28/08/2008 - 08:22

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đại học, cao đẳng

* Tuyển sinh hệ không chính qui: Sẽ sử dụng đề thi của Bộ GD&ĐT
* Chấn chỉnh các sai phạm trong tuyển sinh của Trường Đại học Tây Đô và Đại học Trà Vinh
* Năm học 2008 - 2009: Triển khai 3 chương trình trọng tâm phát triển giáo dục cấp quốc gia

(CT-TTXVN)- Ngày 27-8-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tổng kết năm học 2007-2008 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2008-2009 khối các trường đại học, cao đẳng. Hội nghị được tổ chức trực tuyến qua 5 cầu truyền hình tại: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Năm học 2007-2008, các trường đại học, cao đẳng triển khai mạnh mẽ chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, chuyển mình từ “chỉ đào tạo những gì mình có” sang “đào tạo những gì xã hội cần”. Kết hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện cho 754.000 học sinh, sinh viên được vay tiền. Triển khai nhiều chương trình, đề án lớn: Đào tạo 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng; thành lập trường Đại học Việt- Đức, Đại học Khoa học- Công nghệ Hà Nội; thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến; liên kết 21 chương trình đào tạo với nước ngoài... Xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên: tổng số giảng viên tăng 5.871 người (11,7%), trong đó, số giảng viên có chức danh Phó giáo sư tăng 39 người, có trình độ Tiến sĩ tăng 881 người...

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, đại học (nhất là đào tạo không chính qui) chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp giảng dạy chưa được các trường quan tâm đúng mức… Đội ngũ giảng viên của các trường chưa đồng bộ, không đảm bảo về số lượng và chất lượng…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong năm học 2008-2009, các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới cơ chế tài chính; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu xã hội. Trong tuyển sinh hệ không chính qui sẽ sử dụng đề thi của Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ xây dựng một phần mềm chung về đào tạo theo học chế tín chỉ để các trường nghiên cứu thực hiện.… Về vấn đề tăng học phí, Bộ GD&ĐT cũng đã trình đề án tăng học phí cho Chính phủ và Bộ Chính trị, nhiều khả năng sẽ thực hiện khung học phí mới trong năm học này...

* Ngày 27-8, Chánh Thanh tra giáo dục Nguyễn Văn Chiền cho biết: Qua công tác thanh tra việc tuyển sinh năm học mới 2008-2009, Bộ Giáo dục Đào tạo phát hiện 2 trường đại học là Đại học Tây Đô và Đại học Trà Vinh đã vận dụng sai quy chế 33 về tuyển sinh phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ của các vùng khó khăn, hạ điểm chuẩn đầu vào xuống quá thấp. Theo quy chế, các trường này chỉ được tuyển sinh nhóm đối tượng theo quy chế 33 dưới 10% tổng chỉ tiêu, nghĩa là khoảng 200 trường hợp, nhưng 2 trường đã áp dụng ồ ạt cho hàng nghìn chỉ tiêu.

Với việc làm sai trái này, đã có nhiều trường hợp đạt điểm thi đại học dưới mức điểm sàn Bộ Giáo dục Đào tạo quy định rất xa (6 điểm) cũng được gọi vào học tại 2 trường đại học trên. Ông Chiền cho biết: Bộ sẽ nhắc nhở và kiên quyết chấn chỉnh các sai phạm của 2 trường trên.

* Trong năm học mới 2008 - 2009, có 3 chương trình lớn sẽ được ngành giáo dục tập trung triển khai ở cấp quốc gia: Phổ cập một năm mẫu giáo 5 tuổi; xây dựng hệ thống các trường THPT chuyên và phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú.

Đối với mẫu giáo 5 tuổi, chương trình phổ cập 1 năm giai đoạn 2009 - 2015 nhằm tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận với giáo dục có chất lượng trong các loại hình trường. Trẻ em 5 tuổi ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc đều sẽ được đi học tại các trường mẫu giáo công lập, ở các vùng còn lại tăng cường huy động trẻ 5 tuổi học trong các loại hình trường.

Các trường THPT chuyên sẽ có quy hoạch cụ thể để nâng cấp cơ sở vật chất; đảm bảo cơ sở vật chất tối thiểu như về quỹ đất, phòng học, phòng thí nghiệm, máy tính... Chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên và học sinh trường chuyên cũng sẽ được quan tâm, đảm bảo tốt hơn.

Dự kiến, hệ thống trường dân tộc nội trú sẽ được phát triển theo quy hoạch tạo nguồn đào tạo cán bộ của các địa phương. Tổ chức dạy học và các hoạt động được quy hoạch phù hợp với các trường PTDTNT. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí, định mức hỗ trợ cơ sở vật chất, giáo viên, học sinh từ ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn ngoài ngân sách.

L.G - HOÀNG HOA - NGỌC ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết