13/10/2010 - 20:42

Đặt thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho dân

TP Cần Thơ là một trong số ít địa phương được Tổ công tác đề án 30 của Chính phủ đánh giá cao về công tác rà soát, kiến nghị sửa đổi hoặc loại bỏ những thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, qua kiểm tra việc thực hiện bộ TTHC của Tổ công tác đề án 30 TP Cần Thơ cũng phát hiện nhiều yếu kém, khuyết điểm. Trong đó, có việc tùy tiện đặt thêm thủ tục trái quy định như đơn xin sửa nhà, buộc người dân phải đến khu vực, ấp xác nhận một số loại giấy tờ,... Tình trạng này không chỉ gây cản trở chiến lược cải cách hành chính của thành phố mà còn gây phiền hà cho người dân...

Thời gian qua, người dân ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ muốn sửa chữa nhà (diện sửa chữa nhỏ) đều phải đến UBND phường xin phép. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND phường, cán bộ phát mẫu đơn xin sửa chữa nhà và hướng dẫn ghi những nội dung cần thiết. Mẫu đơn này do UBND phường ban hành. Thủ tục xin phép sửa chữa nhà dù không có trong Bộ TTHC của UBND TP Cần Thơ nhưng địa phương vẫn bắt người dân thực hiện. Ông Nguyễn Văn Tuấn, ở phường Hưng Phú, cho biết: “Trước đây, UBND thành phố có chủ trương quy hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô nhưng dự án này triển khai rất chậm. Trong khi đó, nhà cửa của gia đình tôi đã hư hỏng nghiêm trọng, cần phải sửa chữa nhưng địa phương bắt phải làm thủ tục xin phép sửa chữa nhỏ rất phiền phức”. Tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, thủ tục xin sửa chữa nhà vẫn hiển nhiên tồn tại. Bà Lê Thị Hằng, ở Phước Thới nói: “Phần đất của gia đình tôi nằm trong quy hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu, nhưng đến nay dự án chưa thấy đá động gì. Còn nhà cửa của gia đình tôi xuống cấp nghiêm trọng, muốn sửa chữa cũng phải đến phường xin phép vừa tốn thời gian, vừa phiền. Là quy định của phường thì gia đình tôi phải chấp hành”.

Cán bộ công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND phường Hưng Phú, quận Cái Răng đang hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. 

Không chỉ đặt thêm thủ tục như trên mà nhiều địa phương còn buộc người dân phải đến ấp, khu vực xác nhận giấy tờ. Điển hình như ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, tư pháp,... phường đều bắt buộc người dân về khu vực xác nhận. Cụ thể, TTHC trong lĩnh vực đất đai về điều chỉnh biến động đất tăng diện tích hoặc đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu, trong phần biên bản xác nhận ranh giới mốc giới, xác nhận tình trạng hôn nhân, xác nhận quan hệ nhân thân,... Điều đáng nói là UBND phường Hưng Lợi còn tự ban hành biểu mẫu xác nhận ở khu vực. Bà N., ở phường Hưng Lợi cho biết: “Trong quá trình tôi đi làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất cho người em ruột. Do tôi chưa có giấy khai sinh nên phải đến UBND phường xin xác nhận mối quan hệ anh em ruột để làm cơ sở cho cơ quan thuế miễn thuế thu nhập cá nhân cho người em. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ ở phường hướng dẫn về khu vực xin xác nhận thì phường mới giải quyết”.

Xảy ra thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc nhiều địa phương chưa nắm rõ bộ TTHC mới, còn áp dụng một số thủ tục của bộ TTHC cũ, đùn đẩy nghĩa vụ xác minh cho người dân,... Ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND phường Hưng Phú, cho biết: “Phường Hưng Phú có diện tích đất tự nhiên khoảng 753ha, hầu hết diện tích đất này đều đã được quy hoạch với nhiều tỷ lệ khác nhau. Thực tế thời gian qua, ở địa phương đã xảy ra rất nhiều trường hợp người dân lén lút xây dựng công trình kiến trúc hoặc lợi dụng việc sửa chữa nhà để cơi nới công trình, sau đó yêu cầu bồi hoàn bất hợp pháp. Nhiều dự án, công trình kéo dài thời gian do gặp vướng mắc như trên. Để tăng cường công tác quản lý hiệu quả, cũng như làm cơ sở giải quyết khiếu nại về yêu cầu bồi thường sau này, địa phương không còn cách nào khác là buộc người dân làm thủ tục xin cấp phép sửa chữa nhà để tránh gặp rắc rối về sau”.

Trong khi đó, ông Trần Anh Quan, Phó chủ tịch UBND phường Hưng Lợi thì giải thích: “Những TTHC về xác nhận rất phức tạp, nhất là xác nhận nguồn gốc đất hay quan hệ nhân thân. Bởi lẽ có nhiều trường hợp đất có tranh chấp mới đưa ra hòa giải ở khu vực, công dân có thời gian sinh sống như vợ chồng,... thông tin cần xác minh khu vực mới nắm rõ. Vì thế địa phương mới duy trì việc yêu cầu người dân đến khu vực xác nhận”. Cũng theo ông Trần Anh Quan, sau khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và yêu cầu sửa chữa sai sót trên, địa phương ngưng việc yêu cầu người dân đến khu vực xác nhận, mà công việc này cán bộ phường trực tiếp thực hiện.

Ông Nguyễn Hữu Có, Trưởng Đoàn kiểm tra bộ TTHC, cho biết: “Qua kiểm tra Bộ TTHC theo Quyết định số 1726/QĐ-UBND ngày 29-6-2010 và Quyết định số 1730/QĐ-UBND ngày 30-6-2010 của UBND TP Cần Thơ, vẫn còn nhiều địa phương thực hiện chưa nghiêm túc. Nhiều địa phương còn thực hiện thủ tục sửa chữa nhà, mẫu đo đạc, tờ tường trình nguồn gốc đất của UBND xã, phường, thị trấn; tường trình mối quan hệ,... Mẫu chính khai sinh theo mẫu cũ còn bản sao làm theo mẫu mới; làm đơn điều chỉnh lại tên mới khi điều chỉnh địa giới hành chính; xác nhận của khu vực, ấp,... Những thủ tục này không có trong bộ TTHC của TP Cần Thơ mà do nhiều địa phương tự đặt ra bắt dân thực hiện. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nhiều địa phương chưa quan tâm, còn khoán trắng việc thực hiện cải cách hành chính cho Văn phòng UBND. Cán bộ công chức còn chủ quan, xem bộ TTHC mới ban hành giống như bộ TTHC cũ mà không nghiên cứu đối chiếu dẫn đến áp dụng những TTHC đã bãi bỏ”.

Trước thực trạng trên, ngày 15-9-2010, trong cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện rà soát thủ tục hành chính (TTHC), áp dụng bộ TTHC của thành phố. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị các địa phương chấm dứt việc đặt thêm TTHC; các cấp ủy đảng, lãnh đạo các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, xem công tác cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, cần nghiêm túc thực hiện; tiếp tục rà soát TTHC để bãi bỏ những thủ tục rườm rà, hoàn thiện bộ TTHC theo hướng gọn nhẹ, tiện lợi, hiện đại... Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến công tác cải cách hành chính, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết, TTHC; mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin,... quyết tâm thực hiện có hiệu quả chiến lược cải cách TTHC.

Qua vấn đề này, có thể thấy rằng dù có bãi bỏ, sửa đổi TTHC theo hướng tinh gọn, đơn giản đến đâu, nếu cơ quan có thẩm quyền không quan tâm thực hiện, cán bộ công chức còn chủ quan, máy móc thì công tác cải cách hành chính sẽ thiếu hiệu quả. Vấn đề cốt lõi của sự thành công trong công tác cải cách hành chính không chỉ dừng lại ở việc bãi bỏ thủ tục rườm rà, hoàn thiện hệ thống pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin,... mà đòi hỏi sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết