18/11/2008 - 21:57

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Dạy bằng trái tim...

Những lớp học thật đặc biệt: chỉ có một từ mà đôi khi cô và trò phải lặp lại hàng tiếng đồng hồ; chỉ một việc cài nút áo hay chải đầu mà cô giáo phải hướng dẫn cho học sinh suốt mấy tháng trời... Chỉ có sự kiên trì và lòng yêu thương, giáo viên mới có thể dạy cho học sinh khiếm thính “nói” được, dạy cho học sinh khiếm thị biết “viết”, dạy cho học sinh thiểu năng trí tuệ biết tự chăm sóc bản thân mình... Giáo viên đã dạy học sinh bằng trái tim của mình bởi những điều đi từ trái tim mới đến được trái tim.

Lớp 3 khiếm thị của Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ chỉ có 3 học sinh: Nguyễn Thành Lực, 23 tuổi; Nguyễn Quang Dẫn, 21 tuổi; Huỳnh Hữu Tín, 14 tuổi. Cả 3 đang mày mò trên bảng chữ nổi với đề bài tập làm văn cô giáo vừa ra: Viết thư cho một người thân ở xa của em. Những ngón tay lần trên từng hàng chữ nổi, Nguyễn Thành Lực tự tin đọc to bài văn của mình. Bài văn chỉ vỏn vẹn 3 câu: “Kính gởi cô... Hôm nay, cô có khỏe không? Con vẫn khỏe”. Trong 3 học sinh, chỉ có Lực là làm đúng yêu cầu đề bài, còn Dẫn và Tín lạc đề nên phải làm lại. Cả hai tiếp tục cặm cụi, mày mò trên bảng chữ nổi. Nhìn các học sinh của mình, cô Bùi Thị Tuyết Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp, bộc bạch: “Hơn 2 tiết học, các em viết được 3 câu trên chữ nổi. Kết quả đó cũng đã tiến bộ lắm rồi. Dạy các lớp khuyết tật phải thật sự kiên trì”.

Hai chữ “kiên trì” được cô Lan nói đến với vẻ trìu mến, dịu dàng. Và có lẽ chính sự kiên trì đã gắn bó cô với Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ hơn 17 năm qua. Tốt nghiệp trường sư phạm năm 1986, cô Lan về dạy THCS ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1991, cô chuyển về công tác tại Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ. Cô kể: “Khi mới về trường giảng dạy, tôi rất bối rối vì không hiểu học sinh, nội dung chương trình cũng khác hẳn so với phổ thông. Thế nhưng, càng tiếp xúc với các em, tôi càng cảm thông và gắn bó hơn. Từ đó, tôi cố gắng tập viết chữ nổi, tập khẩu hình miệng, giao tiếp bằng tay... Đến giờ, tôi có thể dạy cả lớp khiếm thính lẫn lớp khiếm thị”. Với cô Lan, những hành động biểu lộ cảm xúc, những lời nói đầy yêu thương của học sinh là nguồn động viên vô cùng quí báu. Có hôm vào lớp, các học sinh khiếm thính ra dấu dặn dò cô cố gắng ăn nhiều hơn bởi cô ốm quá. Còn học sinh khiếm thính biết cô bị cảm là nhắc cô nhớ mua thuốc uống.

Cô Bùi Thị Tuyết Lan, giáo viên Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, đang hướng dẫn trẻ làm bài văn chữ trên chữ nổi. 

Cô Lê Hoàng Ngọc Khánh, giáo viên Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, hướng dẫn học sinh làm toán. 

Trái ngược với không khí khá trầm lắng của lớp 3 khiếm thị, lớp 4.2 khiếm thính của cô Lê Hoàng Ngọc Khánh rất ồn ào khi cô hướng dẫn học sinh đọc tên một số loại cây. Từ “cây cối” được các học sinh đọc đi đọc lại nhiều lần. Mỗi lần, cô Khánh đều chăm chú nghe, chỉnh sửa khẩu hình miệng, cách phát âm... Khi cô Khánh hỏi về các loại cây, học sinh lại tranh nhau kể, nào là cây tre, cây bàng, cây phượng, cây sồi... Khi một học sinh thắc mắc: “Cây sồi có phải là trái xoài để ăn?”, cô Khánh lại ngừng đọc để giảng giải. Cô Khánh cho biết: “Không thể yêu cầu học sinh khiếm thính phát ra âm tiết hoàn chỉnh; các em chỉ đọc ở mức độ tượng trưng, giáo viên phải quen tai mới nghe được”. Là cô giáo trẻ nhưng Ngọc Khánh rất kiên trì với học sinh. Có những từ cô yêu cầu học sinh phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đến khi nào được mới thôi.

