07/04/2008 - 22:22

Dạy chữ để trẻ nghèo bớt thiệt thòi

Từ lâu, bà con ở phường 8, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long quen gọi cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga là: “Dũng sĩ diệt giặc dốt”. Trong 36 năm làm nghề giáo, cô Nga có 16 năm làm giáo viên phổ cập tiểu học, chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh được
“cắp sách đến trường”.

Vất vả đưa các em đến lớp

Năm 1992, cô Nga nhận công tác giáo viên phổ cập của Trường Tiểu học Chu Văn An ở phường 8, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Đây là phường có đông hộ nghèo, cuộc sống hầu hết của những đứa trẻ đều bám vào nghề lượm rác, nhặt ve chai, bắt ốc hái rau, thậm chí lang thang bụi đời để kiếm bữa qua ngày, chưa từng biết đến con chữ.

Cô Nga kể: “Những ngày đầu mới mở lớp không ai chịu theo học, tôi phải đạp xe đi tìm từng em nhỏ, vì phần lớn các em ở đây phải theo cha mẹ suốt ngày đi kiếm ăn. Để gặp được các em và phụ huynh, tôi phải đến nhà ban đêm. Khi đề nghị cho các em đến lớp, nhiều phụ huynh bảo kiếm miếng ăn còn chưa xong, tụi nó đi học để làm gì, biết chữ có giàu lên không, rồi ai làm thay chúng đây... Nhưng tôi ráng kiên trì, đến một lần không được thì 2, 3 lần, dần dần phụ huynh cũng xiêu lòng và chấp nhận cho con đến lớp”.

Cô Nga đang dạy kèm cho các em học sinh tại nhà. 
Ngày học đầu tiên của lớp tình thương không như các lớp học khác, không ê a đánh vần. Các em được cô Nga dạy chữ “Lễ”, cô đến từng bàn sắp xếp chỗ ngồi, cài lại cúc áo cho từng em, chải từng mái tóc bù xù. Cô chỉ bảo các em từng cử chỉ, từng lời nói, khi nói phải thưa, khi nghe phải dạ... Nhiều phụ huynh đứng ngoài theo dõi mà rơm rớm nước mắt. Thương tấm lòng cô giáo, nhiều người gởi con em mình đến trường, nhiều trẻ lang thang cũng tự tìm đến xin vào lớp. Có lần đang dạy, cô Nga thấy một cô bé cứ đứng lấp ló ngoài cửa sổ, hỏi ra mới biết em tên Minh, không cha mẹ, kiếm sống bằng nghề nhặt rác. Thế là hôm sau, cô mua cho Minh tập vở và áo quần để em đi học. Hay như Huỳnh Huy Hoàng (16 tuổi), nơi ở chỉ là một túp lều rách nát ở giữa đồng, em thích đi học lắm nhưng nào được toại nguyện. Với quyết tâm đưa Hoàng tới lớp, cô Nga đã bàn với Ủy ban nhân dân phường quyên góp làm nhà tình thương cho gia đình Hoàng, cố gắng thuyết phục ba mẹ em về việc học hành. Cuối cùng, sự nỗ lực của cô cũng được đền đáp, chính ba Hoàng dẫn em lại “giao cho cô dạy dỗ nó nên người”.

Không chỉ dạy chữ, lớp học của cô Nga còn là nơi rèn nhân cách. Anh em Hải và Như trước đây là những đứa trẻ ngỗ nghịch, tụ tập cùng đám trẻ bụi đời quậy phá, trộm cắp. Biết hoàn cảnh đáng thương của anh em Hải, cô Nga đứng ra quyên góp bà con trong phường cho các em tiền bạc, quần áo, tập vở, cất lại nhà cho các em có chỗ ra vào... Đến nay, sau hơn 3 năm theo học, Hải và Như thôi không còn phá phách, tự bảo ban nhau học tập, biết làm kinh tế bằng cách nuôi gà vịt... Lớp học của cô Nga còn có những em mang tật bẩm sinh, bị bệnh down, thiểu năng trí tuệ, thậm chí có em bị di chứng tâm thần như hai chị em Tăng Thị Thanh và Tăng Thị Ngọc Tuyền. Cô Nga đã không phụ sự tin cậy của gia đình khi đã dạy được cho hai em biết đọc, biết viết. Cả em Trần Vũ Linh bị chứng ngớ ngẩn cũng đã bập bẹ đọc và viết được.

Nỗ lực được đền đáp

Trong suốt ngần ấy năm, gần như ngày nào cô Nga cũng bận rộn với hàng núi công việc không tên của mình, cứ 7 giờ sáng đi, 9 giờ tối mới về nhà. Buổi sáng, cô làm công tác phổ cập, đi vận động, lo số liệu, hồ sơ sổ sách. Chiều từ 13 giờ - 16 giờ, cô dạy lớp tình thương kép từ lớp 1 đến lớp 5 cho các em từ 13 tuổi trở xuống, trung bình lớp này có khoảng 32 em. Từ 18 giờ 30 đến 20 giờ 30 cô dạy lớp chống mù chữ với độ tuổi từ 15 - 35. Nếu ai muốn học thêm cứ đến nhà cô, bất kỳ giờ nào cô Nga cũng nhiệt tình chỉ bảo. Đó là chưa kể việc cô luôn làm tốt các công tác được giao khi được người dân tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ phường, Tổ trưởng Tổ tự quản địa phương...

Công sức cô Nga bỏ ra trong 16 năm đã có kết quả xứng đáng, phường 8 bây giờ ai cũng biết chữ, làm tính. Em Nguyễn Thị Thanh Hường, học sinh giỏi lớp 9/4 Trường THCS Lương Thế Vinh, thị xã Vĩnh Long, xúc động nói: “Con được đi học đến giờ là nhờ công ơn rất lớn của cô Nga. Cô cho quần áo, sách vở, gạo, động viên con ráng học để có tương lai. Con hứa sẽ không phụ tấm lòng cô”. Chị của Hường cũng xuất thân từ lớp học tình thương của cô Nga. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, chị của Hường đi làm công nhân ở thị xã Vĩnh Long. Rất nhiều trường hợp khác ở phường 8 sau khi được cô Nga dạy chữ, có giấy chứng nhận tốt nghiệp tiểu học, đã được vào làm ở các công ty, xí nghiệp, có cuộc sống ổn định.

Ông Phạm Văn E, nguyên Bí thư Đảng ủy phường 8, nay công tác ở Ban Dân vận Thị ủy, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Để các em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ được đến trường là sự cố gắng rất lớn của các ban ngành trong phường, trong đó công lao hàng đầu phải kể đến cô Nga. Cô đã bám lớp, bám trường gần 16 năm qua bằng tất cả tình thương và lòng yêu nghề”.

Nằm trong đội giáo dục xung kích nên cô Nga luôn có những công tác chéo ngoài giờ, khi các phường khác thiếu giáo viên hoặc hoạt động không được mạnh, cô lại sang giúp... Hiếm hoi lắm mới có một ngày nghỉ xả hơi thì cô dành toàn bộ thời gian chăm sóc cha già, nấu cho ông một bữa cơm tươm tất hơn ngày thường, quét dọn nhà cửa. Mẹ cô vừa qua đời vì bị tai biến mạch máu não, giờ chỉ còn hai cha con quạnh hiu trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ. Tài sản quý nhất của gia đình có lẽ là những tấm bằng khen, huy hiệu, huy chương mà cô nhận được trong những năm cống hiến.

Cảm phục tấm lòng và nghị lực của cô Nga, một số nhà hảo tâm trong phường và bạn bè của cô góp tiền tài trợ học phí, sách vở. Các cô ở Hội Phụ nữ, Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em phường cũng đến các vựa cá và hộ buôn bán lớn vận động xin quần áo, đồng phục, gạo, tiền cho đám học trò nghèo của cô khi các em tốt nghiệp tiểu học, rời lớp tình thương. Tâm sự chuyện nghề, cô Nga cho biết: “Bất cứ ai cần chữ tôi đều tình nguyện dạy với mong ước xóa đi phần nào sự thiệt thòi cho người nghèo”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết