03/06/2018 - 15:50

Đâu dễ vô can 

Thời gian gần đây, nhiều nhà sản xuất, nghệ sĩ phát hành sản phẩm nghệ thuật, giải trí trên mạng xã hội, nhất là kênh Youtube. Lợi ích của cách phát hành này là dễ tiếp cận người xem, nhanh có phản hồi và không tốn quá nhiều chi phí cho phát hành và quảng bá. Tuy nhiên, với những sản phẩm phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục… liệu nghệ sĩ, nhà sản xuất có vô can?

Một cảnh trong phim “Người phán xử tiền truyện”. Ảnh: VTV.vn

Dư luận đang tranh cãi khi VTV phát sóng online phim “Người phán xử tiền truyện” - nối tiếp bộ phim ăn khách “Người phán xử”. Điều đáng nói là “tiền truyện” này đầy những cảnh bạo lực, đâm chém, gợi dục. Thật ghê rợn những phân đoạn giang hồ thanh trừng đẫm máu cùng những câu thoại tục tĩu như kẻ “đâm cha thuốc chú”.

Mới nhất, một gameshow được phát trên kênh Youtube bị dư luận lên án vì không khác một “bộ phim cấp 3”. Đó là chương trình “Dare Pong”, được Việt hóa từ phiên bản Mỹ mang tên “Fear Pong”. Người chơi gameshow này buộc phải... liếm kem hay ăn thức ăn trên cơ thể bạn diễn, cởi quần áo bằng răng, nhảy nhót gợi dục… và còn nhiều cảnh phản cảm và lố bịch, khiến ai lỡ xem qua đều bức xúc.

Phát hành online là xu hướng chung của làng giải trí Việt nhưng dường như khâu kiểm duyệt rất lỏng lẻo. Hàng loạt những sản phẩm núp bóng nghệ thuật phát hành trên mạng xã hội vi phạm thuần phong mỹ tục, phi nghệ thuật được ra đời và hầu hết đều trót lọt, họa hoằng lắm mới bị xử lý khi chuyện đã rồi. Đáng nói, những sản phẩm nguy hại này lại được trẻ em tiếp cận dễ dàng chỉ bằng vài thao tác.

Lý giải những cảnh “nóng” và lời thoại tục tĩu trong “Người phán xử tiền truyện”, đại diện Hãng Phim truyền hình Việt Nam cho biết đây là sản phẩm phát hành online và phục vụ cộng đồng mạng nên họ đã “phá cách” trong việc thể hiện sao cho thực tế nhất, phá vỡ vỏ bọc an toàn của các phim phát sóng trên truyền hình. Cách lý giải này xem ra có vấn đề bởi chẳng lẽ phát hành online thì có thể tự tung tự tác, có thể bỏ qua những chuẩn mực? Mặt khác, nhà quản lý, đơn vị có liên quan cần sớm đưa ra phương thức quản lý, kiểm soát nội dung các sản phẩm văn hóa phát hành online một cách chính thống, để nghệ sĩ có cơ sở thực hiện.

Xã hội hiện đại, phát hành online được xem là một thị trường nghệ thuật, thì việc đăng gì trên mạng cũng phải được xem trọng ngang bằng với các kênh chính thống như truyền hình, phát thanh, báo in… Và hẳn nhiên, người đăng tải, người thực hiện (nhà sản xuất, nghệ sĩ…) cũng phải chịu trách nhiệm nội dung. 

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết