20/09/2010 - 21:34

CHƯƠNG TRÌNH TĂNG CƯỜNG TIẾNG PHÁP VÀ BẰNG TIẾNG PHÁP

Đâu là nhu cầu thật ?

Giờ học môn tiếng Pháp của học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, quận Ninh Kiều.

Những năm gần đây, chương trình tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp (gọi tắt là chương trình tăng cường tiếng Pháp) đã được mở rộng ra các trường tiểu học ở quận Bình Thủy và Ô Môn, TP Cần Thơ. Đây là cơ sở để đào tạo nguồn nhân lực Pháp ngữ ở những bậc học cao hơn. Thế nhưng, thực tế cho thấy, càng lên cao, số lượng học sinh của chương trình càng “rơi rụng”. Vì sao?

Nỗ lực mở rộng chương trình

Năm học 2010-2011, Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, tuyển sinh 2 lớp cho chương trình tăng cường tiếng Pháp. Chỉ tiêu tuyển là 70 học sinh nhưng có đến khoảng 200 hồ sơ đăng ký dự thi. Bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, cho biết: “Trường có trên 300 học sinh đang theo học chương trình tăng cường tiếng Pháp, từ lớp 1 đến lớp 5. Trước đây, những học sinh này học 12 tiết tiếng Pháp mỗi tuần nhưng từ năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định giảm xuống còn 10 tiết/ tuần”. Tương tự, Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, quận Ninh Kiều, tuyển 2 lớp 1 cho chương trình tăng cường tiếng Pháp nhưng có gần 200 học sinh đăng ký dự thi.

Trước nhu cầu thực tế của phụ huynh đối với việc cho con vào học chương trình tăng cường tiếng Pháp ở bậc tiểu học, trong 2 năm học gần đây, TP Cần Thơ bắt đầu mở rộng chương trình tăng cường tiếng Pháp. Năm học 2009-2010, ngành giáo dục thành phố mở thêm 1 lớp tiếng Pháp tại Trường Tiểu học Bình Thủy, quận Bình Thủy; năm học 2010-2011, mở thêm 1 lớp tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn. Như vậy, hiện nay, TP Cần Thơ có 6 trường tiểu học ở 4 quận triển khai giảng dạy chương trình tăng cường tiếng Pháp từ lớp 1: 3 trường ở quận Ninh Kiều; quận Cái Răng, quận Bình Thủy, quận Ô Môn, mỗi quận 1 trường. Tổng số học sinh theo học chương trình tăng cường tiếng Pháp ở bậc tiểu học của toàn thành phố là hơn 1.200 em; trong đó, quận Ninh Kiều có gần 1.000 học sinh.

Nhu cầu ảo?

Những con số giữa chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng hồ sơ dự tuyển vào lớp 1 chương trình tăng cường tiếng Pháp là một minh chứng về sức hấp dẫn của chương trình. Tuy nhiên, dường như càng lên các lớp học, bậc học cao hơn, sức hút càng giảm khi số lượng học sinh của chương trình cứ giảm dần. Chẳng hạn, năm học 2010-2011, Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, chỉ có 30 học sinh học tiếng Pháp theo hệ 7 năm (học từ lớp 6 đến lớp 12) và 66 học sinh học chương trình tăng cường tiếng Pháp (học từ lớp 1 đến lớp 12). Còn tại Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, quận Bình Thủy, có chưa đến 70 học sinh ở 3 khối lớp 10, 11 và 12 theo học chương trình tăng cường tiếng Pháp... So với số lượng học sinh bắt đầu học chương trình tăng cường tiếng Pháp từ tiểu học thì quả thật đã “hao hụt” rất nhiều.

Thực tế, hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh yêu thích tiếng Pháp và cho con em học tiếng Pháp ngay từ khi bước chân vào tiểu học để chuẩn bị cho việc du học sau này. Song, bên cạnh đó, có không ít phụ huynh cho con em theo học chương trình này chỉ vì lợi ích trước mắt bởi hầu hết các trường tiểu học thực hiện chương trình tăng cường tiếng Pháp đều là những trường trọng điểm, và tất cả học sinh học chương trình tăng cường tiếng Pháp đều được học bán trú hoặc 2 buổi/ ngày. Đối với học sinh ngoài địa bàn, để có được một suất vào học bán trú tại các trường Ngô Quyền, Trần Quốc Toản, Mạc Đĩnh Chi là việc không dễ dàng. Vì vậy, chương trình tăng cường tiếng Pháp chỉ là giải pháp tạm thời. Cô Đào Thị Việt Thủy, giáo viên dạy môn tiếng Pháp, Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, cho biết: “Nhiều học sinh học chương trình tăng cường tiếng Pháp ở tiểu học cho đến khi lên THCS thì lại bỏ ngang vì ở cấp học này, các trường chưa tổ chức lớp bán trú. Mặt khác, ở THCS, chương trình tăng cường tiếng Pháp khá nặng, chương trình chính khóa lại càng nặng hơn nên học sinh bị “đuối””.

Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp sau khi đã vào được các trường trọng điểm bằng “tấm vé” của chương trình tăng cường tiếng Pháp, phụ huynh xin chuyển con em mình sang các lớp tiếng Anh hoặc các lớp bình thường khác khi có điều kiện. Để tránh tình trạng này, hầu như các trường đều yêu cầu phụ huynh cam kết khi chọn cho con học chương trình tăng cường tiếng Pháp là phải theo suốt 5 năm học. Ông Phạm Văn Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, cho biết: “Khi có trường hợp học sinh của chương trình tăng cường tiếng Pháp xin chuyển lớp, chúng tôi luôn động viên học sinh, đồng thời, trao đổi với phụ huynh để tạo điều kiện cho các em học tốt hơn”. Còn theo cô Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, với những phụ huynh xin chuyển lớp, nhà trường thường động viên học sinh trở về trường tại địa bàn học. Có lẽ vì vậy, rất ít trường hợp học sinh của chương trình tăng cường tiếng Pháp bỏ ngang chương trình tăng cường tiếng Pháp ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, khi vào bậc THCS, THPT thì tình hình lại khác và phần lớn học sinh bỏ chương trình vì học không nổi hoặc chuyển sang học ngoại ngữ khác. Thêm vào đó, từ khi Chính phủ Pháp bàn giao chương trình cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, không còn các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh nên không ít phụ huynh không muốn cho con em theo học.

***

Đã có những lớp học sinh đầu tiên của chương trình tăng cường tiếng Pháp ở TP Cần Thơ rất thành công khi tiếp tục theo học chương trình này ở bậc học cao hơn; nhiều học sinh đã và đang du học tại Pháp hoặc các nước nói tiếng Pháp. Điều đó cho thấy triển vọng của chương trình. Tuy nhiên, để chương trình tăng cường tiếng Pháp được mở rộng một cách hiệu quả, cần cân nhắc thực chất nhu cầu của phụ huynh, học sinh đối với chương trình.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết