08/05/2014 - 22:18

Để Cần Thơ xứng với vị trí đầu tàu

Thủ tướng yêu cầu TP Cần Thơ cần tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao (Ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Meko, khu công nghiệp Trà Nóc).

Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ của Đoàn công tác Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu vào cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh: Cần Thơ hội tụ đủ các điều kiện để "gánh vác" sứ mệnh trung tâm phát triển ĐBSCL; yêu cầu lãnh đạo thành phố năng động, sáng tạo hơn nữa để đưa Cần Thơ phát triển xứng tầm với vị trí và vai trò này.

Nhận diện thực lực

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị ngày 17-2-2005 về "Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" xác định Cần Thơ là trung tâm kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; Quyết định 492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16-4-2009 phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (gồm 4 địa phương: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau) cũng khẳng định vị thế trung tâm vùng của Cần Thơ, điều này đã chỉ rõ tiềm năng, thực lực của Cần Thơ tại ĐBSCL. Theo báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ, đến cuối năm 2013, tỷ trọng khu vực 1 chiếm 8,61%, khu vực 2 chiếm 38,92%, khu vực 3 chiếm 52,47% trong cơ cấu GDP. Từ năm 2004 đến nay, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch đúng hướng, từ cơ cấu nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ đã chuyển sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, nhưng chưa bền vững và nhiều lĩnh vực chưa thể hiện được vai trò trung tâm phát triển vùng ĐBSCL.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Chính phủ vừa qua, lãnh đạo thành phố có 14 kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là: chấp thuận hỗ trợ 50% vốn đối ứng cho các dự án ODA do thành phố quản lý đầu tư đang triển khai năm 2014 và những năm tiếp theo; ưu tiên cho thành phố tiếp cận vốn ODA cho các dự án: hạ tầng giao thông đô thị, nâng cấp đô thị giai đoạn 2, ứng phó biến đổi khí hậu, chống ngập, thoát nước, y tế; lựa chọn công nghệ xử lý rác thải cho thành phố; cho phép thành phố được huy động vốn đầu tư bằng 150% mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố theo dự toán HĐND thành phố quyết định hằng năm; có cơ chế riêng cho thành phố triển khai dự án Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc. Đồng thời thành phố còn có 8 kiến nghị đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính: đề nghị bộ tham mưu Chính phủ xem xét, bố trí vốn, hoặc ứng vốn ngân sách Trung ương cho dự án: Đường Quang Trung - Cái Cui; Bệnh viện Nhi đồng…

Từ các kiến nghị của Cần Thơ và các đề xuất của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ những yêu cầu cấp bách mà Cần Thơ phải tập trung thực hiện để khẳng định vị thế trung tâm vùng ĐBSCL. Cần Thơ phải là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa đưa vùng ĐBSCL phát triển. So với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL, Cần Thơ có hạ tầng cơ sở khá đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải thủy, bộ, hàng không. Thành phố cần tận dụng tốt các ưu thế này để xây dựng các chương trình mục tiêu phát triển phù hợp với tình hình mới.

Giải quyết các bức xúc cho vùng

Theo đánh giá của các bộ, ngành Trung ương, Cần Thơ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nhất vùng ĐBSCL, thành phố hiện có 5 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp chuyên nghiệp đang hoạt động. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố hiện thu hút khoảng 200 ngàn sinh viên theo học. Trên lĩnh vực y tế, dù TP Cần Thơ có nhiều khó khăn, nhưng nhiều năm liền thành phố không có dịch lớn xảy ra trên địa bàn. "Các chỉ tiêu, chỉ số về y tế đều cao hơn các địa phương khu vực ĐBSCL. Cần Thơ kiến nghị đầu tư vốn Bệnh viện Nhi đồng 500 giường, bộ đồng ý, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn. Cần khẩn trương hoàn thành vì bệnh viện này đang quá tải, một ngày khoảng 1.500 bệnh nhi vào khám nhưng 60% là đến từ các tỉnh vùng ĐBSCL"- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết. Trên lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nêu quan điểm: Cần Thơ phải trở thành trung tâm KH&CN mới có thể giải quyết những bức xúc của vùng ĐBSCL. Bộ luôn ưu tiên các dự án nâng cao năng lực nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất cho Viện Lúa ĐBSCL, Trường đại học Cần Thơ. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan và thành phố để xây dựng cơ chế chính sách, các chương trình gỡ vướng cho Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc đặt tại Cần Thơ. Đồng thời, sớm nghiên cứu, chọn công nghệ xử lý rác cho thành phố.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết: "Dự án luồng Quan Chánh Bố vào sông Hậu là tuyến luồng thúc đẩy kinh tế vùng ĐBSCL phát triển, khai thác có hiệu quả các cảng trên sông Hậu. Trong 3 tháng đầu năm 2014, trên 500 ngàn tấn gạo, 1 tỉ USD thủy sản của vùng xuất khẩu đều thông qua cảng TP HCM. Đang triển khai gói thầu số 1 chiều dài 2.400m trong tổng số 6 gói của dự án Quan Chánh Bố, trong tháng 7-2014 sẽ triển khai 5 gói còn lại. Dự kiến tháng 10-2015 thông luồng kỹ thuật, tháng 12-2015 sẽ hoàn thành các hạng mục giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 6.100 tỉ đồng và đưa vào khai thác. Khi đó, tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải có thể ra vào sông Hậu". Thứ trưởng Công cũng cho biết, thành phố kiến nghị làm đường Quan Trung - Cái Cui, Bộ đã giao Ban Quản lý dự án 8 tìm nhà đầu tư để tiếp tục dự án; đồng thời đang tìm vốn bổ sung cho dự án Quốc lộ 91…

Thủ tướng cho rằng, quốc lộ 1 đã mở rộng tới Cần Thơ, Chính phủ đang thu xếp vốn để mở cao tốc Trung Lương - Cần Thơ; Quốc hội đã chấp thuận kinh phí đầu tư kênh Quan Chánh Bố 6.100 tỉ đồng để khai thác các cảng Cần Thơ; Chính phủ đang mời gọi vốn làm đường sắt… Tất cả đều tập trung vào mục tiêu là đưa Cần Thơ trở thành trung tâm động lực vùng ĐBSCL. Trước mắt, phải thực hiện dự án đường quốc lộ 91 đồng bộ, để đấu nối vào cầu Vàm Cống, thúc đẩy phát triển công nghiệp ở khu vực này và đẩy nhanh tiến độ dự án Quang Trung - Cái Cui để đón luồng Quan Chánh Bố. Về công nghiệp, Cần Thơ còn nhiều hạn chế, nhưng Cần Thơ không thể tranh với các tỉnh trong vùng để gom hết nhà máy chế biến thủy sản, lúa gạo về đây mà phải tập trung làm công nghệ cao, tạo lan tỏa vùng. Chế tạo máy móc cho công nghiệp thủy sản, sản phẩm công nghệ cao có thể xuất khẩu bằng đường hàng không. Cần Thơ có các viện, trường nghiên cứu đóng trên địa bàn, thành phố cần liên kết với các đơn vị này để nghiên cứu giống nông nghiệp cung ứng cho cả vùng ĐBSCL, đi đầu trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng và nghiên cứu theo hướng ứng dụng thực tiễn; khẩu vị của người tiêu dùng. Dự án Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đặt tại Cần Thơ được xem là động lực để Cần Thơ thực hiện vai trò trung tâm công nghệ vùng ĐBSCL; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị thành phố cần đàm phán với đối tác Hàn Quốc xem nhà đầu tư cần gì, Chính phủ sẵn sàng tạo cơ chế, ưu đãi đầu tư cho vườn ươm. Thủ tướng cũng nhắc nhở thành phố cần mời gọi đầu tư nhà máy xử lý rác bởi đây là vấn đề cấp thiết cần giải quyết rốt ráo; khuyến khích mời gọi tư nhân đầu tư, chính quyền hỗ trợ về cơ chế chính sách, không chờ ODA. Tuy nhiên, thành phố phải phối hợp với các bộ, ngành hữu quan chọn công nghệ xử lý phù hợp với rác Việt Nam, vì chúng ta chưa phân loại rác chưa tốt.

Bài, ảnh: SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết