22/12/2010 - 09:51

Đẩy mạnh phát triển tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn TP Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay. (tiếp theo và hết)

Trần Việt Trường
– UVBTV TƯ Đoàn, TUV – Bi thư Thành Đoàn Cần Thơ

Hai là, nhóm giải pháp về tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các DNNNN ở thành phố Cần Thơ

Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền trong việc xây dựng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các DNNNN

Chính quyền các cấp trong thanh phố đóng vai trò rất quan trọng trong việc đồng hành cùng với doanh nghiệp, nhất là DNNNN phát triển góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Đây là giải pháp cơ bản về mặt pháp lý để tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có điều kiện vận dụng trong quá trình thành lập, tổ chức các hoạt động của mình. Đối với cấp Trung ương, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, đây là tham mưu trực tiếp cho Chính phủ thống nhát quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Ở các bộ ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên theo lĩnh vực, địa bàn và theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ.

Đối với thành phố Cần Thơ, Hội đồng công tác thanh niên đã được thành lập và đang tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh niên ở địa phương, trong đó có quản lý thanh niên trong các DNNNN. Đây là giải pháp cần thiết trong giai đoạn hiện nay để giúp chính quyền địa phương cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển tổ chức Đảng và tổ chức chính trị xã hội trong các doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển tổ chức Đoàn trong các DNNNN.

Thứ hai, tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoạt động

Với vị trí vai trò là “rường cột” của nước nhà, là chủ nhân của đất nước, tương lai của dân tộc, thanh niên xứng đáng được đặt ở vị trí trung trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. Điều này, khẳng định rằng việc phát triển tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực để tập hợp thanh niên không chỉ là việc của tổ chức Đoàn mà là của tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của cả hệ thống chính trị.

Đối với củng cố và phát triển tổ chức Đoàn trong các DNNNN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp cần tích cực phối hợp với tất cả các đơn vị như: Công đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan để tổng hợp sức mạnh, tác động một cách tích cực đến chủ doanh nghiệp trong các DNNNN; giải thích và phân tích cho từng chủ doanh nghiệp hiểu rõ sự cần thiết phải thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp mình.

Định kỳ hàng năm có sơ kết, tổng kết với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để đánh giá hiệu quả phối hợp và đề ra phương hướng hoạt động cụ thể trong việc củng cố và xây dựng tổ chức Đoàn trong các DNNNN.

Thứ ba, đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ đoàn trong các DNNNN

Đây là một trong những giải pháp cơ bản để giúp cho cán bộ đoàn trong các DNNNN an tâm công tác và phát huy hết khả năng của mình đối với hoạt động. Để giải pháp này thực sự đạt hiệu quả, Trung ương Đoàn cần có chỉ đạo cụ thể bằng văn bản quy định về chính sách cán bộ Đoàn trong các DNNNN. Trên cơ sở đó, Thành Đoàn Cần Thơ làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp bàn về việc bảo đảm các chính sách cần thiết cho cán bộ Đoàn hoạt động tại doanh nghiệp như:

- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đoàn. Doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện về thời gian, vật chất và tinh thần để giúp cán bộ Đoàn trang bị về trình độ nghiệp vụ công tác Đoàn để nâng chất lượng hoạt động Đoàn tại đơn vị mình.

- Có các chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần như: tăng lương, khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất, thăng chức cho cán bộ Đoàn trong doanh nghiệp khi hoạt động động Đoàn đạt hiệu quả, kéo theo kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao.

- Có chính sách giúp đỡ cán bộ đoàn trong doanh nghiệp trưởng thành về chính trị, những cán bộ đoàn ưu tú sẽ được quan tâm, tạo điều kiện để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp, đây là cơ sở để bố trí, đề bạt cán bộ vào các vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ tham mưu liên quan đến công tác lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Để Thành ủy Cần Thơ có những chỉ đạo cụ thể các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác phát triển tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, việc củng cố xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ tham mưu liên quan đến công tác lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Đoàn là rất cần thiết, giữ vai trò định hướng và cụ thể hóa từng lĩnh vực hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong các DNNNN. Đối với thành phố Cần Thơ, cần tập trung nâng chất lượng cán bộ phụ trách của Đảng ủy khối Doanh nghiệp, là đơn vị trực tiếp tham mưu cho Thành ủy về công tác phát triển tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp, trong đó có DNNNN.

Cán bộ tham mưu cho Đảng về công tác phát triển tổ chức Đoàn trong các DNNNN phải là người hiểu rõ hoạt động Đoàn thanh niên, hiểu rõ hoạt động các DNNNN, để làm cơ sở tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động Đoàn thanh niên trong các DNNNN.

Ba là, nhóm giải pháp về củng cố, nâng chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các DNNNN ở thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay

Thứ nhất, củng cố tổ chức Đoàn ủy khối Doanh nghiệp và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các DNNNN

Đối với thành phố Cần Thơ, cấp bộ Đoàn trực tiếp theo dõi, phụ trách hoạt động Đoàn ở các doanh nghiệp là Đoàn ủy khối Doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2009, Đoàn ủy khối Doanh nghiệp Cần Thơ hiện có 73 cơ sở đoàn trực thuộc, trong đó 44 cơ sở đoàn trong các DNNNN.

Đoàn ủy khối Doanh nghiệp hiện được phân bổ 03 biên chế là cán bộ Đoàn chuyên trách: 01 bí thư, 01 phó bí thư, 01 ủy viên thường vụ. Để hoạt động Đoàn trong các DNNNN ở thành phố Cần Thơ phù hợp với tình hình hiện nay, đối với giải pháp này ta cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:

Thành Đoàn Cần Thơ tiếp tục tham mưu Thành ủy Cần Thơ xem xét tăng thêm từ hai đến ba biên chế cho tổ chức Đoàn ủy khối Doanh nghiệp Cần Thơ, nâng tổng số biên chế của Đoàn ủy khối Doanh nghiệp từ năm đến sáu biên chế. Đây là giải pháp cơ bản để đảm bảo hoạt động của Đoàn ủy khối Doanh nghiệp được bao quát và chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm đến các cơ sở Đoàn trực thuộc ở các doanh nghiệp trong đó có DNNNN.

Xây dựng đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân, việc thành lập này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của các bạn lao động trẻ như: tư vấn, dạy nghề và giới thiệu việc làm; hỗ trợ trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động; hỗ trợ thông tin văn hóa – xã hội cho thanh niên là người lao động; tổ chức các hoạt động tình nguyện, hoạt động giúp đỡ các bạn lao động trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn, v.v…

Hoàn chỉnh đề án quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn từ cấp thành phố đến cấp cơ sở, nhất là trong các DNNNN. Đối với Ban Chấp hành 44 tổ chức Đoàn ở các DNNNN, tiếp tục chỉ đạo Đoàn ủy khối Doanh Nghiệp củng cố, không để khuyết các chức danh chủ chốt, đồng thời bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ đoàn để bổ sung khi cần thiết.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn trong các DNNNN

Đội ngũ cán bộ Đoàn trong các DNNNN là nhân tố quyết định trong việc củng cố và nâng chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn ở các doanh nghiệp, đây là lực lượng nồng cốt gắn kết giữa tổ chức Đoàn với người lao động là đối tượng thanh niên ở các doanh nghiệp. Do vậy việc xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn có khả năng lao động tốt, nhiệt tình với công tác thanh niên và có khả năng tổ chức các hoạt động Đoàn là yêu cầu mang tính chất then chốt, cụ thể bằng các giải pháp sau:

* Giải pháp thứ nhất:

   - Thành đoàn Cần Thơ và Đoàn ủy khối Doanh nghiệp tuyển chọn cán bộ Đoàn theo hướng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động ở các DNNNN như: giao tiếp ngoại ngữ tốt, có nghề nghiệp chuyên môn, kèm theo khả năng và điều kiện sẵn sàng làm công tác thanh niên trong các DNNNN.

- Tuyển chọn lực lượng cán bộ đoàn nồng cốt trong các DNNNN phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau: một là, có khả năng lao động tốt ở các DNNNN; hai là, nhiệt tình với công tác thanh niên và sẵn sàng làm công tác này trong các DNNNN; ba là, có khả năng tổ chức hoạt động và vận động thanh niên tham gia các hoạt động do Đoàn cấp trên phát động.

- Tổ chức Đoàn các cấp có trách nhiệm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, kỹ năng thanh vận, ngoại ngữ, tin học…cho lực lượng nồng cốt; hỗ trợ và giúp đỡ kịp những khó khăn nảy sinh như: kinh phí, nội dung hoạt động, công tác tổ chức và sẵn sàng bảo vệ quyền lợi khi tổ chức Đoàn ở các DNNNN gặp vướng mắc.

- Trách nhiệm của cán bộ Đoàn trong các DNNNN phải tạo được vị thế của mình tại doanh nghiệp như: phải có tay nghề, nghiệp vụ giỏi, có uy tín với tập thể thanh niên trong doanh nghiệp. Đồng thời phải thường xuyên trao đổi thông tin 02 chiều với Đoàn cấp trên để thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp thanh niên tại doanh nghiệp mình công tác.

* Giải pháp thứ hai:

- Đối với những DNNNN có quy mô lớn theo hình thức công ty mẹ - công ty con, trong đó công ty mẹ đã có tổ chức Đoàn, thì tổ chức Đoàn cấp trên (Đoàn cơ sở) có trách nhiệm giới thiệu cán bộ Đoàn có năng lực đang làm việc ở công ty con với chủ doanh nghiệp để bố trí. Đoàn cơ sở lúc này có trách nhiệm thành lập các cơ sở Đoàn trực thuộc và giúp cho cơ sở Đoàn tổ chức hoạt động.

- Đối với những DNNNN chưa có tổ chức Đoàn, thì Đoàn ủy khối Doanh nghiệp và quận (huyện) đoàn nơi doanh nghiệp đó tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh phải rà soát và nắm bắt nhu cầu của thanh niên tại doanh nghiệp, sau đó tiếp cận và trao đổi với chủ doanh nghiệp về những thanh niên lao động trẻ trong doanh nghiệp có uy tín để tạo nguồn cán bộ Đoàn và thành lập tổ chức.

* Giải pháp thứ ba:

- Đoàn ủy khối Doanh nghiệp phối hợp với những nơi đã có cấp ủy Đảng và tổ chức Công đoàn trong các DNNNN xác định nhân tố tích cực để bồi dưỡng lực lượng nồng cốt cho tổ chức Đoàn. Trong quá trình xác định và bồi dưỡng lực lượng nồng cốt cần chú ý đến lực lượng thanh niên có trình độ văn hóa, có tay nghề và có uy tín trong thanh niên.

Tùy theo tình hình, điều kiện và nhu cầu thực tế của từng DNNNN mà Đoàn các cấp có cách thức triển khai phu hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn trong các DNNNN theo các giải pháp đã gởi ý hoặc cũng có thể áp dụng cùng lúc cả ba giải pháp.

Thứ ba, tạo môi trường văn hóa – xã hội cho người lao động trong các DNNNN được rèn luyện, học tập, sinh hoạt, vui chơi – giải trí và bảo đảm đời sống gia đình

Hoạt động Đoàn trong các DNNNN muốn được sự ủng hộ của chủ doanh nghiệp, đồng thời muốn thu hút thanh niên trong doanh nghiệp tự nguyện tham gia tổ chức cần quan tâm nhiều đến các hình thức tổ chức hoạt động thiết thực trong doanh nghiệp, cụ thể như:

- Tổ chức trao đổi về tay nghề, nghiệp vụ chuyên môn.

- Tổ chức các hội thi tay nghề, hội thi Người thợ giỏi.

- Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, dã ngoại về nguồn.

- Tổ chức các hoạt động tương thân, tương trợ, công tác xã hội.

- Tham gia bảo vệ quyền lợi của người lao động trẻ, khi quyền lợi đó bị vi phạm hoặc chưa được thực hiện đúng luật.

Để các hình thức tổ chức hoạt động trên đạt kết quả, tổ chức Đoàn trong các DNNNN cần năng động, sáng tạo và lồng ghép các nội dung vào từng hoạt động cụ thể, thông qua:

- Tổ chức các cuộc hội thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động giao lưu, các buổi sinh hoạt dã ngoại, cắm trại truyền thống, hoạt động về nguồn…

- Quan tâm tiếp cận thanh niên để động viên thăm hỏi gia đình thanh niên khi gặp ốm đau, bệnh tật, tang gia, cưới hỏi…

- Tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng tay nghề, giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa lao động trẻ ở các doanh nghiệp có cùng lĩnh vực. Chú ý động viên, khuyến khích các thanh niên có tay nghề cao tham gia vào hoạt động câu lạc bộ, nhóm thợ giỏi cho tổ chức Đoàn thành lập. Những loại hình này thường được chủ doanh nghiệp và lao động trẻ dễ chấp nhận, là cơ sở để xây dựng lực lượng nồng cốt cho tổ chức Đoàn của doanh nghiệp trong tương lai.

Thứ tư, bám sát và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và tổ chức Đoàn cấp trên

Hoạt động Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các DNNNN chỉ thật sự đạt hiệu quả khi bám sát và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và tổ chức Đoàn cấp trên thông qua các nội dung cụ thể sau:

- Định kỳ hàng quý, tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và công đoàn tại doanh nghiệp tổ chức tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến của lao động trẻ, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của thanh niên đang lao động tại doanh nghiệp.

- Kịp thời có kiến nghị với tổ chức Đảng các cấp và Đoàn cấp trên về cơ chế, chính sách động viên cả về vật chất và tinh thần cho cán bộ Đoàn tại các DNNNN; chọn và bồi dưỡng những cán bộ Đoàn ưu tú để đưa vào diện quy hoạch cán bộ của Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ Đoàn xuất sắc xuất thân từ những lao động trẻ, nhất là những thanh niên trực tiếp sản xuất.

- Thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Đoàn trong các DNNNN do Đoàn cấp trên phát động, đồng thời cử cán bộ Đoàn tại doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn hàng năm do Đoàn cấp trên tổ chức để trang bị nghiệp vụ Đoàn cho cán bộ Đoàn, đây cũng là cách thức để cán bộ Đoàn trong các DNNNN nắm được chủ trương, định hướng hoạt động của tổ chức Đoàn cấp trên đối với hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên trong các DNNNN.

- Ngoài ra, tổ chức Đoàn trong các DNNNN cần quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, xem đây là thước đo hiệu quả của hoạt động Đoàn tại đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phân công những đoàn viên là đảng viên trẻ tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng các bạn lao động trẻ để giúp họ giác ngộ lý tưởng và tự nguyện tham gia vào tổ chức Đảng để được cống hiến và trưởng thành.

 

Chia sẻ bài viết