16/12/2015 - 21:46

Đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông vận tải Vùng Tây Nam bộ

Trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn nhiều hạn chế, nhưng 5 năm qua, 2010 – 2015, Chính phủ, Bộ Giao Thông Vận tải (GTVT), các bộ ngành hữu quan và các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng GTVT. Đây là nỗ lực lớn trong việc phát triển hệ thống GTVT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước.

* Đầu tư đồng bộ

GTVT vùng Tây Nam bộ hiện nay có 4 phương thức vận tải chủ yếu: đường bộ; đường thủy nội địa; đường biển và đường hàng không. Trong đó, phương thức vận tải chính là đường bộ và đường thủy nội địa. Hệ thống đường bộ có tổng chiều dài là 82.966 km; trong đó: quốc lộ (QL) và cao tốc dài 2.066km, đường tỉnh dài 4.718,8km, đường đô thị 3.332km, đường huyện 9.899 km, đường xã 27.910 km, đường thôn- xóm 26.630km, đường trục nội đồng 8.411km đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Toàn vùng có trên 13.000km đường thủy phân bổ đồng đều trên toàn vùng. Đây được nhận định là lợi thế to lớn về khai thác vận tải, mang lại hiệu quả rất tích cực trong vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các tuyến vận tải chặng ngắn. ĐBSCL có bờ biển dài trên 740km nhưng hiện chưa phát huy được lợi thế đường biển do một số cửa biển bị bồi lấp ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác vận tải. Hiện trong vùng có 2 cảng hàng không quốc tế là Cần Thơ, Phú Quốc và 2 sân bay Rạch Giá, Cà Mau đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không ngày càng cao.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ trong một chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nam bộ năm 2011. 

Hơn 5 năm trước, hệ thống GTVT vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế do xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên phức tạp, nhiều sông ngòi lớn… ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nhận định: Thành công lớn nhất của 5 năm qua, 2010 – 2015, chính là Chính phủ, các bộ ngành hữu quan tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ, vượt bậc kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL. Từ đó tạo sự nối kết, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung và quốc tế. 5 năm qua, ở vùng Tây Nam Bộ đã hoàn thành 34 dự án giao thông đường bộ với tổng vốn đầu tư khoảng 52.471 tỉ đồng để xây dựng, mở rộng nâng cấp đồng bộ 1.036km đường và 60,2km cầu. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, đây là những công trình quan trọng, cấp bách phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho vùng Tây Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó có một số dự án quan trọng, như: cầu Cần Thơ, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Rạch Miễu...; tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu, mở rộng QL1 Cần Thơ - Phụng Hiệp, nâng cấp các QL, như: QL91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên – Hà Tiên, QL53, QL54, QL57, QL60, QL61, QL63, QL80, QL91,… Song song với hoàn thành Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1), các ngành hữu quan và các địa phương vùng ĐBSCL đã tổ chức nạo vét, duy tu nhiều tuyến đường thủy nội địa, vừa đảm bảo an toàn giao thông thủy, vừa phát huy lợi thế sông nước, tăng thị phần vận tải bằng đường thủy nội địa. Các ngành hữu quan đã hoàn thành xây dựng cảng biển An Thới và một số cầu bến cảng trong khu vực, như: cảng xăng dầu Xoài Rạp, bến cảng PVFCCo, cảng Bãi Vòng… Giai đoạn 2010-2015, Bộ GTVT đã hoàn thành 4 dự án lĩnh vực hàng không với tổng mức đầu tư khoảng 5.331 tỉ đồng. Ngoài ra, Bộ đã xây dựng các chiến lược, quy hoạch, đề án với mục tiêu đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, phát triển thị trường vận tải nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ vận tải, gắn với bảo vệ môi trường.

* Tiếp tục đầu tư lớn

Theo Bộ GTVT, hiện nay, toàn vùng ĐBSCL hiện còn 24 công trình đường bộ triển khai thi công dở dang với tổng mức đầu tư khoảng 73.028 tỉ đồng từ các nguồn: ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA và xã hội hóa. Bên cạnh đó, cũng có nhiều dự án của các phương thức vận tải khác cũng đang được tiến hành thực hiện, như: Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (Dự án WB5) hợp phần đường thủy; Dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu và một số cảng, bến cảng khác trong khu vực… Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá: Dù được đầu tư lớn, đồng bộ và hiện đại, nhưng trước yêu cầu phát triển, thời gian tới, kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL cần được quan tâm và tiếp tục quyết liệt giải quyết trên cả 5 lĩnh vực: đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không và đường sắt. Theo đó, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang, giai đoạn 2016 – 2020, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL dự kiến huy động khoảng 85.419 tỉ đồng để triển khai các dự án mới.

Các dự án mới gồm: Lĩnh vực đường bộ, cần phải huy động khoảng 62.297 tỉ đồng để triển khai 33 dự án. Trong đó có 20 dự án (xây dựng cầu Đại Ngãi – hợp phần 2, mở rộng QL91 đoạn km0 – km7 TP Cần Thơ, nâng cấp QL30, QL61B, QL57…) dự kiến nguồn ngân sách nhà nước hoặc trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; 2 dự án vốn ODA (hành lang ven biển giai đoạn 2 từ Rạch Giá đi Hà Tiên bao gồm cả cửa khẩu Hà Tiên và xây dựng cầu Mỹ Thuận 2) và 11 dự án theo hình thức BOT (xây dựng cầu Châu Đốc, đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh – Long Toàn, QL62 đoạn Âu Rạch Chanh – Mộc Hóa, QL60 đoạn cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên…). Lĩnh vực đường thủy nội địa triển khai kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, PPP đối với 5 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 2.314 tỉ đồng (nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2; Cải tạo, nâng cấp luồng cửa Cổ Chiên; nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông; đầu tư nâng cấp cảng Tắc Cậu, cảng Sa Đéc) và triển khai đầu tư Dự án logistics ĐBSCL do WB tài trợ kinh phí khoảng 300 triệu USD. Lĩnh vực hàng hải triển khai kêu gọi đầu tư BOT 8 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 6.503 tỉ đồng. Lĩnh vực hàng không triển khai thay mới trạm radar thứ cấp sân bay Cà Mau, nâng cấp Cảng hàng không Phú Quốc và đầu tư xây dựng sân bay An Giang với tổng kinh phí khoảng 5.805 tỉ đồng bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Lĩnh vực đường sắt tiếp tục nghiên cứu để kêu gọi vốn đầu tư tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh – Mỹ Tho.

Để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, kiến nghị: Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các bộ ngành hữu quan xem xét trình Quốc hội phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL và cả nước. Bố trí ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho Bộ GTVT đủ để đối ứng các dự án ODA, tham gia các dự án PPP, BOT và triển khai các dự án quan trọng cấp bách trong vùng. Các Bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp chặt với Bộ GTVT xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển GTVT, đáp ứng được tiến độ yêu cầu; hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến xã hội hóa lĩnh vực GTVT để thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư; phối hợp với Bộ GTVT thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn từ xã hội đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT... UBND các địa phương có dự án do Trung ương quản lý nằm trên địa bàn đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chủ động cân đối nguồn lực địa phương xây dựng quỹ đất tái định cư, đảm bảo việc giải phóng mặt bằng cho các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Bài, ảnh: H.Triều

Chia sẻ bài viết