18/08/2014 - 20:36

ÔNG NGUYỄN MINH TOẠI, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG KIÊM PHÓ TRƯỞNG BAN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TP CẦN THƠ:

Đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Là đô thị nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ có điều kiện thuận lợi để giao lưu với các địa phương trong và ngoài vùng, quốc tế cả bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Đặc biệt, mối liên kết, sức lan tỏa của TP Cần Thơ với các tỉnh vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành phố trong nước, một số quốc gia khác trong khu vực và thế giới ngày càng tăng. Thành phố đã và đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nhằm từng bước phát triển kinh tế - xã hội, xứng tầm là trung tâm vùng ĐBSCL.
Trả lời phỏng vấn Báo Cần Thơ về cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như hội nhập kinh tế quốc tế, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Phó Trưởng Ban Hội nhập Kinh tế Quốc tế TP Cần Thơ, cho biết:

- TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương vào tháng 1-2004 và chính thức trở thành đô thị loại I theo Quyết định số 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 26-4-2009. Những năm qua, thành phố không ngừng đầu tư, kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của thành phố bước đầu được đầu tư, nâng cấp. Thành phố là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo, đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý có trình độ cao, tiềm lực khoa học kỹ thuật, hệ thống y tế, các trung tâm văn hóa - thể dục thể thao, hệ thống ngân hàng - bảo hiểm và các cơ sở công nghiệp - thương mại có quy mô lớn của vùng ĐBSCL, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của các tỉnh trong vùng, hình thành trung tâm dịch vụ lớn của cả vùng. Các chủ trương, chính sách và hệ thống thể chế hành chính của thành phố đã và đang được hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước và thu hút dân cư tài năng các nơi khác đến công tác, lập nghiệp. Hơn 10 năm qua, kinh - tế xã hội thành phố phát triển ổn định; an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.

* Cùng với kết quả trên, công tác đối ngoại của thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng gì, thưa ông?

- Các hoạt động đối ngoại của TP Cần Thơ đạt được nhiều kết quả khả quan. Thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và tăng cường liên kết. Đầu năm 2014 đến nay, thành phố tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến nổi bật, như: Hội nghị Xúc tiến mở các tuyến bay đến Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ nhằm khai thác hiệu quả công suất hoạt động, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, du khách đến TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL đầu tư, tham quan, du lịch. Thành phố phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo "Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC) và các FTA mà Việt Nam tham gia" giúp cán bộ, công chức, cộng đồng DN nắm bắt cơ hội, thách thức khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do… Thành phố cũng đã tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư vào dự án Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Cần Thơ, giúp DN trên địa bàn thành phố và ĐBSCL gặp gỡ DN Hàn Quốc, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu lương thực thực phẩm. Đồng thời, giới thiệu với DN Hàn Quốc về các chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn TP Cần Thơ. Thực hiện ủy quyền của Bộ Công Thương về việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), thời gian qua, thành phố đã giúp nhiều DN xác nhận, cấp C/O sang các thị trường có xét giảm miễn thuế quan, tăng uy tín và hiệu quả cạnh tranh của DN trên thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh chương trình hợp tác quốc tế. Trong đó nổi bật là hợp tác với các tổ chức phi chính phủ thực hiện các dự án hỗ trợ cho ngành y tế như: Dự án "tăng cường dự phòng ung thư cổ tử cung thứ cấp ở Việt Nam" tại TP Cần Thơ, các dự án về HIV/AIDS như quỹ toàn cầu, LIFE-GAP, FHI, công tác chăm sóc điều trị sốt xuất huyết của Hội VMA Thụy Sĩ,... Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các cơ quan kinh tế Pháp, Đại sứ quán Pháp, thúc đẩy tiến độ dự án trang thiết bị Bệnh viện Đa Khoa TP Cần Thơ vốn ODA Pháp; phối hợp với Viện Trường CHU (Nice - Pháp) trong công tác đào tạo tập huấn và hỗ trợ dự án trang thiết bị Bệnh viện Đa Khoa thành phố. Đến nay, thành phố đã thành lập được 20 Hội hữu nghị với 20 nước trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để tranh thủ các hoạt động hợp tác kinh tế.

Phó Chủ tịchUBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam (bìa phải) tham quan văn phòng điều hành xây dựng Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc KVIP và nghe báo cáo tiến độ thi công của Vườn ươm. Ảnh: MINH HUYỀN

* Theo ông, đâu là những khó khăn, thách thức của thành phố trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế?

- Dù có nhiều cơ hội, đạt nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế nhưng thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Điển hình như: Thành phố chưa khai thác đúng mức lợi thế so sánh, cơ cấu kinh tế chưa tương xứng với một đô thị loại I trực thuộc Trung ương (khu vực nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn). Năng lực sản xuất một số ngành, sản phẩm quan trọng tăng trưởng chậm, các ngành có hàm lượng công nghệ cao chiếm tỷ trọng nhỏ, quá trình phát triển còn tiềm ẩn nhân tố chưa bền vững; thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là thị trường xuất khẩu của thành phố chưa ổn định, sức cạnh tranh một số sản phẩm chủ lực còn hạn chế. Nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa đáp ứng theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Kết cấu hạ tầng dù được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thiếu tính kết nối và chưa đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, các khu vui chơi giải trí, hạ tầng tại các khu vực dự kiến mở rộng đô thị....; khu vực đô thị phát triển nhất chỉ tập trung ở quận Ninh Kiều.

* Xin ông cho biết thành phố đã có những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế?

- Ngày 1-7, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký ban hành quyết định về việc thành lập Ban Hội nhập kinh tế quốc tế TP Cần Thơ. Ban Hội nhập Kinh tế Quốc tế TP Cần Thơ có nhiệm vụ chỉ đạo và phối hợp hoạt động các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố trong việc tham gia các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng kế hoạch hành động của thành phố về thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố về tình hình kinh tế quốc tế, khu vực và toàn quốc; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc triển khai nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn thành phố…

Ban Hội Nhập kinh tế Quốc tế TP Cần Thơ đã đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Theo đó, Ban tiếp tục hỗ trợ DN nắm vững chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của nước ta và các quy tắc, luật lệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch. Cải thiện chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh làm động lực để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác. Tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn, các thị trường tiềm năng. Tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện kết hợp xúc tiến, quảng bá du lịch. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ DN trong việc xúc tiến thương mại; khuyến khích DN áp dụng công nghệ tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng trong sản xuất một cách hiệu quả; khuyến khích DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ DN đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng và quảng bá thương hiệu, đăng ký bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ. Tổ chức phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"… Bên cạnh đó, Ban sẽ phối hợp với các ngành hữu quan, tăng cường xúc tiến đến các thị trường tiềm năng, có điều kiện xuất khẩu nông thủy sản ổn định, giảm bớt xuất khẩu sang các thị trường bấp bênh, thiếu tính ổn định; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư bằng các hình thức thích hợp như: BT, BOT, BO, PPP. Quản lý và sử dụng có hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu cam kết đối với các nguồn vốn ODA, NGO; tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, liên kết hợp tác trong và ngoài nước.

* Thành phố có những đề xuất, kiến nghị gì để kinh tế thành phố phát triển nhanh, ổn định và bền vững, cũng như đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách có hiệu quả trong giai đoạn sắp tới, thưa ông?

- Thông tin và dự báo có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Vì vậy, đề nghị các cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương thông tin dự báo kịp thời về thị trường, các nước nhập khẩu áp dụng các rào cản kỹ thuật, các quy định cũng như các đạo luật áp dụng đối với một số ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các bộ, ngành trung ương cần có giải pháp thiết thực hơn nữa hỗ trợ TP Cần Thơ khai thác hiệu quả Cảng Cái Cui cho tàu 20 ngàn tấn lưu thông; đầu tư đồng bộ hệ thông giao thông đường bộ, đường thủy, nhất là những công trình kết nối liên vùng giúp giảm giá thành vận chuyển cho DN khu vực ĐBSCL. Song song đó, hỗ trợ thành phố tăng cường khai thác công suất Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đến các nước ASEAN, tạo điều kiện để các địa phương trong vùng ĐBSCL phát triển du lịch. Các Bộ cần quy định các quy chuẩn chất lượng sản phẩm nông thủy sản và hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu gạo và thủy sản Việt Nam để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Long (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết