01/07/2015 - 10:07

ĐBSCL hướng đến liên kết phát triển du lịch xanh

ĐBSCL có tiềm năng phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, nền văn hóa lúa nước bản sắc và con người hòa đồng thân thiện, là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Vì vậy, việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết và đây cũng cần là định hướng lâu dài cho du lịch ĐBSCL trong điều kiện biến động của môi trường tự nhiên. Hội thảo "Liên kết phát triển du lịch xanh khu vực ĐBSCL" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức, mở đầu cho chương trình hành động phát triển du lịch xanh khu vực ĐBSCL.

Thực trạng du lịch xanh

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, là cách thức phát triển hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Theo các chuyên gia, các nhà khoa học, phát triển du lịch xanh là xu hướng của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam ​không phải là ngoại lệ. Với tiềm năng và lợi thế cạnh tranh vượt trội nhờ vào tài nguyên quý giá và đặc sắc là cảnh quan thiên nhiên, sông nước, biển đảo, khí hậu ôn hòa và môi trường văn hóa đa dạng, ĐBSCL đang xây dựng định hướng phát triển theo tiêu chí du lịch xanh và xây dựng du lịch xanh như một thương hiệu của ĐBSCL. Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng du lịch ĐBSCL bình quân năm luôn đạt trên 2 con số. Năm 2014, ĐBSCL đã đón được hơn 22,4 triệu lượt khách; trong đó có 1,83 triệu lượt khách quốc tế; thu nhập du lịch đạt 6.360 tỉ đồng, tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho lao động xã hội… góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng. Tuy nhiên, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL, cho biết: "Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch ĐBSCL đang phải đối phó với những tác động tiêu cực như: Ô nhiễm môi trường, suy giảm về tài nguyên tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển du lịch cần phải phát huy hiệu quả cao hơn, bền vững hơn nữa trong mối liên kết giữa các ngành liên quan đến du lịch".

Lợi thế về nét văn minh miệt vườn, sông nước là tiền đề để ĐBSCL phát triển du lịch xanh bền vững. Ảnh: DUY KHÔI

Dù đã có định hướng cho phát triển du lịch ĐBSCL nói chung và hoạt động phát triển du lịch xanh nói riêng nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh của du lịch ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập của du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế, nhưng thực tế việc phát triển du lịch xanh của ĐBSCL chưa được như kỳ vọng. PGS. TS. Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, chỉ ra nhiều nguyên nhân như nhận thức và hiểu biết về du lịch xanh còn nhiều hạn chế, các chính sách phát triển du lịch xanh chưa đáp ứng so với nhu cầu​. Đặc biệt là sự liên kết giữa các bên có liên quan​ và các địa phương trong vùng còn hạn chế. Du lịch chợ nổi, một hình thức đặc thù của ĐBSCL, hình thành tự phát nên không có sự quản lý, tổ chức vì thế việc kinh doanh ít hiệu quả. Nhiều thương lái  buôn  bán  ế  ẩm,  chỉ  độ  10 ngày sau là các hàng nông sản như trái cây, rau, khoai khô héo, hư hỏng hoặc biến chất, giảm chất lượng và họ thất thu. Người tham gia mua bán trên sông không  có ý thức  giữ  gìn  môi  trường sống. Họ vứt rác bừa bãi xuống sông, thậm chí ngay tại dưới lòng ghe họ đậu rồi múc nước ngay tại chỗ để tắm, giặt, thậm chí nấu ăn. Những rác thải khó phân hủy như bịch ni-lông, cao su trôi lềnh bềnh trên sông gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường và làm cho phương tiện di chuyển trên sông gặp nhiều khó khăn.

Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Exotic Việt Nam, cho rằng hàng loạt chợ nổi ở ĐBSCL (Phong Điền – Cần Thơ, Phụng Hiệp – Hậu Giang…) chỉ còn là cái tên mà sự "biến mất" của các chợ nổi vừa qua là do yếu tố quy hoạch và ông lo ngại những sản phẩm du lịch đặc trưng như vậy sẽ biến mất. Ông Phương cảnh báo: "Giá trị lớn của Phú Quốc là rừng nhưng gần đây bị phá làm các dự án nên coi chừng Phú Quốc sẽ biến mất. Có môi trường mới làm du lịch được, mất môi trường sẽ mất hết". Trong khi đó, ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ, cho biết sau 4 ngày tham gia đoàn đi khảo sát sản phẩm du lịch đặc trưng tại hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, ông thấy đường sá có nhiều cải thiện, nhưng một số khu du lịch vẫn "giậm chân tại chỗ". Tại Mũi Cà Mau, rừng quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau), hạ tầng xuống cấp trầm trọng, hàng quán lụp xụp và phục vụ kém, và địa phương vẫn than thiếu kinh phí đầu tư. Ngoài ra, một khu du lịch khác của Kiên Giang là quần đảo Nam Du khách đến ngày một đông nhưng thiếu sự đầu tư hạ tầng tương ứng.

Sớm thực hiện hóa mục tiêu phát triển

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – Nguyễn Văn Tuấn: ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Công, có diện tích tự nhiên 5,6% diện tích lưu vực. Đây là vùng có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú đặc biệt là du lịch sinh thái. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ĐBSCL là 1 trong 7 vùng du lịch của cả nước trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó sẽ ưu tiên phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường và khẳng định môi trường là yếu tố hấp dẫn du lịch, đảm bảo chất lượng và giá trị hưởng thụ du lịch, thương hiệu du lịch. Các dự án phát triển du lịch phải tuân theo quy định của pháp luật về môi trường…

Để đạt được mục tiêu trên, thông điệp về phát triển du lịch xanh của vùng ĐBSCL được xác định để trở thành kim chỉ nam trong các hoạt động phát triển du lịch xanh của vùng: "Sản phẩm Xanh – Doanh nghiệp Xanh – Cộng đồng Xanh – Khách du lịch Xanh". Nhưng để thực hiện thông điệp và đưa thông điệp vào cuộc sống, tác động nhanh đến nhận thức và cách làm, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: "ĐBSCL cần liên kết giữa các điểm đến, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, lữ hành với khách sạn,​ đồng thời liên kết du lịch vùng nhằm hướng tới hạn chế những tác động tiêu cực đối với tài nguyên môi trường, qua đó giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đến người dân và sự phát triển bền vững chung của cả vùng".

Theo ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Exotic Việt Nam, các địa phương ở ĐBSCL cần ngồi lại với nhau cùng "chia sân" để sản phẩm du lịch không bị trùng lắp và ông cho rằng "sau hội thảo này thì cần phải hành động, hành động càng sớm thì hy vọng cứu vãn được và giúp cho du lịch ĐBSCL phát triển". Trong khi đó, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: "Để du lịch xanh ĐBSCL phát triển mạnh, trong thời gian tới, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành ĐBSCL, Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp các tỉnh thành cần sớm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL; trong đó đề xuất chọn 3 vấn đề đột phá như xây dựng cơ chế chính sách điều phối liên kết, tạo nguồn lực vật chất đầu tư và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Ngoài ra, cần sớm thành lập Ban chỉ đạo, điều phối và Văn phòng Ban chỉ đạo, điều phối phát triển du lịch ĐBSCL, xúc tiến hình thành Quỹ phát triển du lịch ĐBSCL, kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các cụm du lịch…

* * *

Du lịch mang lại nguồn lợi lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL, tài nguyên du lịch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển du lịch bền vững. Vì thế, trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch phải gắn với phát triển du lịch xanh, hạn chế tối đa sự tác động đến môi trường thiên nhiên để thu hút khách. Ngày nay, số lượng khách du lịch quan tâm đến du lịch xanh ngày càng tăng, các tour du lịch có trách nhiệm đến môi trường ngày càng phát triển. Chính vì lẽ đó, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, gắn với định hướng phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ cấp bách cần được các ngành các cấp quan tâm thực hiện.

DUYÊN KHÁNH

Chia sẻ bài viết