03/08/2018 - 21:11

Dạy trẻ biết yêu thương 

Như thường lệ, chị Lan Anh (quận Bình Thủy) đến trường đón con tan học buổi chiều. Gặp mẹ, bé H. (4 tuổi) không mừng rỡ, mà còn thản nhiên chơi đùa cùng các bạn. Cô giáo phải mấy lần nhắc nhở, bé H. mới chịu thu dọn đồ chơi, rồi chào cô ra về. Cô giáo gọi H. lại xoa đầu, bảo đến thưa và ôm mẹ. Thấy chị Lan Anh vẻ ngạc nhiên, cô giáo cười nói: “Cô dạy như vậy là để bé biết thể hiện yêu thương, bày tỏ tình cảm đối với cha mẹ. Bé “xa mẹ” cả ngày còn gì…”. Cách của cô giáo là một trong những biện pháp hay giúp trẻ rèn luyện, hình thành kỹ năng sống. Đặc biệt, biết cách bộc lộ cảm xúc, thể hiện tình cảm đối với những người thân yêu…

Trẻ có điều kiện chơi đùa cùng bạn bè luôn biết cách thể hiện yêu thương, hình thành kỹ năng chia sẻ. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Q.LAM
Trẻ có điều kiện chơi đùa cùng bạn bè luôn biết cách thể hiện yêu thương, hình thành kỹ năng chia sẻ. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Q.LAM

Cùng trăn trở việc này, chị L. (quận Bình Thủy) kể: “Cuối tuần rồi, tôi dự định thu gom một ít quần áo, vật dụng gia đình cũ, trong đó, có nhiều món đồ chơi không sử dụng của con mang cho nhóm từ thiện. Thế nhưng, lát sau quay lại, thằng bé để riêng một góc những món đồ của mình, rồi nằng nặc đòi giữ lại, chớ không để mẹ cho người khác…”. Cũng theo chị L., đây là những món đồ chơi con trai chị sử dụng lúc nhỏ nhưng còn mới nguyên. Thậm chí, một số món đồ bé không màng đến nữa. Vậy nhưng, khi biết mẹ sắp đem cho, bé lại ôm giữ khư khư. Thấy con có thái độ như vậy, chị L. rất lo lắng. Chị cho rằng đây là biểu hiện thói ích kỷ, ưa “cà nanh” của trẻ. Chị L. bộc bạch: “Đầu tiên, tôi phân tích để con hiểu giá trị, ý nghĩa những món đồ; những khó khăn, thiếu thốn của các bạn nhỏ nghèo vùng sâu, vùng xa. Qua đó, giúp khơi gợi trong con lòng trắc ẩn, thương người, dạy bé biết cảm thông, chia sẻ với những người bất hạnh, thiệt thòi. Cuối cùng, con tôi cũng nhận ra việc làm ý nghĩa và vui vẻ cùng mẹ chọn lựa, sắp xếp các món đồ ngay ngắn để mang đi cho các bạn nhỏ”.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều người cho rằng, cha mẹ rất cần giáo dục, rèn luyện trẻ lòng yêu thương, chia sẻ từ thuở nhỏ. Bởi thực tế, nhiều đứa trẻ sinh ra trong gia đình hạnh phúc, sung túc, được ông bà, cha mẹ yêu thương, chăm sóc chu đáo. Điều này đôi khi khiến trẻ có tâm thế ỷ lại, xem tình cảm đó là đương nhiên, vô điều kiện, không cần đáp trả. Ngược lại, những trẻ sống trong gia đình không hạnh phúc, thường xuyên bị người lớn quát mắng cũng khó biểu hiện cảm xúc. Nhiều bé tuy rất yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ nhưng không biết cách thể hiện bằng lời nói, cử chỉ. Một số bé vì ngại và không được cha mẹ “yêu cầu”, khuyến khích nên cũng hay quên việc thể hiện tình cảm đối với người lớn. Chị Ngọc Lan (quận Ninh Kiều) tâm sự: “Quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, cha mẹ cần ôm ấp, có những lời nói, cử chỉ yêu thương. Tôi có thói quen ôm chặt con mỗi khi bé gặp những chuyện buồn, không như ý, để có thể an ủi, động viên con. Buổi tối, trước khi đi ngủ, hai mẹ con thường chúc nhau ngủ ngon và hôn nhẹ lên trán tạm biệt. Tôi tin, những hành động nhỏ này sẽ theo con từ thuở ấu thơ và là hành trang đến lúc trưởng thành”.

ĐAN NHƯ

Chia sẻ bài viết