Chủ động chọn ngành Tật học khi thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương, Lê Hoàng Ngọc Khánh hiểu rõ những khó khăn trên con đường của mình. Cô Khánh kể: “Gần gũi học sinh mới thấy các em phải chịu nhiều bất hạnh, cần được sẻ chia. Tôi chỉ mong góp phần giảm sự thiệt thòi cho các em, giúp các em hòa nhập cộng đồng”. Tìm tòi, khám phá những cái mới, cô Khánh tổ chức học nhóm, tổ chức dạy trực quan sinh động để giúp học sinh có được vốn từ phong phú, có thể giao tiếp với mọi người. Cô Nguyễn Thị Thái, Quyền Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, nhận xét: “Cô Khánh có phương pháp dạy học rất sinh động, thu hút học sinh. Cô thường xuyên rèn luyện cho học sinh làm việc nhóm, tổ chức phát triển từ cho các em... Đây là một giáo viên trẻ, tâm huyết”.

*

* *

So với giáo viên Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ, công việc của những giáo viên Trường Tương Lai vất vả không kém. Học sinh của Trường Tương Lai là những em bị thiểu năng trí tuệ, bị bệnh Down, rối loạn hành vi... Dạy được cho các em một thao tác, một cử chỉ là cả sự kỳ công. Cô Huỳnh Thị Hằng Em, Phó Hiệu trưởng Trường Tương Lai, cho biết: “Với những học sinh mới, và bệnh nặng, giáo viên phải dạy cho các em từng động tác đơn giản nhất, như: tự đi tiểu, chải tóc, cài nút áo... Đôi khi chỉ là một động tác đơn giản đó mà phải mất mấy tháng các em mới làm được”. Trường Tương Lai hiện có hơn 120 học sinh. Các giáo viên của trường tập trung dạy học sinh những kỹ năng tự phục vụ, chăm sóc bản thân để khi ra trường các em không là gánh nặng cho gia đình và có thể phụ giúp phần nào việc nhà. Cô Trần Thị Phương Ánh, Hiệu trưởng Trường Tương Lai, tâm sự: “Phải rất tâm huyết và yêu thương các em, giáo viên mới có thể trụ lại ở ngôi trường đặc biệt này”.

Dù vất vả nhưng chưa có giáo viên nào của trường bỏ nghề. Cô Nguyễn Thị Mỹ Hoa, giáo viên dạy lớp sơ học 2 trung bình, kể: “Mỗi khi thấy mình từ xa, các em đã tranh nhau chạy đến xách cặp. Do cản ngại ngôn ngữ nên tình cảm của các em đối với cô giáo thường được biểu lộ qua ánh mắt, qua những cái nắm tay thật chặt... Những hành động nhỏ đó là động lực cho chúng tôi trong những lúc khó khăn, vất vả”. Phần thưởng lớn nhất đối với cô Hoa cũng như nhiều giáo viên khác chính là sự tiến bộ của học sinh, dù chỉ là những việc hết sức bình thường như tự tay nhặt rác trong sân trường bỏ vào thùng hay tự cài được nút áo...

Cô Lương Thị Thu Thủy, giáo viên Trường Tương Lai Cần Thơ, đang dạy các em học sinh thêu. 

Ngoài nội dung chủ yếu là dạy học sinh kỹ năng học đường, kỹ năng tự phục vụ, chăm sóc bản thân..., Trường Tương lai còn dạy cho học sinh dạng nhẹ học thêm nghề, như: thêu, may, trồng trọt, phụ giúp việc nhà, tiểu thủ công... Hiện nay, lớp học nghề khá nhất là lớp may, thêu. Cô Lương Thị Thu Thủy, giáo viên dạy nghề thêu, may, cho biết: “Một số học sinh không thể nghe được nên việc dạy nghề cho các em không đơn giản. Với những người khác, xỏ kim hay thêu một mũi thẳng dễ như trở bàn tay. Còn với các em, phải tập hàng tháng trời mới được. Nhìn các em cố gắng, mình thấy thương lắm!”. Nghe cô giáo nhắc đến việc học của mình, Nguyễn Trung Nguyên, học sinh khá nhất trong lớp, mang đến khoe những đồ nhắc nồi, tạp dề... Thấy vậy, Phương Diễm, một học sinh cùng lớp, cũng mang đến khoe những chiếc khăn thêu do tự tay mình làm nên. Tuy còn vụng về trong từng đường kim, mũi chỉ nhưng những sản phẩm của Nguyên, của Diễm thấm đượm mồ hôi từ sự nỗ lực của học sinh và cả tình yêu thương, chăm chút của các giáo viên.

*

* *

Sẽ rất nhiều người ngạc nhiên nếu biết rằng các giáo viên ở Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ, Trường Tương Lai, không được hưởng một chế độ đặc biệt nào ngoài lương cộng thêm phụ cấp ưu đãi đối với trường đặc biệt (70% lương). Thế nhưng, nhiều người đã gắn bó với trường lớp, với những học sinh khiếm khuyết của mình hàng chục năm trời để làm cầu nối đưa các em đến với cộng đồng. Cao quí thay tấm lòng của những người chọn về mình phần việc vất vả, khó khăn để mang lại tiếng nói, nụ cười và cả niềm tin, hy vọng cho những số phận không may.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết