23/08/2017 - 21:04

Để Cần Thơ nối nhịp du lịch ĐBSCL 

Theo các nhà quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp dịch vụ du lịch... bất cập hiện nay của du lịch ĐBSCL là trùng lắp về sản phẩm du lịch, thiếu cá tính, “giẫm chân” lên nhau, sản phẩm du lịch nghèo nàn... Thời gian qua, nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức nhằm tìm giải pháp để du lịch đất chín rồng cất cánh. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò liên kết vùng của thành phố Cần Thơ.

Chưa phát huy hết tiềm năng

ĐBSCL có thế mạnh du lịch văn hóa, phong tục, lối sống, con người, lễ hội dân gian… hòa quyện trong cảnh quan sinh thái đặc trưng là sông nước miệt vườn, sản vật thiên nhiên phong phú với trái cây bốn mùa trĩu quả, tôm cá miệt đồng. Nơi đây còn có vùng biển Tây Nam bao bọc một phần ĐBSCL, hay dãy Thất Sơn với những câu chuyện truyền kỳ, văn hóa, con người và cảnh sắc độc đáo.

Mở các tour liên kết qua đường thủy là một trong những hiến kế để Cần Thơ nối nhịp du lịch ĐBSCL. Trong ảnh: Tấp nập ghe thuyền đến chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ buổi sớm. Ảnh: DUY KHÔI

Vì vậy, vùng ĐBSCL tuy có đặc điểm chung là châu thổ với kênh rạch tạo nền tảng cho du lịch sinh thái miệt vườn sông nước; lại có điểm nhấn ở một số địa phương. Đó là du lịch tâm linh (An Giang), du lịch biển đảo (Kiên Giang), du lịch khám phá (Cà Mau), du lịch văn hóa- phong tục sinh hoạt (chợ nổi Cái Bè- Tiền Giang, chợ nổi Cái Răng- Cần Thơ), du lịch làng nghề (Bến Tre, Tiền Giang), đô thị trung tâm- TP Cần Thơ đóng vai trò liên vận chuyển, cùng thế mạnh du lịch hội nghị- hội thảo.

Nhờ vậy, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa đến ĐBSCL tăng trưởng trung bình 12%/năm trong hơn 10 năm qua. Những năm gần đây (từ 2015 đến nay), có trên 18 triệu lượt khách nội địa đến vùng hằng năm. Khách quốc tế tăng trưởng bình quân 8,45%/năm. Nguồn thu từ du lịch trong vùng tăng với tỷ lệ 23,6% trong giai đoạn 2006-2015. Năm 2015, tổng doanh thu đạt trên 8.600 tỉ đồng, tăng 8 lần so với năm 2006.

Những số liệu trên cho thấy ĐBSCL đứng ở vị trí trung bình trong các vùng du lịch cả nước về lượng khách đến. Tuy nhiên, tổng doanh thu lại đứng ở cuối cùng. Mức chi tiêu trung bình của vùng năm 2015 chỉ đạt khoảng 420.000 đồng/ngày đêm, mức chi tiêu trung bình của khách nội địa không lưu trú chỉ khoảng 200.000 đồng/khách. Khách chi nhiều chủ yếu ở Kiên Giang, Cần Thơ và Cà Mau. Điều này cho thấy lượng khách đi về trong ngày chiếm tỷ trọng khá lớn (khách lưu trú không quá 1,3 ngày). Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Thanh Đức Hải, Khoa Kinh tế Trường Đại học Cần Thơ cho biết ngay tại đô thị trung tâm vùng, số lượng du khách quay trở lại Cần Thơ rất thấp, chủ yếu quay lại vì hội thảo, hội nghị và thăm thân, rất ít người đến Cần Thơ nhiều lần vì lý do du lịch đơn thuần.

Nguyên nhân của tình trạng trên là sự trùng lắp về sản phẩm du lịch, khiến du khách có cảm giác chỉ cần đi một nơi sẽ biết hết cả vùng. Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hà, Trường Đại học Đồng Tháp, chứng minh: Tham khảo tour các tỉnh thành ĐBSCL, sẽ thấy sau khi đi thuyền ở Bến Tre, cách có một dòng sông lại gặp du thuyền của du lịch Tiền Giang. Đến Vĩnh Long về miền văn minh sông nước, nhà vườn; rồi sang Cần Thơ cách một con sông lại tiếp tục du lịch nhà vườn, sông nước. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, nhận định: Tổ chức khai thác du lịch ở ĐBSCL phần lớn chưa chuyên nghiệp, nhiều điểm kinh doanh theo kiểu tự phát. Các địa phương đang “giẫm chân” nhau trong xây dựng sản phẩm du lịch, gần như điểm đến nào cũng là sông nước, miệt vườn, đờn ca tài tử. Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hà nói thêm: Du lịch ĐBSCL trong trạng thái “mạnh ai nấy làm”, việc kêu gọi đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, xã hội, dự án của mỗi tỉnh, thành đều theo hướng “anh hùng nhất khoảnh”. Điều này cho thấy sự liên kết du lịch của vùng còn rất yếu, có khi mối liên kết chỉ dừng lại ở mức giao lưu, thiếu thực tế.

Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia trong ngành cho rằng nguyên nhân của vấn đề trên do liên kết, hợp tác du lịch giữa các tỉnh thành ĐBSCL chưa thường xuyên. Các tỉnh trong vùng chưa ký liên kết vùng, chưa phân định sản phẩm chính mang “chất” địa phương. Riêng tại TP Cần Thơ, đô thị sông nước nhưng vẫn còn yếu trong các tour du lịch bằng tàu xuyên tỉnh, bởi mối liên kết du lịch chưa bền vững.

Cần liên kết

Theo nhiều nhà nghiên cứu, chiến lược phát triển du lịch ĐBSCL cần đẩy mạnh hoạt động liên kết và xem đây là đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch của vùng. Trong đó nhấn mạnh vai trò cầu nối của du lịch Cần Thơ bởi những lợi thế về hạ tầng giao thông (thủy, bộ và hàng không), trung tâm kinh tế- văn hóa- tài chính của vùng. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phúc, Học viện Chính trị khu vực IV, cho rằng: Cần liên kết, hợp tác du lịch giữa Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL để đẩy mạnh du lịch đường thủy. Đồng thời, tạo liên kết hợp tác du lịch giữa Cần Thơ với một số tỉnh cần thiết để tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng. Song song đó, kết hợp với một số tỉnh có thế mạnh riêng để hình thành các tour độc đáo. Đơn cử như xâu chuỗi tour qua cồn Phụng (Tiền Giang), cồn Sơn, cồn Tân Lộc (TP  Cần Thơ) rồi vòng lên vùng Thất Sơn (An Giang). Các địa phương xây dựng một sản phẩm đặc trưng, tăng cường liên kết và hợp tác quảng bá. Công tác quảng bá không chỉ hướng đến khách nội địa, mà còn thị trường quốc tế.   

Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hà hiến kế: Trước hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hình thành mô hình liên kết du lịch cho vùng. Các địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trong mối tương quan với các tỉnh thành ĐBSCL để tạo được thế mạnh của từng tỉnh thành và của cả vùng. Bên cạnh đó đầu tư sản phẩm du lịch có chiều sâu, cùng phát huy tài nguyên lớn nhất của ĐBSCL là sông nước, miệt vườn, lối sống, phong tục. Đồng thời khai thác có chuyên nghiệp những sản phẩm khác như du thuyền, nghỉ dưỡng trên sông. Riêng với những tỉnh thành có sự trùng lắp, giẫm chân nhau thì ngồi lại để kết nối tour với tỉnh thành có sản phẩm đặc trưng.

Thuận lợi trong thực hiện các hiến kế trên là du lịch ĐBSCL được định hướng cụ thể theo Quyết định số 2227/QĐ-TTg, ngày 18-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (quy hoạch). Quy hoạch này xác định loại hình sông nước, miệt vườn là sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL; bên cạnh du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, biển đảo, cộng đồng, MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện), tìm hiểu di tích, di sản văn hóa… Từ đó, cũng đã xác định tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia: Thới Sơn nằm trong cụm cù lao Long Lân Quy Phụng (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn- Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim- Láng Sen (Long An, Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang); 7 điểm du lịch quốc gia: Khu phức hợp giải trí Xứ sở Hạnh phúc (Long An), cù lao Ông Hổ (An Giang), khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang), Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long), Ao Bà Om (Trà Vinh). Thực hiện quy hoạch này, mục tiêu đến năm 2020, ĐBSCL đón khoảng 34 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách, trong đó khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 25 nghìn tỉ đồng; đến năm 2030 đạt trên 111 nghìn tỉ đồng.

Theo quy hoạch trên, TP Cần Thơ là một trong hai (cùng với Phú Quốc, Kiên Giang) trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng; song song với 4 chương trình đầu tư: Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch vùng; Bảo tồn, tôn tạo, phát triển tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; Phát triển hạ tầng du lịch then chốt. Để những dự định trên thành hiện thực, còn rất nhiều việc phải bàn và phải làm, nhưng ít nhất cũng có những nhìn nhận thực tế và hướng ra để Cần Thơ trở thành cầu nối du lịch ĐBSCL.

M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết