06/02/2014 - 21:04

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh:

Đất nước, người dân đều được hưởng lợi từ thành quả đối ngoại

 

Năm Quý Tỵ vừa qua, công tác đối ngoại của nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Môi trường hòa bình, ổn định được củng cố. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, uy tín trong cộng đồng được củng cố và tiến thêm một bước quan trọng. Nhân dịp xuân mới Giáp Ngọ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành cho báo chí cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vậy Việt Nam được lợi gì và cá nhân từng người dân được lợi gì, thưa Phó Thủ tướng?

- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Có thể nói, năm 2013 là năm có dấu ấn quan trọng về đối ngoại, quan hệ của Việt Nam với các nước, đặc biệt là một số nước quan trọng trên thế giới, đi vào chiều sâu ổn định. Một trong những dấu ấn đáng nhớ của đối ngoại năm 2013 là việc Việt Nam đã hoàn thành việc xác lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với thêm 5 nước và đối tác hợp tác toàn diện với thêm 2 nước. Như vậy trong hơn 13 năm qua, chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng đối tác chiến lược với 13 nước, (riêng năm 2013 là 5 nước) và quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước khác.

Xây dựng đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện với 5 nước thường trực HĐBA đóng vai trò quan trọng vì đây là 5 nước lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với thế giới và khu vực. Việc chúng ta xây dựng đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện với cả 5 nước này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nước có quan hệ như vậy với cả 5 nước. Việc đó trước tiên là đưa quan hệ về chính trị được nâng lên một tầm cao hơn mức bình thường, tiếp đến là quan hệ về an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư… Đối với đất nước, đối với từng người dân đều có ý nghĩa quan trọng, tạo ra môi trường hòa bình, ổn định. Đặc biệt, với những nước này, vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa đều phát triển rất mạnh mẽ.

Ví dụ, từ khi chúng ta thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga, thương mại song phương đã tăng gấp 6 lần; với Trung Quốc, trong vòng 6 năm đã tăng lên hơn 4 lần; với Anh, chỉ trong 3 năm đã tăng lên gấp gần 2 lần. Có thể nói, giao dịch thương mại của 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an với Việt Nam hiện chiếm 45%; trong tổng số đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì đầu tư từ 5 nước này chiếm 20%. Đây là những nước có trình độ kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển cao, vì vậy lượng học sinh của Việt Nam du học nước ngoài cũng tập trung chủ yếu ở 5 nước này. Trong hơn 100.000 sinh viên du học nước ngoài, có tới 60% đi học ở những nước này. Về du lịch, 5 nước đã chiếm 45% lượng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Các con số ấn tượng này đều góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp và kinh doanh của người dân, từ các góc độ khác nhau, mỗi người dân chúng ta đều được hưởng lợi từ thành quả này.

*  Sau nhiều năm, năm nay những tranh cãi, xung đột ở Biển Đông vẫn rất căng thẳng, theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh này, chúng ta phải làm gì để vừa duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng và trong khu vực, vừa bảo vệ chủ quyền của ta ở Biển Đông?

- Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh là hai nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi con dân đất Việt ta. Năm 2013, vấn đề độc lập, chủ quyền luôn được giữ vững. Chúng ta đã xây dựng đường biên giới với các nước láng giềng, với Trung Quốc đã hoàn thành toàn bộ cắm mốc biên giới và các Nghị định liên quan đến biên giới. Với Lào, chúng ta đã hoàn thành tăng dầy và tôn tạo hệ thống cột mốc biên giới và ta cũng đang gấp rút để hoàn thành toàn bộ đường biên giới với Campuchia. Như vậy, có thể nói chúng ta đã bảo đảm được chủ quyền, đóng góp và duy trì không những quan hệ hữu nghị với các nước, mà còn đảm bảo an ninh quốc gia.

Trên Biển Đông cũng vậy, chúng ta đã có nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền, trên thực tế các công dân của Việt Nam vẫn đang làm ăn, sinh sống, hoạt động kinh tế thường xuyên trên các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Chúng ta cũng kiên quyết bảo vệ, đấu tranh với các vi phạm để đảm bảo chủ quyền trên Biển. Biển Đông còn nhiều phức tạp, còn nhiều vấn đề tranh chấp, đó là thực tế giữa Việt Nam với một số nước. Quan điểm của chúng ta là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng con đường đàm phán, thương lượng, bằng các biện pháp hòa bình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển 1982. Chủ trương đó của chúng ta được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, các nước thành viên ASEAN. Hiện nay, chúng ta chủ trương tiếp tục thực hiện giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, đồng thời chủ động, tích cực cùng các bên liên quan thực hiện nghiêm túc DOC, thúc đẩy sớm xây dựng COC.

* Thưa Phó Thủ tướng, nhân quyền là một trong những quan tâm hàng đầu hiện nay. Vừa qua, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao vào Hội đồng Nhân quyền. Tuy nhiên, có một số bài viết trên mạng cho rằng Việt Nam không coi trọng nhân quyền, Phó Thủ tướng nghĩ như thế nào về quan điểm này và cho biết quyền con người ở Việt Nam đang được thực hiện như thế nào?

- Qua 30 năm đổi mới, các quyền của người dân hay quyền con người ở Việt Nam ngày càng được Nhà nước bảo đảm. Đặc biệt, bản Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tháng 11-2013 dành toàn bộ chương II với 36 điều để quy định về các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự nhất quán trong chính sách và sự đồng thuận của toàn xã hội trong sự nghiệp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Có thể nói, trong thời gian qua, ở Việt Nam quyền con người ngày càng được đảm bảo hơn. Điều đó được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và nhất là trong lĩnh vực Internet, chúng ta là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Hiện nay, người dân sử dụng Internet đã đạt trên mức bình quân của thế giới. Đó là con số ấn tượng.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam luôn được đánh giá cao về các thành tựu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chỉ số phát triển con người... Với việc hoàn thành trước thời hạn 6/8 Mục tiêu Thiên niên kỷ về Phát triển, Việt Nam được xem là hình mẫu trong lĩnh vực này. Chính những thành tựu đó đã giúp chúng ta được bầu với số phiếu cao nhất trong lịch sử bầu thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (184/193 nước). Điều đó chứng tỏ các nước đánh giá và thừa nhận những đóng góp của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người.

Ta đã có bản báo cáo năm 2009, Báo cáo định kỳ về vấn đề thực hiện quyền con người, chúng ta đã báo cáo tại Hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và trong 123 kiến nghị của các nước, chúng ta đã hầu như đáp ứng tất cả các kiến nghị đó (trên 80%) điều đó chứng tỏ quyền con người ta đã thực hiện rất tốt. Tới đây, ngày 5-2, chúng ta sẽ lần thứ 2 bảo vệ báo cáo định kỳ về quyền con người ở Việt Nam. Trong báo cáo cũng nói lên những thành tựu về lĩnh vực quyền con người mà chúng ta đã làm được. Tôi cho rằng, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có vấn đề về quyền con người. Các quốc gia luôn đặt mục tiêu làm sao để bảo vệ và thúc đẩy các quyền này ở mỗi nước. Tuy nhiên, cũng có thể nói là có các ý kiến khác nhau đối với các chính sách về quyền con người ở mỗi nước. Có những người mong muốn thúc đẩy, nói thêm những vấn đề Chính phủ chưa đảm bảo được về quyền con người hay đóng góp để thúc đẩy tốt hơn quyền con người. Cũng có những tiếng nói, vì những mục đích khác nhau, luôn tìm cách chỉ trích chính sách về vấn đề quyền con người mà không công nhận những nỗ lực của Chính phủ. Chúng ta một mặt cần hoàn thiện, đẩy mạnh, làm tốt hơn việc thực hiện quyền con người, nhưng đồng thời cũng phải cung cấp thông tin đầy đủ, rộng rãi về những việc chúng ta đã làm được và những vấn đề còn tiếp tục phải thực hiện. Giữa các quốc gia cũng vậy, có thể quốc gia này chỉ trích quốc gia khác tại các diễn đàn như ở Hội đồng Nhân quyền hay tại các diễn đàn quốc tế về vấn đề nhân quyền… có thể đó là do thiếu thông tin. Vì vậy cần tăng cường đối thoại với các nước và hiện chúng ta đang có một số cơ chế đối thoại với một số nước cũng nhằm mục đích tăng cường trao đổi thông tin.

* Vừa qua, Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã quan tâm chỉ đạo việc quản lý các đoàn đi nước ngoài, trong thời gian tới, việc này sẽ được kiểm soát như thế nào để giải quyết triệt để hiện tượng đoàn đi nước ngoài nhiều, chồng chéo, gây lãng phí ngân sách?

- Đất nước ta đã trải qua gần 30 năm đổi mới, mở cửa với chính sách “đa dạng hóa đa phương hóa quan hệ” theo phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy”. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 184/193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc, quan hệ thương mại, đầu tư với 225/250 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nhu cầu về giao lưu, hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và trao đổi đoàn hàng năm tăng nhanh và là yêu cầu tất yếu của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Trong thời gian qua, các đoàn của chúng ta ra nước ngoài về cơ bản đều đáp ứng được mục tiêu, trong đó thúc đẩy quan hệ của chúng ta với các nước trên tất cả các lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương. Nếu nhìn lại, so với năm 2012 thì năm 2013, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiết kiệm, hiệu quả, số đoàn đã giảm 30%. Đầu năm, các cơ quan, đoàn thể, địa phương phải có kế hoạch đi nước ngoài. Các kế hoạch này sẽ được tổng hợp, rà soát để tránh chồng chéo. Đoàn đi phải có đề án, tờ trình với nội dung và yêu cầu cụ thể, khi về phải có báo cáo.

Đối với các đoàn đi cấp trung ương, đặc biệt là địa phương, cần phối hợp với Bộ Ngoại giao cũng như Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để bố trí chương trình, đặt mục tiêu để nước tiếp nhận đoàn đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Đó là biện pháp tốt nhất để đoàn ra nước ngoài làm việc đạt hiệu quả.

* Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng.

Đỗ Quyên (TTXVN- thực hiện)

Chia sẻ bài viết