14/02/2012 - 10:16

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đầu tư du lịch nghỉ dưỡng còn bỏ ngỏ

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái phong phú, có cả sông biển, núi rừng. Từ lâu, ĐBSCL đã nổi tiếng là sông nước miệt vườn hữu tình, nơi nghỉ dưỡng rất lý tưởng. Thế nhưng đến nay du lịch nghỉ dưỡng nơi đây vẫn còn bỏ ngỏ...

Sông nước hữu tình

Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc, nơi nghỉ dưỡng lý tưởng nhưng ĐBSCL còn hiếm những nơi như thế này. (Ảnh do Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc cung cấp). 

Với tổng chiều dài trên 20.000 km, hệ thống sông rạch ĐBSCL như những dải lụa đan xen giữa thảm xanh bạt ngàn của vườn cây trái bốn mùa trĩu quả, những cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng cánh cò bay. Ở miền này, đi đến đâu cũng gặp sông nước như mọi người thường nói “Rạch bên hông-sông cửa trước-nước cửa sau”. Sông nước chạy cặp theo lộ xe, sông in bóng lộng lẫy cầu dây văng, sông luồn qua phố thị, sông quấn quýt xóm thôn, ôm ấp cồn bãi... tạo thành một châu thổ Mekong hữu tình ít nơi nào sánh được. Sông nước ĐBSCL là nơi hội tụ của các chợ nổi có tiếng như: chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), Cái Răng và Phong Điền (TP Cần Thơ), Long Xuyên (tỉnh An Giang), Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Đó là những chợ nổi nhộn nhịp từ bao đời nay mà du khách phương xa nhất là du khách nước ngoài khi đến ĐBSCL đều muốn “đi coi”.

Không chỉ có chợ nổi được nhiều du khách chú ý, ĐBSCL còn có nhiều danh lam thắng cảnh và địa danh nổi tiếng để du khách đến tham quan như chùa Vĩnh Tràng, cù lao Thới Sơn và Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang), sân chim Ba Tri, cồn Phụng (Bến Tre), cù lao Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), biển Hà Tiên, động Mo So (Kiên Giang), chùa Đất Sét (Sóc Trăng), Vía bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), Tràm chim Tam Nông (Đồng Tháp), rừng U Minh (Cà Mau), vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp)...

Mặc dù có nhiều điểm đến như vậy nhưng theo các chuyên gia du lịch thì lâu nay ĐBSCL chỉ thuần khai thác loại hình du lịch “đi coi”, với điểm đến phổ biến là kênh rạch, nhà vườn và chợ nổi nên giữa các địa phương có sự trùng lắp lớn. Cứ nói đến sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL là người ta biết ngay đó là du lịch sông nước, miệt vườn. Chỉ cần đi du lịch một tỉnh là có thể biết sản phẩm du lịch của cả một vùng. Du khách dù có thích kênh rạch và nhà vườn bao nhiêu đi chăng nữa nhưng đi cả ngày chỉ từ vườn cam sang vườn quít, từ vườn sầu riêng đến vườn chôm chôm, từ kênh rạch lớn vào kênh rạch nhỏ thì sẽ dễ nhàm chán. Vì vậy, mỗi chương trình du lịch 1-2 ngày, không kéo dài thời gian lưu trú của khách. Đây chính là nguyên nhân trong nhiều năm qua ĐBSCL chỉ thu hút được một lượng du khách khiêm tốn với thời gian lưu lại rất ít khi dài hơn 3 ngày. Khai thác “đi coi” mới chỉ là bề nổi giá trị của vùng này và chưa đánh đúng được tâm lý của những du khách muốn “đắm mình cùng dòng sông huyền thoại”...

Nhưng thiếu du lịch nghỉ dưỡng

Theo số liệu của Vụ Thị trường Du lịch-Tổng Cục Du lịch, ĐBSCL hiện có khoảng 900 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 17.000 buồng/phòng, có khả năng đón tối đa 6,2 triệu khách trong 365 ngày. Nhưng qui mô rất nhỏ, bình quân 20 phòng/cơ sở lưu trú, chưa có cơ sở lưu trú 5 sao, chỉ có 19 cơ sở lưu trú 3-4 sao (1.248 phòng) và còn đến 656 cơ sở lưu trú với 11.334 phòng chưa được xếp hạng.

Hiện nay, nơi có cơ sở lưu trú du lịch tốt nhất ĐBSCL là TP Cần Thơ. Tuy nhiên, nơi đây chỉ có 3 cơ sở lưu trú xếp 4 sao. Còn các tỉnh khác, để du khách nghỉ dưỡng thì rất thiếu chỗ. Tại tỉnh Cà Mau, có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như khu du lịch mũi Cà Mau, khu du lịch biển Khai Long, hòn Đá Bạc, vườn quốc gia U Minh Hạ, vườn quốc gia mũi Cà Mau... nơi đã được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, được đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với du khách trong và ngoài nước, nhưng theo ông Dương Huỳnh Khải, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hiện nay Cà Mau có 44 khách sạn, với 1.305 phòng, trong đó chỉ có 2 khách sạn 3 sao với 152 phòng và 11 khách sạn 2 sao...

Điều đó cho thấy cơ sở lưu trú phục vụ du khách đến ĐBSCL còn thiếu, đó là chưa nói đến du lịch nghỉ dưỡng hiện đang bỏ ngỏ. Đến biển miền Trung, du khách dễ dàng tìm được các resort để nghỉ dưỡng, ngược lại tới ĐBSCL rất khó tìm nơi resort nghỉ dưỡng, ngoại trừ đảo Phú Quốc, mặc dù các khu vườn cây ăn trái hay đồng quê là nơi resort rất lý tưởng. Theo các chuyên gia du lịch thì có lẽ ĐBSCL nên mạnh dạn chuyển hướng chiến lược sản phẩm từ trọng tâm “đi coi” sang “nghỉ dưỡng”.

Nhiều năm khai thác du khách đến ĐBSCL, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ-Du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng: “Thông thường, sau nhiều năm mua tour đi tham quan phong cảnh (đi coi cho biết) khách sẽ chọn hình thức nghỉ dưỡng tốt, sẽ dễ dàng khai thác được các đối tượng khách này. Các địa phương trong vùng “văn minh miệt vườn”, hay biển đảo, là những nơi có đủ điều kiện xây dựng các khu nghỉ dưỡng ven sông, biển... Hiện nay, chúng tôi nhận thấy Nhật Bản với hơn 20 triệu khách đi nước ngoài một năm, lại rất gần Việt Nam là thị trường có tiềm năng lớn cho du lịch ĐBSCL. Vì vậy, nếu chúng ta quy hoạch một số dự án ven sông-biển, sau đó tiếp thị-mời gọi các nhà đầu tư Nhật đến xây dựng khu du lịch dành riêng cho khách của họ. Khi các khu du lịch này hoàn thành, chắc chắn các công ty Nhật sẽ đón khách đến nghỉ hè, nghỉ đông, thậm chí đưa người về hưu đến nghỉ dài hạn, thì hiệu quả khai thác thị trường này sẽ rất lớn. Khi chúng ta có nhiều khu nghỉ dưỡng và du thuyền cao cấp hoạt động sẽ giúp nâng cao giá trị điểm đến và chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch ĐBSCL, đồng thời giúp các hãng lữ hành trong vùng bán được nhiều hơn tour đi tham quan trong ngày”.

Ông Phan Đình Huê thông tin thêm là trong những năm gần đây, các công ty du lịch châu Âu khi đến ĐBSCL cũng chỉ chọn đầu tư các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, đó là các khách sạn Victoria, các du thuyền có phòng ngủ chạy trên sông Mekong nối với Campuchia như Bassac, Mekong Eyes, Le Cochichine, Le Margueret và họ đã rất thành công. Giá bán một ngày phòng trên các du thuyền này từ 150-200 USD/khách... nhưng rất khó đặt chỗ, so với tour đi tham quan vườn chỉ có 50.000 đồng/khách, là điều để chúng ta suy nghĩ.

HUỲNH BIỂN

Chia sẻ bài viết