28/06/2017 - 21:19

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển kinh tế hợp tác ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ

(CT)- Chiều ngày 28-6, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị “Sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (thứ 2 bìa phải) tham quan các gian hàng trưng bày tại hội nghị “Sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ”.

Vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ có 1.624 HTX nông nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Trong đó, có nhiều HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có doanh thu từ 10 đến hàng trăm tỉ đồng/năm. Tính đến hết năm 2016, toàn vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ có 5 Liên hiệp HTX và trên 761 HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Quá trình chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, giúp các HTX nâng chất hoạt động, liên kết với doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Hiện ĐBSCL và Đông Nam Bộ có trên 10% số HTX nông nghiệp thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình an toàn trong sản xuất; 9% HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất,… góp phần gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên. Nhiều HTX điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ thành viên, như: HTX nông nghiệp sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An (TP Hồ Chí Minh), HTX nông nghiệp Evergrowth (tỉnh Sóc Trăng), HTX dịch nông nghiệp Tân Cường (tỉnh Đồng Tháp), HTX chăn nuôi và thuỷ sản Gò Công (tỉnh Tiền Giang)... Song quá trình chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 còn nhiều bất cập về quy định tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên không quá 20%; tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải là thành viên của HTX không quá 32% đã tạo rào cản trong việc tập trung sản xuất hàng hóa lớn ở nhiều HTX vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ; chưa có quy định cụ thể hướng dẫn các HTX có quy mô lớn chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác; các HTX thiếu sự hướng dẫn của các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX; thiếu nguồn lực đầu tư cho việc liên kết và tiêu thụ sản phẩm; chưa tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng, vốn tín dụng thúc đẩy HTX phát triển… 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, nhấn mạnh: Để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững tại vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cán bộ ở các cấp chính quyền và người dân hiểu về ý nghĩa của việc phát triển kinh tế hợp tác trong nền kinh tế thị trường. Song song đó, tích cực vào cuộc giúp các HTX tiếp cận các nguồn quỹ hỗ trợ phát triển HTX để mở rộng quy mô hoạt động; tăng cường thực hiện liên kết giữa HTX với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản; xây dựng và phát triển HTX kiểu mới nhằm phát huy thế mạnh và giá trị bản chất HTX, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên tham gia vào HTX. Các địa phương nên nghiên cứu, hỗ trợ các HTX có quy mô lớn trong lĩnh vực lúa gạo, trái cây và thủy sản chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp… để gia tăng và khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của các mặt hàng nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Tin, ảnh: M. Hoa

Chia sẻ bài viết