28/05/2018 - 22:04

ĐBSCL “chuyển mình” sang nền nông nghiệp thông minh 

ĐBSCL đã và đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống người dân. Nhiều ý kiến cho rằng cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng IoT (Internet of Things) vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, từng bước cải thiện chất lượng nông sản, tiết giảm chi phí, tiến tới thay đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp thông minh, hiện đại. Đây cũng là thông điệp cốt lõi được truyền tải tại Diễn đàn “Công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018”.

Các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Diễn đàn.

Hội tụ nhiều công nghệ, ứng dụng mới

Diễn đàn Công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018 là hoạt động nằm trong khuôn khổ các Chương trình kết nối cung – cầu công nghệ do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các tổ chức quốc tế và Hiệp hội Thông tin công nghiệp Châu Á - AIPA đồng tổ chức. Diễn đàn gồm các hoạt động chính như: Hội thảo "Thay đổi công nghệ, đổi mới tư duy hướng đến sự nhàn hạ trong sản xuất nông nghiệp"; diễn đàn "Công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản"; Triển lãm Công nghệ thành tựu nông nghiệp và thủy sản. Thông qua đó, các đại biểu trao đổi và thảo luận về xu hướng ứng dụng công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản bền vững tại ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất nông nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp và tự động hóa; kinh nghiệm từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản...

Là 1 trong những công ty sản xuất phân bón kiểm soát (phân bón chậm tan, phân bón thông minh) hàng đầu thế giới, ông Huang Ke, Trưởng đại diện tại Việt Nam, Công ty TNHH Kingenta Việt Nam, chia sẻ: “Ở Việt Nam, phân bón được rải vào ruộng phần lớn đều bị thất thoát trên bề mặt đất không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Với các loại phân bón thông minh, thông qua việc điều chỉnh kỹ thuật giải phóng chất dinh dưỡng sẽ kéo dài thời gian hấp thu của cây trồng. Thậm chí đối với một số cây trồng, chúng ta có thể chỉ bón phân 1 lần duy nhất để hấp thu lâu dài giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức”. Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành, cho biết: “Đến với Diễn đàn lần này, chúng tôi giới thiệu Công nghệ máy bay không người lái (AUV) ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. UAV được điều khiển từ xa bằng trình điều khiển riêng biệt hoặc có thể kết nối với điện thoại, máy tính bảng qua sóng radio. Công nghệ này được ứng dụng trong phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt giống, bón phân…”.

Tại Diễn đàn, các đại biểu còn được các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu, chia sẻ các thành tựu, công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp như: Hệ thống giám sát và điều khiển tự động e-AQUA cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản; Hệ thống canh tác thông minh theo chiều hướng công nghiệp 4.0; Giải pháp truy xuất nguồn gốc cho nông sản ứng dụng công nghệ 4.0; Công nghệ vi sinh BACS nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện môi trường nuôi trồng thủy sản; Công nghệ trồng sâm thủy canh siêu năng suất…

Đổi mới tư duy, ứng dụng công nghệ cao

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, nhấn mạnh: Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, song việc ứng dụng khoa học và công nghệ tại ĐBSCL vẫn chưa được như kỳ vọng. Khoa học và công nghệ vẫn chưa thực sự đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương trong vùng. Với chuỗi hoạt động diễn ra trong Diễn đàn sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích về xu hướng công nghệ, thành tựu ứng dụng công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ, học tập kinh nghiệp về sản xuất nông nghiệp trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, tự động hóa, đổi mới sáng tạo trong sản xuất...

Theo các chuyên gia, ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm của cả nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của vùng đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông minh trong nông nghiệp để tiết giảm chi phí sản xuất, thích ứng với tình hình trên vô cùng cấp thiết. “Sử dụng công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật chi phí chỉ từ 60.000-80.000 đồng/ha, rẻ hơn rất nhiều so với cách phun thông thường. Ngoài ra, có thể tiết kiệm 90% lượng nước tiêu thụ, 30-40% thuốc bảo vệ thực vật và cách phun này cũng đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người”-ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành phân tích.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, ĐBSCL cần chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực sang sản xuất hàng hóa, đa dạng, quy mô lớn, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ. “Chúng ta phải làm sao để ĐBSCL không chỉ là nơi tiếp thu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của thế giới mà còn là nơi phát minh, sáng tạo ra nhiều mô hình mới đặc sắc trong nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, phải làm nổi bật vai trò của việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”-ông Đào Anh Dũng nói. 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết