23/12/2017 - 16:24

ĐBSCL chủ động phòng chống bão 16 

Để chủ động các phương án phòng tránh, ứng phó với cơn bão Tembin (bão số 16), các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có kế hoạch, tổ chức họp khẩn cấp triển khai công tác phòng tránh bão.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Tiền Giang, bão Tembin sẽ vào biển Đông và dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh này vào chiều 25-12, đặc biệt sáng 26-12, với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 11. Trước nhận định này, Tiền Giang đề ra các phương án ứng phó với bão, trong đó, trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 sẽ sơ tán dân tại chỗ trên 77.500 người, sơ tán dân đi huyện khác gần 40.000 người. Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh hạn chế hội họp, làm sao triển khai phương án ứng phó với bão một cách nhanh nhất, nhân dân biết và chủ động cùng ứng phó với các cấp chính quyền. Công tác chuẩn bị kịch bản ứng phó phải thật chu đáo: nước, thuốc, thức ăn, xe, điện…Việc di dân phải thật đảm bảo an toàn. Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các huyện phải trực từ hôm nay. Đến ngày 25-12, hoãn tất cả các cuộc họp.

Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, toàn tỉnh dự kiến có hơn 46.000 người cần di dời, sơ tán đến nơi an toàn khi bão vào đất liền. Hiện đã liên hệ được 956 tàu thuyền, với hơn 7.900 người; tổng số tàu thuyền đang neo đậu tại bến trên 2.500 chiếc, với hơn 14.000 người. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà mau cho biết, ý thức một số bộ phận người dân chưa cao trong công tác chằng chống nhà cửa. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương xuất quỹ phòng chống thiên tai hỗ trợ cho hộ nghèo của địa phương có điều kiện chằng chống nhà cửa.

Còn tại Bạc Liêu, Ban Chỉ PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động khai thác thủy hải sản trên biển, đến khi có bản tin cuối cùng về bão Tembin thì cho tàu thuyền trở lại hoạt động bình thường. Kiểm đếm chính xác số lượng tàu thuyền và thuyền viên còn đang trên biển; thông tin liên lạc thường xuyên về diễn biến bão Tembin cho các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi biết để tìm nơi trú tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão. Bên cạnh đó, mở các cột đèn tín hiệu báo bão tại các Đồn Biên phòng và bố trí người trực đảm bảo đèn tín hiệu hoạt động 24/24 giờ; bắn tín hiệu báo bão theo quy định. Bộ đội Biên phòng phối hợp với ngành nông nghiệp cùng các địa phương hướng dẫn nơi neo đậu cho tàu thuyền, đảm bảo cho các tàu neo đậu tránh bị va đập, kiên quyết không để người ở trên tàu; tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn; tổ chức trực ban 24/24 giờ và báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.  Cùng với đó, ngành Nông nghiệp khẩn trương phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nếu cơn bão gây mưa lớn trên diện rộng, nhất là đối với diện tích lúa thu đông, đông xuân và lúa trên đất tôm; thông tin, hướng dẫn các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi về biện pháp phòng tránh bão Tembin; hướng dẫn cách neo đậu an toàn đối với tàu thuyền đã cập bến. Bạc Liêu có khoảng 1.200 tàu đánh bắt trên biển với khoảng 6.000 ngư dân; có khoảng 70.000ha lúa, hoa mùa và hơn 76.000ha nuôi trồng thủy sản của người dân cần được bảo vệ nếu có bão; hàng nghìn nhà dân, các đê bao, ao hồ cần được gia cố, chằng néo, cơi nới khi xảy ra mưa bão, gió mạnh, triều cường dâng. Trên toàn tỉnh có hơn 1.000 người sống theo tuyến rừng phòng hộ, tuyến ven biển cần được di dời khi bão đổ bộ vào đất liền. Các điểm trường học, trụ sở chính quyền địa phương kiên cố đã sẵn sàng tiếp nhận người dân đến tránh trú bão.

Tại tỉnh Bến Tre, sáng 23-12, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Lập cho biết, địa phương đã chủ động các phương án phòng tránh, ứng phó bão số 16. Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo 3 Đồn Biên phòng (Hàm Luông, Cổ Chiên, Cửa Đại) sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị thông báo cho số phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; thống kê, kiểm đếm số lượng tàu, người, khu vực hoạt động. Đến thời điểm này, đã có 2.680 phương tiện tàu, thuyền đã tìm được nơi neo đậu tại các bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo. Hiện nay, vẫn còn 487 phương tiện/1.948 người đang hoạt động trên biển ngoài khu vực nguy hiểm. UBND tỉnh Bến Tre cũng đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đạo tạo tỉnh phát công văn thông báo đến các trường học chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học,... Chỉ đạo các trường từ mầm non đến cao đẳng cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 25 đến hết ngày 26-12. Tỉnh Bến Tre cũng đã chỉ đạo lãnh đạo các huyện, sở, ngành tạm ngưng các cuộc họp không cần thiết để chuẩn bị công tác ứng phó bão 16. Đồng thời, đề nghị các phương tiện thông tin từ tỉnh đến xã phải thường xuyên cập nhật, phát những bản tin kịp thời về tình hình bão đến người dân. Đối với các huyện cần rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân, nắm chắc lượng người cần di dời, sơ tán. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 12h, ngày 25-12 và có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán.

Ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, trước tình hình bão Tembin diễn biến phức tạp, để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã họp và có công văn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành chỉ đạo các đơn vị có liên quan thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng, tránh; đồng thời tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền trên biển, kiểm soát tàu thuyền ra khơi; duy trì thông tin liên tục với các chủ phương tiện nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Các thành viên của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sóc Trăng sẽ xuống các địa bàn ven biển như thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Long Phú, Kế Sách, Cù Lao Dung để triển khai công tác ứng phó với bão. Các địa phương, đơn vị sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Tỉnh Sóc Trăng có tổng số 214 tàu, trong đó có 193 tàu đánh bắt xa bờ và 21 tàu đánh bắt gần bờ. Đến nay, đã có gần 140 tàu đánh bắt xa bờ đang vào nơi trú ẩn an toàn, các tàu khác cũng đang được lực lượng chức năng thông báo, kêu gọi khẩn trương vào bờ hoặc đưa tàu vào nơi trú ẩn an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu tập trung thông tin liên tục về tình hình bão để chủ các phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển nắm bắt và chủ động tránh, trú bão an toàn…

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, lúc 10h sáng 23-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, cách đảo Palawan, Philippines 280km về phía Đông Đông Nam, sức gió tăng lên cấp 9-10, giật cấp 13... Trong 24 giờ tới, bão Tembin di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ di chuyển nhanh) và có khả năng mạnh thêm. Từ đêm nay, bão Tembin sẽ vượt qua phía Nam đảo Palawan, Philippines và đi vào Biển Đông. Đến 10 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,6 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 230km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 110km tính từ vùng tâm bão. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10h ngày 25-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,0 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 300-400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 , giật cấp 15.

Hoài Niệm

Chia sẻ bài viết