17/02/2008 - 22:42

Ông Nguyễn Minh Thông, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Cần Thơ

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Với những nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, thời gian qua, hoạt động của Cục Hải quan TP Cần Thơ có nhiều tiến bộ, được nhiều doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Thông, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Cần Thơ, về những trọng tâm của công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa hải quan trong thời gian tới.

* So với trước đây, thủ tục hải quan hiện nay đã có những cải tiến gì để tạo sự thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, thưa ông?

- Việc thực hiện cải cách hành chính trong thủ tục hải quan đã được Tổng cục Hải quan phát động từ năm 1996. Nhất là từ khi Hải quan Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới vào ngày 1-7-2003, ngành Hải quan đã tập trung nghiên cứu các chính sách hải quan mà các nước tiên tiến áp dụng, từ đó tham mưu và đề xuất để Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi Luật Hải quan và cải tiến các quy định hợp lý hơn theo chuẩn mực chung của Hải quan thế giới.

Cán bộ Chi cục Hải quan Tây Đô đang hướng dẫn doanh nghiệp làm tờ khai hải quan.

Cục Hải quan TP Cần Thơ là một trong 10 Cục Hải quan có số thu lớn nhất nước và quản lý địa bàn khá rộng, gồm TP Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL. Thời gian qua, lãnh đạo Cục Hải quan TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, như thành lập tổ báo cáo viên, chuyên nghiên cứu về những vấn đề thủ tục còn vướng mắc; thường xuyên tổ chức tập huấn trong nội bộ và triển khai đến các doanh nghiệp khi có văn bản mới hoặc thay đổi lớn liên quan đến pháp luật về hải quan. Để nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chỉ riêng năm 2007, Cục Hải quan TP Cần Thơ đã tổ chức và tạo điều kiện để gần 500 lượt cán bộ công chức (gấp 5 lần số biên chế chính thức của đơn vị ) tham dự các chương trình đào tạo nâng cao và bổ sung kiến thức. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp, qua đó đã kịp thời phát hiện và tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc, như việc kiến nghị bỏ mã số xuất nhập khẩu của hải quan; việc cấp thẻ ưu tiên cho các doanh nghiệp có lưu lượng hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu lớn, có tác động lớn đến phát triển kinh tế và có quá trình chấp hành tốt các quy định, Luật Hải quan... Cục Hải quan TP Cần Thơ cũng đã chủ động từng bước triển khai chứ không chờ đến lộ trình của Tổng Cục Hải quan, như áp dụng phương thức quản lý rủi ro; khai báo hải quan từ xa để tiến tới thông quan điện tử... đã giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

* Ông có thể nói rõ hơn về quy trình quản lý hải quan hiện đại theo phương pháp quản lý rủi ro?

- Đây là phương pháp quản lý hải quan chuyển từ “tiền kiểm” (kiểm tra trước và trong thông quan) sang “hậu kiểm” (kiểm tra sau thông quan) trên cơ sở đánh giá quá trình chấp hành pháp luật về hải quan của doanh nghiệp. Cơ quan hải quan đã xây dựng một hệ thống các tiêu chí quản lý rủi ro như: thông tin nhân thân doanh nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp, quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, thông tin về hàng hóa... Trên cơ sở đó, máy tính sẽ tự động phân luồng: luồng xanh – thông quan ngay (miễn kiểm tra), luồng vàng – thông quan sau khi kiểm tra chi tiết hồ sơ, giá, thuế và luồng đỏ - thông quan sau khi đã kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, năm 2007 tỷ lệ miễn kiểm tra hàng hóa xuất khẩu hơn 90% lượng tờ khai đăng ký làm thủ tục không có nghĩa là cơ quan hải quan không kiểm tra, mà lực lượng kiểm tra sau thông quan sẽ kiểm tra các tờ khai này trong thời hạn 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai.

Tính đến nay, toàn Cục Hải quan TP Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của 10 doanh nghiệp với số tiền thuế truy thu hơn 8,5 tỉ đồng. Việc kiểm tra sau thông quan đã giúp cho doanh nghiệp khắc phục được những sai sót mà chính đơn vị không nhìn thấy.

Quy trình này tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Thời gian thông quan đối với một lô hàng miễn kiểm tra hiện khoảng 10–20 phút và những lô hàng có tính chất phức tạp thì thời gian không quá 24 giờ. So với trước đây, thời gian thông quan hiện tại đã rút ngắn từ 30–60%.

* Việc áp dụng khai báo hải quan từ xa đang có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Cán bộ Cục Hải quan TP Cần Thơ đang kiểm tra tờ khai hải quan qua mạng của doanh nghiệp.

- Trong kế hoạch triển khai khai báo hải quan từ xa qua mạng của Tổng Cục Hải quan năm 2008, Cục Hải quan TP Cần Thơ nằm ngoài kế hoạch. Nhưng từ ngày 4-12-2007, Cục đã triển khai việc khai báo hải quan từ xa (khai báo qua mạng) thí điểm đối với 8 doanh nghiệp. Hiện nay, có 32 doanh nghiệp với tổng số 928 tờ khai đã được cấp số tự động từ xa qua mạng. Khai báo hải quan qua mạng có nhiều thuận lợi như: thời gian đăng ký tờ khai nhanh chóng, quản lý được các tờ khai đã khai báo qua mạng, từ chương trình khai báo từ xa doanh nghiệp có thể in tờ khai trực tiếp... Đây là bước đệm để tiến tới thông quan điện tử trong thời gian tới.

* Mặc dù vậy, thủ tục Hải quan vẫn là một trong những lĩnh vực hiện nay doanh nghiệp còn phàn nàn. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

Doanh nghiệp đang thực hiện khai báo hải quan qua mạng. Ảnh: THANH BẠCH

- Như tôi đã nói, thủ tục Hải quan không phải do ngành Hải quan ban hành, mà được quy định từ Chính phủ và các Bộ, ngành. Muốn khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, chúng tôi phải tập trung kiến nghị chứ không thể tự quyết. Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp muốn xuất khẩu thủy sản thì trước hết phải hoàn tất các thủ tục phải theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (trước đây là Bộ Thủy sản), có những kết quả này ngành Hải quan mới có thể giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Hoặc doanh nghiệp mua bán tàu biển, thì phải theo một quy định riêng của Chính phủ về vấn đề này và phải có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, mới đủ điều kiện làm thủ tục hải quan. Trong khi đó, ở một số Bộ, ngành vẫn còn tồn tại những quy định chồng chéo và chưa hợp lý, có những quy định thay đổi thường xuyên kéo theo sự thay đổi về các yêu cầu của thủ tục hải quan. Ngoài ra, còn một số vấn đề mà chúng tôi cho là chưa hợp lý, ví dụ như TP Cần Thơ có vị trí, vai trò trung tâm, khu vực trọng tâm của ĐBSCL và của cả nước, nhưng muốn nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, doanh nghiệp phải lên tận TP Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm và nhận giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng của ngành y tế. Mặc dù chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về việc thành lập cơ quan kiểm nghiệm của Bộ Y tế tại đây, hoặc Bộ Y tế ủy nhiệm cho ngành Y tế TP Cần Thơ thực hiện nhưng đến nay chưa được chấp nhận... Cũng không thể phủ nhận rằng vẫn còn một số ít cán bộ ngành Hải quan chưa thay đổi tư duy, thái độ phục vụ, năng lực trình độ của một số ít cán bộ chưa theo kịp yêu cầu, khiến doanh nghiệp phiền hà.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành Hải quan, các doanh nghiệp cũng phải thật sự hợp tác, có đội ngũ cán bộ có hiểu biết pháp luật về hải quan, đầu tư máy móc, thiết bị điện tử để ứng dụng các công nghệ tiên tiến của Hải quan. Các Bộ ngành phải “nhập cuộc”, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp hơn nữa thì mới có thể góp phần cải cách thủ tục hải quan như mong muốn.

* Trong thời gian tới, Cục Hải quan TP.Cần Thơ sẽ làm gì để đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác hải quan, thưa ông?

- Năm 2008, Cục Hải quan TP Cần Thơ tập trung tăng cường đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và vận động doanh nghiệp khai báo qua mạng. Từng bước xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000. Đồng thời, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, phát triển và hiện đại hóa ngành hải quan TP Cần Thơ giai đoạn 2008-2010, mục tiêu là khoảng 60% tờ khai xuất nhập khẩu được khai báo qua mạng.

Địa chỉ hộp thư: CLBcantho@gmail.com Cục Hải quan Cần Thơ, số 18 đường Lê Hồng Phong, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Số điện thoại 0710.841673 Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cần Thơ, Số điện thoại 0710.841087 Chi Cục Hải quan Tây Đô, số điện thoại 0710.841119 Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Long, số 177/1A đường Phạm Hùng, phường 9, thị xã Vĩnh Long, số điện thoại: 070.823360

Ngày 17-10-2007, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quy chế công tác tuyên truyền cung cấp thông tin cho người khai hải quan và người nộp thuế. Thực hiện chỉ đạo này, Cục Hải quan TP Cần Thơ đã thành lập bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin người khai hải quan, người nộp thuế ở cấp Cục, các Chi cục với các số điện thoại nóng. Bộ phận này có nhiệm vụ tuyên truyền, cung cấp thông tin, hướng dẫn, giải đáp trực tiếp hoặc qua điện thoại, Website, hoặc bằng văn bản khi người khai hải quan có yêu cầu, nhằm mục đích giúp cho người khai hải quan nắm bắt các quy định của pháp luật về hải quan, thuế; tạo điều kiện tối đa để người khai hải quan thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện thủ tục hải quan. Đây cũng có thể xem là một bước nữa để đẩy mạnh cải cách hành chính và góp phần hiện đại hóa ngành Hải quan.

* Xin cảm ơn ông!

HOÀNG THANH - ĐỖ CHÍ THIỆN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết