20/03/2009 - 08:55

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm – Đa dạng sinh học Hòa An:

ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng gay gắt bởi mưa trái mùa, hạn hán và xâm ngập mặn

 

Thời tiết năm nay biến đổi thất thường và đang diễn biến hết sức phức tạp. Mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi về tình hình này, Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm - đa dạng sinh học Hòa An, Trường Đại học Cần Thơ, nói: Đã vào cao điểm của mùa nắng nhưng mưa trái mùa vẫn xuất hiện nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với cường độ lớn. Điều đáng quan tâm là trước đây, các khu vực Bạc Liêu, Gành Hào (Cà Mau), Mộc Hóa (Long An) thuộc diện ít mưa, nhưng mùa nắng năm nay đã xuất hiện nhiều cơn mưa trái vụ….

*  Thưa tiến sĩ! Mưa trái vụ ảnh hưởng gì đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng?

- Mưa trái vụ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp như: mai vàng không trổ bông theo đúng qui luật, nhiều ruộng muối bị cuốn trôi, hàng ngàn ha tôm sú bị chết do thay đổi nồng độ mặn đột ngột... Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, tồn tại của động, thực vật, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái. Điển hình như ở ĐBSCL các loại thủy sản nước ngọt (cá lóc, cá rô, cá sặt...) có tập quán hình thành trứng trong mùa nắng và sinh sản vào đầu mùa mưa. Nhưng khi mưa trái mùa xuất hiện nhiều lần, các loại cá trên sẽ giảm lượng trứng. Điều này có nghĩa, nguồn cá này có nguy cơ cạn kiệt dần. Ngoài ra, một số loài cây có củ như cỏ năn, các cây họ môn... trong chu kỳ sinh trưởng sẽ khô rụi thân cây trong mùa nắng, dồn dinh dưỡng nuôi củ và nảy chồi vào mùa mưa tiếp theo. Riêng mùa nắng năm nay, do mưa trái mùa xuất hiện nhiều, thân cỏ năn luôn xanh tốt nên có khả năng không hình thành củ. Do đó, loài chim sếu – động vật quí hiếm có khả năng không quay về ĐBSCL vì không còn củ năn để ăn. Mặt khác, mưa trái mùa đan xen trong những ngày nắng nóng là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản, dễ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa và trẻ em rất dễ nhiễm bệnh đường hô hấp.

* Mưa trái mùa xuất hiện có thể sẽ làm giảm áp lực khô hạn ở ĐBSCL so với các năm trước không, thưa Tiến sĩ?

-Mùa khô năm nay dù số lần xuất hiện mưa trái mùa nhiều, nhưng nắng nóng xảy ra càng gay gắt hơn. Chính vì thế, lượng nước mưa vẫn không bù đắp đủ lượng nước bốc hơi do nắng nóng. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL thực hiện phương châm: tiêu thoát nước “càng nhiều, càng tốt” để tăng diện tích đất sản xuất lúa. Điều này khiến diện tích mặt đất có nước tràn từ sông vào và diện tích đất chứa nước ở ĐBSCL giảm đến 60% so với thời điểm năm 1968. Do đó, tình hình cạn kiệt nước ở ĐBSCL trong mùa khô năm nay và các năm tiếp theo sẽ càng nghiêm trọng hơn. Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của ĐBSCL đang phải đối phó với nạn thiếu nước ngọt.

* Điều này có đồng nghĩa với tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang và sẽ diễn biến càng gay gắt không, thưa Tiến sĩ?

-Từ năm 2000 đến nay, mực nước cao nhất tại Tân Châu, khu vực đầu nguồn ở ĐBSCL tiếp nhận nguồn nước từ sông Mekong thuộc Việt Nam bị thấp xuống gần 0,8 mét. Do nguồn nước từ thượng nguồn đổ về ít, lưu lượng nước trên sông Tiền, sông Hậu trong mùa khô chỉ còn khoảng 1.600m3/giây thay vì 2.500m3/giây như 30 năm trước đây. Mặt khác, mực nước biển ngày càng dâng cao do bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đây là những nguyên nhân chính khiến nước mặn xâm nhập vào đất liền ngày càng sâu hơn, nồng độ mặn ngày càng cao hơn. Do đó, ngoài chuyện thiếu nước ngọt để sản xuất, ĐBSCL còn đang đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt để sinh hoạt.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL cần có kế hoạch, giải pháp khuyến cáo nông dân phải tiết kiệm nước trong sản xuất.

*  Xin cảm ơn Tiến sĩ!

NHẬT THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết