30/09/2017 - 23:06

Đầu tư căn cơ cho đồng bằng

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 37% sản lượng trái cây, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% kim ngạch xuất khẩu tôm, 100% kim ngạch xuất khẩu cá tra và 1 tỉ USD xuất khẩu trái cây cho cả nước mỗi năm. Những con số này được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu ra tại “Hội nghị Diên Hồng”  tổ chức ngày 26 và 27-9-2017 tại TP Cần Thơ. Song, sự đầu tư của Trung ương cho vùng chưa tương xứng với những gì vùng đóng góp.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, cần đầu tư tương xứng cho vùng để ĐBSCL phát triển bền vững, đảm bảo sinh kế của người dân trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH). Cần một cơ chế đặc thù về huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho vùng, bởi trong 13 địa phương ĐBSCL hiện chỉ có TP Cần Thơ có điều tiết ngân sách về Trung ương, nhưng tỷ lệ không nhiều. Và tổng thu ngân sách của toàn vùng không đáp ứng được nhu cầu tổng chi ngân sách, trong khi nguồn tài chính Trung ương phân bổ cho ĐBSCL còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực từ xã hội, từ doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu phát triển. Một phần nguyên nhân do sự phát triển nội tại của vùng còn bất cập, chưa chủ động và thiếu liên kết; phần khác do kết cấu hạ tầng không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Về câu chuyện đầu tư phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, để thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, tỉnh đã hình thành các thiết chế xã hội mở, tập hợp những người nông dân tự nguyện thay đổi. Qua đó, khơi gợi tình thần tự quản, tự lực, hợp tác trong cộng đồng dân cư và những nông dân sản xuất, kinh doanh trong cùng ngành hàng nông sản. Trong thiết chế đó, có sự tham gia của doanh nghiệp và các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn để cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, huấn luyện các kỹ năng, dần hình thành lực lượng nông dân chuyên nghiệp. Đây là mô hình dẫn dắt và bổ trợ, hướng dẫn người nông dân tự nguyện tham gia vào các hình thức kinh tế hợp tác, mở rộng quy mô sản xuất, xóa dần cách làm và tư duy manh mún.

Câu chuyện đầu tư phát triển của Đồng Tháp được chia sẻ tại “Hội nghị Diên Hồng” để khơi gợi sự sáng tạo và hợp tác của các địa phương trong vùng về một tầm nhìn mới cho ĐBSCL trong tương lai. “Chốt” hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Cả hệ thống chính trị phải nhận thức về BĐKH để mở ra các giải pháp thích ứng. Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, lương thực ngày nay không phải là chống đói mà là lương thực dinh dưỡng và an toàn, chất lượng cao. Chính phủ sẽ có giải pháp huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các công trình cấp bách, công trình không hối tiếc. Phấn đấu đến năm 2050, ĐBSCL có trình độ phát triển khá so với cả nước. đảm bảo sinh kế cho người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo, không để ai lại phía sau.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành cần nghiên cứu phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, thu gọn đầu mối, phát triển thực chất để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho vùng. Về tài chính sẽ nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển ĐBSCL; đồng thời nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong tham gia chuỗi sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp. Từ nay đến năm 2020 phải giải ngân có hiệu quả 1 tỉ USD cho các công trình ứng phó với BĐKH của vùng. Từ nay, cứ 2 năm 1 lần, Chính phủ sẽ mở hội nghị ĐBSCL để thảo luận giải pháp phát triển bền vững vùng  như quy mô “Hội nghị Diên Hồng” lần này để kiểm tra những việc đã làm, kết quả đạt được.

Kỳ vọng rằng, với quyết tâm của các địa phương ĐBSCL, của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, một ĐBSCL sẽ được đầu tư căn cơ để phát triển bền vững.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết