01/01/2008 - 22:14

Thị trường chứng khoán năm 2008

Đầu tư ngắn hạn không còn phù hợp?

Trái ngược với nhiều thông tin dự đoán ban đầu về thị trường chứng khoán trong nước sẽ tăng trưởng mạnh ở những tháng cuối năm 2007, liên tiếp nhiều phiên giao dịch trong tháng 12-2007, chỉ số HaSTC-Index, VN-Index tại 2 sàn giao dịch Hà Nội và TPHCM liên tục biến động thất thường và giao dịch ở mức thấp. Thời điểm này, khá nhiều cổ phiếu mới đã niêm yết trên sàn với kỳ vọng đạt được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thế nhưng các cổ phiếu này cũng đang bị tác động bởi vòng xoáy giảm giá và sự trầm lắng của thị trường.

ĐIỀU CHỈNH SÂU

Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán cuối cùng của năm 2007, chỉ số HaSTC-Index tại sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội đã bất ngờ đảo chiều tăng 5,59 điểm lên 323,55 điểm sau 4 phiên liên tiếp đi xuống với tổng cộng mất 16,03 điểm. Thị trường ghi nhận 41 mã chứng khoán tăng giá, 59 mã giảm giá và 11 mã giữ giá tham chiếu. Tổng khối lượng và giá trị giao dịch phiên này cũng đã được cải thiện đáng kể so với phiên trước đó đạt gần 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt 245,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn rất nhiều so với những phiên giao dịch đầu tháng 12.

Tại sàn giao dịch chứng khoán TPHCM, thị trường có bước tiến triển tốt khi chỉ số VN-Index đảo chiều tăng 5,27 điểm (tương đương tăng 0,57%) lên 927,02 điểm. Trong tổng số 138 mã chứng khoán niêm yết có 50 mã tăng giá, 41 mã đứng giá và 47 mã giảm giá. Biên độ tăng giá của các mã có giá bán tăng nhiều nhất trên thị trường trong phiên giao dịch này dao động ở mức thấp, từ 500-3.000 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ đạt khoảng 5.632.910 đơn vị cổ phiếu tương đương giá trị giao dịch đạt trên 518,5 tỉ đồng.

Nhà đầu tư tra cứu thông tin chứng khoán tại Đại lý nhận lệnh chứng khoán An Bình (ABS). 

Trong phiên giao dịch này, các mã chứng khoán của các công ty cổ phần khu vực ĐBSCL niêm yết tại HOSE có 5 mã tăng giá, 2 mã đứng giá và 5 mã giảm giá. Đại lý nhận lệnh chứng khoán An Bình (ABS) cho biết, trong các phiên giao dịch, các mã chứng khoán blue-chip thuộc ngành dược phẩm và y tế như: DHG (Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang), DMC (Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco) và IMP (Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm) liên tục thu hút được sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán, nên khối lượng cổ phiếu giao dịch chuyển nhượng cũng khá lớn. Mã DHG có khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường với 5.916 cổ phiếu chuyển nhượng thành công tương ứng giá trị đạt trên 1,384 tỉ đồng. Kế tiếp là DMC 2.792 cổ phiếu, đạt giá trị trên 455 triệu đồng. Mã IMP cũng đạt 1.334 cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch trên 249 triệu đồng.

Các mã chứng khoán thuộc ngành thủy sản, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp như: AGF, LAF, TSC, HT1... cũng đang hứa hẹn tốc độ tăng trưởng mới. Mã AGF của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang đạt khối lượng giao dịch 4.891 cổ phiếu với 405,953 triệu đồng. Từ khi chính thức được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM ngày 24-9-2007 với mệnh giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu, sau hơn 2 tháng giao dịch trên thị trường, mã TSC (Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ) hiện đã tăng lên 46.300 đồng/cổ phiếu. Theo nhận định của công ty này, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2007 đạt kết quả cao (khoảng 555,072 tỉ đồng) nên đã tạo ra niềm tin đối với các nhà đầu tư và sức hấp dẫn của cổ phiếu này.

Tuy nhiên, do tác động điều chỉnh sâu của thị trường chứng khoán trong nước, thị trường ngày càng có thêm nhiều nguồn hàng mới, nên nhu cầu chuyển nhượng của các mã chứng khoán khu vực cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2007 (ngày 28-12-2007), tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ đạt khoảng 28.090 cổ phiếu (giảm 10.653 cổ phiếu) nhưng giá trị giao dịch lại tăng 38 triệu đồng lên 3,27 tỉ đồng.

ÁP LỰC MỚI

Chỉ tính riêng trong tháng 12-2007, sàn giao dịch chứng khoán TPHCM đã có thêm 10 mã chứng khoán mới niêm yết trên thị trường như: ALP, ANV, DCC, HIS, ICF, MPC, NTL, PVT, ST8, VHC. Thời gian này, sàn chứng khoán Hà Nội cũng đã xuất hiện mới 11 mã bao gồm: DCS, HCC, HEV, KBC, KMF, MIC, TJC, TST, VC3, VCS, XMC. Dự kiến từ nay đến đầu tháng 2-2008, sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ có thêm khoảng 30 mã chứng khoán mới chính thức tham gia niêm yết giao dịch trên thị trường. Vào thời điểm thị trường đang có dấu hiệu đi xuống như hiện nay, có thể sẽ tác động lớn đến các mã chứng khoán hiện hữu.

Lượng cung hàng hóa lớn và dự báo còn tiếp tục tăng đã góp phần làm giá cổ phiếu tiếp tục giảm, mặc dù đã giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng qua. Trong các phiên giao dịch tuần cuối cùng của tháng 12, khá nhiều nhà đầu tư đã bán ra, tạm rút khỏi thị trường để chuẩn bị cho dịp nghỉ Tết Dương lịch khiến cho tình hình giao dịch trở nên buồn tẻ. Ngoài ra, giá đấu thành công cổ phiếu VCB đi ngược với sự mong đợi của nhiều nhà đầu tư, lượng cung hàng hóa ngày càng tăng mạnh và hấp dẫn hơn các mã chứng khoán hiện hữu có thể làm loãng giá cổ phiếu trên sàn. VCB là một trong những ngân hàng thương mại quốc doanh có tổng vốn điều lệ lớn. Tuy nhiên, các báo cáo hoạt động kinh doanh của VCB cho thấy, mức lợi nhuận năm 2007 không hấp dẫn so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác là một trong những nguyên nhân tác động đến kết quả đấu giá vừa qua.

Nhận định của giới chuyên môn, trước tiên là sự kiện bán tháo cổ phiếu của một số nhà đầu tư trên các trang web rao vặt ngay sau khi trúng giá IPO. Thống kê trên trang web www3.sanotc.com, có khá nhiều nhà đầu tư đã vội rao bán cổ phiếu VCB với mức giá chỉ từ 106.000-118.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với giá đấu công bố ngày 26-12-2007.

Sau VCB, hàng loạt ngân hàng TMCP khác như: Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) dự kiến sẽ thực hiện IPO vào quý 2 năm 2008. Ngoài ra, sự trầm lắng của thị trường ở thời điểm cuối năm xảy ra tương tự những năm trước, nên theo dự báo của nhiều nhà đầu tư những phiên giao dịch đầu năm 2008 có thể sẽ còn yếu.

Bên cạnh đó, thông tin đánh thuế vào hoạt động kinh doanh chứng khoán và đầu tư chứng khoán đã gây nản lòng đối với các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân. Nguồn vốn vay kinh doanh chứng khoán từ các ngân hàng thương mại đã bị hạn chế từ Chỉ thị số 03 của Chính phủ, hàng loạt cổ phiếu mới sẽ và đang được tung ra thị trường, thị trường bất động sản ấm dần lên và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu, lạm phát đang đứng ở mức cao... là những nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến chứng khoán trong nước.

Theo phân tích của anh Nguyễn Văn Hùng, một nhà đầu tư cá nhân ở TP Cần Thơ đang sở hữu 500 cổ phiếu của TSC, hiện nay thị trường chứng khoán liên tục biến động nên xu hướng đầu tư ngắn hạn không còn phù hợp bởi thói quen mua rồi bán ngay tuy làm thị trường sôi động nhưng rủi ro cũng khá lớn. Đó là chưa kể từ năm 2009 nhà đầu tư sẽ phải chịu thuế thu nhập đánh vào kinh doanh chứng khoán.

Bài, ảnh: Triều Dâng

Chia sẻ bài viết