18/12/2017 - 21:48

ĐBSCL cần dựa vào lợi thế đường thủy phát triển logistics 

Tại Hội nghị phát triển logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải khu vực ĐBSCL, do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức sáng 18-12, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đã bàn các giải pháp nhằm tận dụng những thế mạnh của khu vực ĐBSCL, thúc đẩy sự phát triển của vùng thông qua việc cải thiện hệ thống logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó, có 6 nhóm giải pháp được đưa ra bàn bạc, nhằm gỡ “nút thắt” thúc đẩy phát triển logistics tại vùng ĐBSCL trong thời gian tới...

Lợi thế phát triển logistics...

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng: Hiện tại, vùng ĐBSCL đang có 4 phương thức vận tải chủ yếu: đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không đang đảm nhận vai trò tích cực cho sự phát triển chung của vùng. Tuy nhiên, vấn đề liên kết vùng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng. Tỷ trọng vốn đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng còn thấp so với nhu cầu, suất đầu tư xây dựng cao hơn các vùng khác do đặc điểm địa chất, địa lý. Điều này đã làm cho chi phí logistics tăng cao. Việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải sẽ là nền tảng cơ bản thúc đẩy phát triển logistics và gia tăng giá trị của các mặt hàng thế mạnh của vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung.

ĐBSCL có các cảng lớn thuận lợi cho phát triển logictics. Trong ảnh: Tân cảng Cái Cui. 

Bộ GTVT phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị lần này nhằm tham vấn ý kiến của các đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các địa phương vùng ĐBSCL và TPHCM; các hiệp hội vận tải, logistics, các đơn vị khai thác, kinh doanh hạ tầng, vận tải, dịch vụ logistics đường bộ, đường hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không; các trường đại học, cao đẳng... Bộ GTVT và các địa phương đặt mục tiêu tận dụng tối đa thế mạnh của khu vực ĐBSCL, thúc đẩy sự phát triển của vùng thông qua việc cải thiện hệ thống logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn 6 nhóm giải pháp lớn để phát triển logistics trong lĩnh vực hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Cụ thể, các nhóm giải pháp về kết cấu hạ tầng kết nối: khả năng đáp ứng nhu cầu của các phương thức vận tải đường biển, đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không đối với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có; nếu chưa đáp ứng đủ cần xem xét đầu tư. Nhóm giải pháp phát triển dịch vụ vận tải: cần tập trung vào phương thức vận tải nào cho phù hợp với tiềm năng của vùng; vấn đề kết nối các phương thức vận tải; giải quyết những vấn đề trọng tâm để có thể cải thiện được dịch vụ vận tải đường biển, đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không. Nhóm giải pháp phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics: hình thành các trung tâm logistics lớn (tại các tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang) nhằm tạo hạ tầng quan trọng để phát triển dịch vụ logistics, góp phần đáp ứng nhu cầu trong tương lai của khu vực nói chung và của ĐBSCL nói riêng. Nhóm giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp kinh doanh vận tải, giao nhận, dịch vụ logistics: đẩy mạnh việc phát triển các đầu mối vận tải phục vụ dịch vụ logistics và tăng cường kết nối các phương thức vận tải. Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực: triển khai chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng được nhu cầu của khu vực. Nhóm giải pháp về các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đối với hoạt động của dịch vụ logistics: trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính để khuyến khích, nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp.

Cần khai thác hiệu quả giao thông thủy

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho rằng: ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, nhưng lại là vùng có các chỉ số sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Nguyên nhân một phần là do chưa có chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ logistics hoàn chỉnh, hệ thống đường bộ lẫn đường thủy vẫn chưa được đầu tư phát triển đúng mức. Có đến khoảng 70% hàng hóa xuất khẩu của vùng ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ đến các cảng khu vực miền Đông Nam bộ để xuất khẩu. Qua 3 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị cung ứng nông sản, địa phương càng thấy rõ tầm quan trọng của khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ nông sản, nhu cầu xây dựng hệ thống dịch vụ logistics ngày càng trở nên bức thiết.

Tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ GTVT xem xét chọn Đồng Tháp là mô hình xây dựng phát triển logistics phục vụ chuyên cho phát triển nông nghiệp, để tiến tới nghiên cứu vấn đề logistics cho nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Ngoài ra, để kết nối giao thương cho Đồng Tháp phát triển, địa phương kiến nghị Bộ xem xét đầu tư tuyến giao thông An Hữu – Cao Lãnh. Tuyến này sẽ góp phần để Đồng Tháp kết nối với TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Ở khu vực ĐBSCL, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đang quản lý và phát triển hệ thống gồm 5 cảng: Tân cảng Sa Đéc, Tân cảng Cao Lãnh, Tân cảng Thốt Nốt, Tân cảng Cái Cui và Tân cảng Giao Long. Ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, cho biết, Tổng công ty với định hướng chiến lược là xây dựng trên 3 trụ cột kinh doanh chính là khai thác cảng, dịch vụ logistics và cung ứng dịch vụ biển. Tổng công ty cũng định hướng lấy khai thác cảng làm chỗ dựa để phát triển logistics và logistics phát triển cũng để thu hút hàng hóa phục vụ cho khai thác cảng.

“Đặc thù vùng ĐBSCL đường bộ gặp nhiều khó khăn, những tuyến chính vẫn phát triển về đường thủy. Nhưng sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thấp, chỉ khoảng 30%, còn lại là áp lực vận chuyển bằng đường bộ. Thời gian qua, cảng trọng tâm của Tổng công ty ở khu vực ĐBSCL là khu vực cảng Cái Cui (TP Cần Thơ) với 18 ha, kế bên là cảng Cái Cui (thuộc Vinalines) cũng đang đồng hành khai thác, biến khu vực này thành trung tâm cảng. Các bộ, ngành cần quan tâm đến luồng Quan Chánh Bố - sông Hậu để tàu 2 vạn dỡ tải thông thương vào các cụm cảng khu vực Cái Cui. Đồng thời, đầu tư thêm các tuyến như: kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền (Đồng Tháp) rút ngắn thời gian vận chuyển tắc qua từ sông Tiền đến sông Hậu, kênh Chợ Gạo. Có chính sách cho tàu quốc tế và cảng Cái Cui...” - Ông Phùng Ngọc Minh kiến nghị.

Hiện nay, TP Cần Thơ đang triển khai lập Đề án Quy hoạch trung tâm logistics vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, dự kiến sẽ phê duyệt vào quí I-2018. Thành phố cũng sẽ xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện đầu tư trung tâm logistics với diện tích 242,2 ha.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: Căn cứ theo Quyết định 1012 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương vùng Tây Nam bộ nên quy hoạch các trung tâm logistics vệ tinh ở các khu công nghiệp, cảng để kết nối với các trung tâm logistics của vùng, phục vụ quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa trong vùng được thông suốt. Về đào tạo nguồn nhân lực logistics, hiện tại khu vực ĐBSCL có hơn 14 trường đại học nhưng chưa có trường đào tạo chuyên ngành về logistics. Thời gian tới, các trường đại học ở khu vực nên xem xét chương trình đào tạo cho ngành logistics, phục vụ phát triển ngành logistics tại khu vực ĐBSCL.

“Logistics có vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, nếu chi phí logistics thấp thì hàng hóa sẽ có giá cả thấp và có sức cạnh tranh lớn trên thị trường khu vực và thế giới. Theo số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế, chi phí logistics hiện nay của Việt Nam chiếm tỷ trọng rất cao, dao động từ 18-20% GDP, trong khi ở các nước phát triển chiếm 9-10% GDP. Cần tìm các giải pháp, đề xuất các cơ chế chính sách để chi phí logistics xuống thấp...”- Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị các bộ, ngành và các địa phương vùng ĐBSCL cần tham mưu Chính phủ, Quốc hội có cơ chế chính sách phát triển logistics phù hợp với thực tiễn; trong đó cần phát huy được vận tải thủy thế mạnh của vùng ĐBSCL, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vận tải thủy. Đồng thời, quan tâm khâu cải cách hành chính để hàng hóa lưu thông nhanh chóng và dễ dàng, góp phần giảm chi phí logistics. Phát huy vận tải đa phương thức; hình thành các doanh nghiệp đa phương thức kết hợp cả vận chuyển đường bộ, đường thủy và kinh doanh logistics. Quan tâm xây dựng hạ tầng, kho bãi và các trung tâm phân phối. Bộ GTVT sẽ cử chuyên gia phối hợp với TP Cần Thơ hình thành trung tâm logistics cho vùng ĐBSCL, mời gọi nhà đầu tư đến xây dựng hạ tầng; hỗ trợ Đồng Tháp xây dựng trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp...

Bài, ảnh: ANH KHOA 

Chia sẻ bài viết