhà báo Spotlight của tờ Boston Globe phanh phui bê bối ấu dâm kéo dài suốt 34 năm trong hệ thống nhà thờ Mỹ. Khi sự thật được công bố năm 2003, loạt phóng sự đã mang về cho nhóm nhà báo Mỹ giải Pulitzer Prize for Public Service năm 2003. Hình ảnh của những nhà báo quả cảm: Marty Baron, Robby Robinson, Michael Rezendes, Sacha Pfeiffer, Ben Bradlee Jr. và Matt Carroll được các nhà làm phim khắc họa sống động. Theo chân các nhà báo, tội ác của của 249 linh mục- những người đã lạm dụng và làm sang chấn tâm lý của hàng trăm trẻ em Mỹ trong hơn ba thập kỷ đã được đưa ra ánh sáng một cách thuyết phục và gây phẫn nộ. "Spotlight" có đủ tính gai góc, nhân văn và thời sự. Qua "Spotlight", người xem hiểu rõ những hy sinh thầm lặng, cuộc chiến khốc liệt mà các nhà báo phải đối mặt trước khi đưa sự thật ra ánh sáng.

Những tác phẩm điện ảnh về nhà báo còn phản ánh quá trình theo đuổi sự thật, như trong "Kill the Messenger", "All The President’s Men"…; phơi bày những mặt trái "Nightcrawler", "Shattered Glass", "Network"… để người xem thấy rõ tính đấu tranh, sự thật và đạo đức làm nên nhà báo chân chính. 

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết