26/12/2017 - 10:39

Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn tại BV Đa khoa TP Cần Thơ 

Năm 2017, sau khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, các bác sĩ tim mạch BV Đa khoa TP Cần Thơ đã thực hiện can thiệp đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho 64 bệnh nhân có vấn đề rối loạn nhịp chậm. Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch cho biết, rối loạn nhịp tim thường xuất hiện ở người lớn tuổi, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Các bác sĩ thực hiện can thiệp đặt máy. Ảnh: THU SƯƠNG

Sau 2 ngày đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, ông Lê Văn H. (93 tuổi, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn) hồi phục sức khỏe tốt. Ông H. chia sẻ, mấy hôm trước, thở thôi cũng mệt, tưởng chừng sắp “đi theo ông theo bà”. Ông H. được đưa cấp cứu ở BV Đa khoa quận, sau đó chuyển lên BV Đa khoa TP Cần Thơ, các bác sĩ tư vấn đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho ông H. Chỉ nửa ngày sau khi đặt máy, ông khỏe và thở dễ dàng hơn.

Thạc sĩ- bác sĩ Lê Văn Cường, Phó Trưởng Khoa Tim mạch- lão học, BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, ê kíp các bác sĩ vừa thực hiện phẫu thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho 3 bệnh nhân cao tuổi bị rối loạn nhịp. Trường hợp thứ nhất là ông Lê Văn H., rối loạn nhịp với rung nhĩ đáp ứng thất chậm, trên nền bệnh tim thiếu máu cục bộ. Bệnh nhân thứ hai được cấy máy tạo nhịp hai buồng do bệnh nhân bị suy nút xoang, đang theo dõi ung thư. Bệnh nhân thứ 3 được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cũng bị nhịp chậm, trên nền hẹp xơ vữa mạch máu não, đã xảy ra tai biến não nên đặt máy để phòng ngừa tai biến não lần hai hoặc biến chứng nặng hơn.

Bác sĩ Lê Văn Cường cho biết thêm, kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn được triển khai từ tháng 2- 2017, do các bác sĩ của BV Chợ Rẫy chuyển giao, đến nay đã thực hiện được 64 trường hợp. Các bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn khi bị rối loạn nhịp chậm, có hội chứng suy nút xoang, bệnh nhân có nhịp xoang dưới 40 lần/ phút hoặc có những cơn ngưng xoang kéo dài. Một số bệnh nhân có triệu chứng điển hình của rối loạn nhịp chậm như chóng mặt, xây xẩm, ngất thường xuyên hoặc nặng hơn là bệnh nhân có thể ngưng tim, nhồi máu não, bắt buộc phải đặt máy tạo nhịp. Bệnh nhân có cơn nhịp chậm dễ gây xoắn đỉnh, khởi phát các cơn tim nhanh gây đột tử. Tuy nhiên, một số trường hợp lại không có dấu hiệu bệnh, chỉ tình cờ được phát hiện bởi các bác sĩ tim mạch. Nhờ hỗ trợ của máy, đảm bảo tần số tim bệnh nhân tối thiểu 60 lần/ phút, giúp cải thiện các triệu chứng bệnh nhân gặp phải, giảm các nguy cơ tim mạch như ngưng tim hay nhồi máu não.

Rối loạn nhịp thường gặp ở người trên 60 tuổi, nữ nhiều hơn nam, ở độ tuổi tương đối cao. Bệnh xảy ra theo cơ chế tim có nút phát nhịp và hệ thống dẫn truyền suy giảm chức năng, thoái hóa theo thời gian, cùng các bệnh lý mãn tính kèm theo như bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp và nhiều rối loạn khác. Trước đây, khi BV chưa triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, bệnh nhân bị rối loạn nhịp nhập viện, được đặt máy tạo nhịp tạm thời rồi chuyển lên tuyến trên. Từ khi có hệ thống trang thiết bị hiện đại từ nguồn vốn ODA do Pháp tài trợ, trong đó có hệ thống máy DSA hai bình diện, BV đào tạo ê kíp thực hiện kỹ thuật này từ BV Chợ Rẫy và được BV Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật, giúp ích rất nhiều cho người bệnh của thành phố và các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Thạc sĩ- bác sĩ Lê Văn Cường khuyến cáo, trong xu hướng các bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng, nên chú trọng các giải pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong đó, lưu ý đến 3 yếu tố về lối sống, chế độ ăn uống và dùng thuốc. Đồng thời, thường xuyên vận động, tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần, giảm cân nặng. 

Thời hạn hoạt động của máy tạo nhịp vĩnh viễn là trong vòng 10 năm. Chi phí của ca đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn một buồng khoảng 48 triệu đồng, bảo hiểm y tế thanh toán tối đa 42 triệu đồng, tùy theo mã thẻ; chi phí đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn hai buồng khoảng 86 triệu đồng, được bảo hiểm y tế thanh toán tối đa khoảng 58 triệu đồng, tùy theo mã thẻ.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết