11/05/2009 - 20:55

Ông Dương Chí Dũng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines):

Đây là thời điểm thích hợp để Vinalines đầu tư vào TP Cần Thơ

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 366/2009/QĐ-TTg ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng TP Cần Thơ giai đoạn 2009- 2015, nhằm tập trung xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cấp quốc gia. Đây là “đòn bẩy” quan trọng để TP Cần Thơ thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vinalines- đơn vị có nhiều dự án lớn đang triển khai đầu tư trên địa bàn thành phố.

* Được biết, Vinalines đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng tại TP Cần Thơ, ông nhận định gì về cơ hội và tiềm năng khi xúc tiến đầu tư?

- TP Cần Thơ đang thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và mới đây là Quyết định 366/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng TP Cần Thơ trở thành thành phố vùng ĐBSCL cấp quốc gia. Đây là thời điểm rất tốt để các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư vào TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Hơn nữa, TP Cần Thơ là thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL mà Chính phủ rất quan tâm và tiềm năng của vùng rất lớn. Do đó, Vinalines sẽ đầu tư hạ tầng cảng biển, dịch vụ cảng biển tại TP Cần Thơ để tạo điều kiện hạ giá thành, chi phí sản xuất cho doanh nghiệp và góp phần nâng cao hạ tầng Cần Thơ và vùng ĐBSCL nhằm tăng năng lực cạnh tranh với quốc tế. TP Cần Thơ đã có Cảng hàng không, tới đây cầu Cần Thơ hoàn thành sẽ tạo nên một hệ thống vận hàng không, đường bộ, đường thủy, góp phần thu hút đầu tư cho các tỉnh trong vùng và TP Cần Thơ.

Hiện nay, Vinalines đang tập trung đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống cảng trên địa bàn TP Cần Thơ gồm: Cảng Cần Thơ và Cảng Cái Cui. Tháng 6-2009, Vinalines sẽ khởi công Cảng Cái Cui giai đoạn II. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình Cảng Cái Cui giai đoạn II rất cấp thiết, do năm 2008, lượng hàng hóa xuất khẩu qua Cảng Cần Thơ và Cảng Cái Cui đạt 9 triệu tấn; riêng 4 tháng đầu năm 2009, khối lượng hàng hóa xuất qua 2 cảng này là 4,7 triệu tấn, dự kiến cả năm nay sẽ đạt từ 12-13 triệu tấn hàng hóa.

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cái Cui. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

* Luồng Định An đã được Chính phủ cho chủ trương nạo vét, đồng thời mở luồng mới qua kênh Quan Chánh Bố để tàu có tải trọng lớn ra vào. Nhưng thời gian hoàn thành cũng là thách thức lớn cho doanh nghiệp, ở góc độ của một doanh nghiệp khai thác dịch vụ hàng hải, ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Chính phủ quyết tâm cho mở luồng mới kênh Quan Chánh Bố để đưa tàu 20.000 DWT vào sông Hậu là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để có luồng mới cần phải có thời gian và cuối năm 2009 mới khởi công dự án, thời gian hoàn thành có thể mất từ 4- 6 năm. Song hành với việc mở luồng mới thì công tác duy tu, nạo vét luồng Định An cũng được tiến hành. Tôi nghĩ rằng, hoạt động khai thác vận tải biển của doanh nghiệp không có trở ngại gì lớn, nếu gắn kết song song giữa đầu tư và khai thác đến khi hoàn thành luồng mới Quan Chánh Bố vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư.

* ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ, được xác định là một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm cả nước. Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội vùng, khối lượng hàng hóa được dự báo sẽ tăng. Thưa ông, hệ thống cảng mà Vinalines đầu tư tại TP Cần Thơ có đáp ứng nhu cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa cho cả vùng không?

- Theo tính toán của Vinalines, đến năm 2020 và sau đó, số lượng hàng hóa xuất khẩu của vùng ĐBSCL sẽ đạt từ 40-50 triệu tấn trở lên. Do đó, Cảng Cần Thơ và Cảng Cái Cui nếu hoàn thiện cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển, sắp xếp hàng hóa so với sự phát triển kinh tế của vùng. Để phát triển các cảng trên bộ đáp ứng nhu cầu này, Vinalines đang tham mưu với Bộ Giao thông- Vận tải trình Chính phủ qui hoạch thêm 1 số cảng bổ sung trong vùng. Cũng cần khẳng định rằng, Cảng Cần Thơ và Cảng Cái Cui vẫn nằm trong kế hoạch tiếp tục hoàn thiện và mở rộng.

Trước mắt, Vinalines sẽ tập trung đầu tư Cảng Cái Cui giai đoạn II để tiếp nhận tàu 20.000 DWT; dự án có qui mô 3 bến với tổng chiều dài 500m, tổng kinh phí đầu tư trên 829,7 tỉ đồng bằng nguồn vốn tự huy động của Vinalines. Thời gian thực hiện dự án 2009-2012, khi hoàn thành có thể tiếp nhận cùng lúc 1 tàu chở container 20.000 DWT, 1 tàu hàng tổng hợp tải trọng 20.000 DWT và 1 tàu tải trọng 10.000 DWT. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng kho bãi chứa hàng container, kho bãi tổng hợp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của cảng...

* Ngoài dự án đầu tư xây dựng Cảng Cái Cui giai đoạn II, Vinalines đang xin chủ trương đầu tư Kho bãi hậu cần logistics Cảng Cái Cui và Trung tâm Thông tin - thương mại hàng hải tại TP Cần Thơ. Hai dự án này sẽ góp phần tạo động lực gì trong khai thác dịch vụ hàng hải, thưa ông?

- Vinalines là doanh nghiệp lớn của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ đầu tư, khai thác kinh tế hạ tầng về cảng biển, dịch vụ hàng hải, dịch vụ cảng... trên cả nước. Song song với đầu tư Cảng Cái Cui giai đoạn II, Vinalines sẽ đầu tư xây dựng kho bãi hậu cần logistics Cảng Cái Cui và Trung tâm Thông tin- thương mại hàng hải tại TP Cần Thơ. Vinalines đã làm văn bản xin chủ trương đầu tư của TP Cần Thơ và thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ Vinalines xác định vị trí, địa điểm xây dựng dự án. Đối với dự án kho bãi hậu cần logistics Cảng Cái Cui có qui mô 53 ha, dự kiến xin đầu tư tại Khu đô thị Nam Cần Thơ (quận Cái Răng), tổng kinh phí khoảng 600 tỉ đồng từ nguồn vốn huy động của Vinalines. Khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Vinalines sẽ khởi động giai đoạn I của dự án (2009-2012) và giai đoạn II (2012-2015). Còn dự án Trung tâm Thông tin - thương mại hàng hải, Vinalines đang cùng các sở, ngành TP Cần Thơ khảo sát địa điểm.

Việc phát triển hệ thống cảng và hệ thống dịch vụ logistics kết nối với hệ thống cảng nhằm thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ, mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp trong vùng. Từ đây sẽ trung chuyển hàng hóa của vùng đến các cảng lớn để đi các tỉnh và xuất khẩu ra thế giới. Ngoài các trung tâm logistics lớn của Vinalines ở Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa- Vũng Tàu... tại ĐBSCL, chúng tôi xác định TP Cần Thơ là trung tâm, cửa ngõ vận chuyển hàng hóa của vùng, việc đầu tư Kho bãi hậu cần logistics có ý nghĩa rất quan trọng, với mục tiêu cung cấp các dịch vụ cho các cảng khu vực Cần Thơ, dịch vụ kho vận và phân phối hàng hóa cho các doanh nghiệp của khu kinh tế, khu công nghiệp vùng ĐBSCL. Trung tâm Thông tin - thương mại hàng hải tại TP Cần Thơ sẽ mang tầm vóc quốc tế kết nối các trung tâm khu vực Bắc - Trung - Nam và các cảng khu vực quốc tế nhằm hội nhập và khẳng định đầu mối điều hành các dịch vụ hàng hải tại một trung tâm lớn của ĐBSCL.

* Xin cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cái Cui. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Chia sẻ bài viết