09/08/2018 - 07:49

Đẩy mạnh thực hiện tự chủ tài chính góp phần tinh giản biên chế theo lộ trình 

 

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Qua đó, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, khả quan. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, cho biết:

- Đến nay, thành phố đã giảm 35 đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó giảm 32 đơn vị do kiện toàn, sáp nhập; giảm 3 đơn vị do giải thể) và giảm 11 phòng chuyên môn thuộc cơ quan hành chính cấp thành phố. Ngoài ra, đã sắp xếp, kiện toàn 3 Ban Quản lý dự án cấp thành phố và giải thể các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tại các sở, ngành sau khi hoàn thành công tác quyết toán các dự án đã được giao làm chủ đầu tư cho phù hợp quy định. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi 10 đơn vị sự nghiệp công lập sang loại hình tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.

Về tinh giản biên chế, lũy kế đến nay, thành phố đã trình Bộ Nội vụ thẩm tra thống nhất tinh giản biên chế 226 trường hợp (15 công chức, 203 viên chức và 8 cán bộ, công chức cấp xã), thực hiện lộ trình cắt giảm biên chế đến hết năm 2018 là 2.150 biên chế (trong đó, có 100 biên chế công chức, 2.050 biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập). Như vậy, về biên chế công chức, thành phố đã tinh giản và cắt giảm 115/213 biên chế, đạt 53,99% chỉ tiêu; về biên chế sự nghiệp đã tinh giản và cắt giảm 2.253/2.313 người, đạt 97,4% chỉ tiêu theo Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (NĐ108).

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ được phê duyệt cơ chế tự chủ về tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trong ảnh: Các y, bác sĩ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ khám và điều trị cho bệnh nhận.  Ảnh: Q.LAM
Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ được phê duyệt cơ chế tự chủ về tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trong ảnh: Các y, bác sĩ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ khám và điều trị cho bệnh nhận.  Ảnh: Q.LAM

* Ông có thể cho biết, trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy nói chung, tinh giản biên chế nói riêng còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc gì? 

- Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đối với vấn đề sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống tổ chức của Đảng là: Thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện. Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể mà mới chỉ có dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quy định về nội dung hợp nhất một số cơ quan đảng với nhà nước, nên chưa tổ chức thực hiện được. Bên cạnh đó, việc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của sở, ngành do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành vẫn còn hiệu lực, chậm sửa đổi nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của địa phương.

Song song đó, thành phố cũng mong muốn Chính phủ sớm ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ108 nhằm thuận lợi hơn cho địa phương trong quá trình thực hiện; đồng thời, giao thẩm quyền quyết định đối tượng tinh giản về cho địa phương (địa phương sẽ có trách nhiệm báo cáo về Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính theo quy định). Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn về chính sách bảo lưu phụ cấp chức vụ đối với cán bộ, công chức sau sắp xếp tổ chức bộ máy được phân công, bố trí giữ chức vụ mới thấp hơn chức vụ cũ đến hết nhiệm kỳ, thời hạn bổ nhiệm chức vụ cũ...

Mặt khác, việc quy định về đối tượng tinh giản biên chế còn khắt khe, chưa phù hợp với thực tế nên khó đáp ứng mục tiêu đề ra trong quá trình thực hiện. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế là chủ trương lớn, phù hợp, tuy nhiên để đề xuất thực hiện đối tượng tinh giản là vấn đề khó. Vì vậy, khi thực hiện, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng. Trong quá trình thực hiện còn chờ đối tượng làm đơn tự nguyện mới tổng hợp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, tinh giản. Ngoài ra, một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa hiểu rõ quy định về tiêu chuẩn và điều kiện về tinh giản biên chế; cụ thể như việc chủ động làm đơn xin được tinh giản. Đến nay, thành phố tuy đạt tỷ lệ tinh giản biên chế theo lộ trình nhưng đối tượng thực hiện tinh giản vẫn còn ít, chủ yếu là thực hiện cắt giảm biên chế; trong đó, có cắt giảm do đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang loại hình tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.

* Thực tế vẫn còn một vài địa phương, đơn vị lúng túng trong cách làm, dẫn đến sai sót, cảm tính trong quá trình xét duyệt tinh giản biên chế. Xin ông cho biết thành phố đã có những chỉ đạo và giải pháp thế nào nhằm chấn chỉnh để việc thực hiện tinh giản biên chế hiệu quả, đi vào thực chất?

- Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố chỉ hủy bỏ quyết định tinh giản biên chế đối với 1 trường hợp do địa phương xác định số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa chính xác, nên UBND thành phố trình Bộ Nội vụ thẩm định lại đối tượng tinh giản biên chế. Theo đó, Bộ Nội vụ xác định đối tượng đã đủ 60 tuổi và có năm đóng bảo hiểm xã hội đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội nên UBND thành phố đã ban hành quyết định hủy bỏ phê duyệt đối tượng tinh giản biên chế. Tuy nhiên, do quy định tại NĐ108, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH chưa thống nhất trong cách tính số năm về hưu trước tuổi và thời gian được hưởng lương hưu (đối với người lao động không có ngày, tháng sinh) nên Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố tiếp tục có văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể để thực hiện chính sách phù hợp cho đối tượng vừa được hủy bỏ quyết định.

Để thực hiện có hiệu quả NĐ108, Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu UBND thành phố tổ chức các Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện NĐ108, Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC đến các cơ quan, đơn vị, địa phương; Sở Nội vụ cũng có văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị định này. Theo đó, NĐ108 và các văn bản có liên quan đã quy định cụ thể trình tự xây dựng đề án, lập danh sách tinh giản biên chế và xác định trách nhiệm của cơ quan, thủ trưởng của cơ quan, đơn vị trong việc đề xuất việc thực hiện tinh giản biên chế.

Song song đó, Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 67-KH/TU và Chương trình số 27-CTr/TU, số 28-CTr/TU của Thành ủy về sắp xếp, kiện toàn tổ chức máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Chủ tịch UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND và Kế hoạch số 47/KH-UBND, số 48/KH-UBND về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và rất nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt để thực hiện về tinh giản biên chế. Qua đó nhằm sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp kết hợp với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy.

Thành phố thực hiện giải pháp đẩy mạnh tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp để cắt giảm biên chế (năm 2018 cắt giảm 31 biên chế hành chính và 1.334 biên chế sự nghiệp) nhằm đạt chỉ tiêu tinh giản và giảm chi ngân sách cho thành phố. Đây được xem là giải pháp phù hợp, hiệu quả không chỉ giảm về số lượng mà còn giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, Sở Nội vụ đang nghiên cứu, tiếp tục có giải pháp đột phá phù hợp để đề xuất thực hiện đạt chỉ tiêu tinh giản biên chế đúng với chủ trương, quy định và phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

* Xin cảm ơn ông !

QUỲNH LAM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết