25/01/2012 - 15:24

Đất chín rồng chuyển mình bứt phá

Bút ký THU HÀ

Mở đầu câu chuyện 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/BCT của Bộ Chính trị (ngày 20-1-2003), về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001- 2010, đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nói: “Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21 là một chủ trương đúng đắn, mang tầm chiến lược, sát với lòng dân, phù hợp với đặc điểm tình hình của vùng ĐBSCL”. 10 năm- chặng đường không dài, nhưng đất chín rồng đã có cuộc bứt phá mạnh mẽ.

Dấu ấn một chặng đường

 Hiện có 15 bến cảng trên sông Hậu và cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui nằm trong qui hoạch Nhóm cảng biển số 6 ở ĐBSCL – mở đường cho hàng hóa ĐBSCL xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cái Cui, năm 2011, hàng hóa thông qua cảng Cái Cui tăng 17% so với năm 2010 và đạt 525.000 tấn. Ảnh: CTV

ĐBSCL- miền đất “trên bến dưới thuyền”, đường sông, đường biển là mạch máu giờ đã là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước, nhưng sự phát triển của vùng vẫn chưa bền vững. Nghị quyết 21/NQ-BCT (Nghị quyết 21) là đòn bẩy đưa ĐBSCL phát triển nhanh và toàn diện hơn. Còn nhớ trong Hội nghị triển khai Nghị quyết 21 vào 2 ngày (23 và 24/4/2003) tại Cần Thơ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã yêu cầu các địa phương huy động mọi nguồn lực đưa ĐBSCL trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước. Những bức xúc của vùng được đặt lên bàn nghị sự như: hạ tầng cơ sở, hạ tầng thủy lợi yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, thu nhập của người dân thấp, giảm nghèo bất cập... được giải quyết cơ bản trong Nghị quyết 21...

 Chế biến thủy sản là mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực cùng với các ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đà xây dựng thành phố công nghiệp vào năm 2020. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam. Ảnh: CTV.

Khoảng cách về địa lý, sự trắc trở về giao thông vận tải được rút ngắn bằng những công trình giao thông trọng điểm như: cầu Rạch Miễu, Cần Thơ, Hàm Luông, tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương, đường Nam sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp, QL 91B, sân bay quốc tế Cần Thơ... Niềm tin và kỳ vọng về một ngày mai xán lạn tiếp tục khẳng định qua những công trình Cụm công nghiệp khí điện đạm Cà Mau, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải thông qua qui hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 6 tại ĐBSCL; cuối năm 2011 sẽ hợp long và thông xe kỹ thuật cầu Đầm Cùng ở vùng đất Năm Căn xa xôi, chấm dứt sứ mạng lịch sử của những chuyến phà trên QL 1A... Vùng châu thổ đang thay da đổi thịt từng ngày.

Đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ khái quát chặng đường 10 năm, ĐBSCL đã đạt thành tựu khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, đến cuối năm 2010, cơ cấu kinh tế các khu vực tương ứng là 39-26-35. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản, gạo đã trở thành mặt hàng chiến lược của vùng, mang về kim ngạch hàng tỉ USD hàng năm. Các địa phương có đường biên giới với Campuchia chú trọng khai thác lợi thế phát triển kinh tế biên mậu và các khu kinh tế cửa khẩu, hình thành siêu thị miễn thuế, các khu kinh tế cửa khẩu ở An Giang, Kiên Giang, Long An và Đồng Tháp. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội cải thiện đáng kể; đặc biệt hạ tầng giao thông và thủy lợi đã tạo nền tảng căn bản phát huy lợi thế của vùng. Riêng về giao thông đã làm mới, nâng cấp 2.500km của 10 tuyến quốc lộ, 70 tuyến tỉnh lộ. Hoàn thành 30 công trình thủy lợi, 20 công trình kiểm soát lũ vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, nhiều công trình kè chống sạt lở... gắn kết giao thông liên vùng, làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn. Cần Thơ đã là đô thị loại I, trực thuộc Trung ương, ĐBSCL thành lập mới 10 thành phố thuộc tỉnh, 4 thị xã. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, hoàn thành việc xóa lớp học 3 ca đúng tiến độ. Nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề được thành lập mới, Trường Đại học Cần Thơ trở thành trường trọng điểm quốc gia cấp vùng; các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường nội trú, tạo đà nâng chất nguồn nhân lực cho vùng. Mạng lưới y tế trong vùng được tăng cường, cơ sở vật chất bệnh viện tỉnh, huyện, trạm y tế xã được đầu tư nâng chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân...

Cuộc bứt phá

Với vị trí địa lý ở trung tâm vùng, TP Cần Thơ hiển nhiên trở thành thủ phủ miền Tây Nam bộ. Nghị quyết 21 và Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã xác định Cần Thơ là thành phố động lực vùng ĐBSCL, trung tâm công nghiệp, thương mại- dịch vụ, tài chính, giáo dục- y tế, văn hóa của vùng. 10 năm trước đến Cần Thơ, qua sông phải lụy phà, ký ức về những chuyến phà đã khép lại khi cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng tháng 4-2010. Bây giờ đứng trên cầu Cần Thơ nhìn về đô thị loại I, những ngôi nhà cao tầng và một đô thị Nam sông Cần Thơ ngày càng sầm uất mới thấy sự cường tráng của Tây Đô. Năm 2001, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 24,38% trong GDP, công nghiệp- xây dựng 30,61% thì năm 2010, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 10,61%, công nghiệp- xây dựng tăng lên 44,16%; năm 2011 chiếm 45,28% trong GDP. Giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tăng bình quân 18,71%/năm, trên 7.848 cơ sở công nghiệp, giải quyết việc làm cho 73.689 lao động; 8 khu công nghiệp tập trung, diện tích qui hoạch 2.164ha, thu hút vốn đăng ký đầu tư trên 1,7 tỉ USD. Cần Thơ hiện đứng đầu vùng, thứ 6 cả nước về qui mô hệ thống giáo dục bậc đại học, cao đẳng. Hàng năm, vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có hàng trăm ngàn thí sinh cả nước đổ về Cần Thơ dự thi. Rồi những ca bệnh khó, hiểm nghèo ở các tỉnh trong khu vực được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Trung ương... Với sứ mệnh trung tâm vùng trên vai, thành phố đã và đang chuyển mình mạnh mẽ...

Nhìn lại chặng đường 10 năm, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, lạc quan: “Giai đoạn 2001- 2003, tỉnh Cần Thơ (cũ) tập trung cho phát triển nông nghiệp. Đến đầu năm 2004, khi chia tách tỉnh Cần Thơ thành TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; nhất là từ khi có Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị (ngày 17-2-2005), xác định mục tiêu đưa Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Từ đó, thành phố tập trung phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại- dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2009, Cần Thơ trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương khẳng định sự nỗ lực vượt bậc của thành phố và đạt mục tiêu theo Nghị quyết 45”. Trong 10 năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt 104.100 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân 31,77%/năm. Năm 2011, thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư hạ tầng- cơ sở, thi công đường nối Vị Thanh- Hậu Giang (giai đoạn I), tuyến đường Mậu Thân- sân bay Trà Nóc, tuyến giao thông Bốn Tổng- Một Ngàn... để góp phần đưa Cần Thơ trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế theo Nghị quyết đề ra.

Vậy là bộ mặt của một thành phố công nghiệp dần rõ nét hơn. Còn ở “cửa ngõ” ĐBSCL- tỉnh Long An, khí thế công nghiệp hóa khá sôi động. Long An hiện dẫn đầu khu vực ĐBSCL về thu hút đầu tư và số lượng khu công nghiệp. Ngoài ra, vùng Đồng Tháp Mười của Long An còn là nơi sản xuất lúa trọng điểm của khu vực ĐBSCL. Giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 9,4%/năm, giai đoạn 2006-2010 đạt 11,8%/năm và năm 2011 là 12,2%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 23,2 triệu đồng, năm 2011 ước đạt trên 29,5 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 28,2%/năm; cửa khẩu Bình Hiệp (Mộc Hóa) được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế và Khu kinh tế cửa khẩu Long An được Chính phủ công nhận, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng giao thương với Campuchia và các nước... Đó là thông điệp tôi biết từ đồng chí Dương Quốc Xuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An, thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 21.

“Long An chọn phát triển đồng bộ 2 vùng kinh tế trọng điểm gồm: Vùng sản xuất nông nghiệp (Mộc Hóa, Tân Thạnh đóng vai trò động lực) và Vùng phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ (Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đóng vai trò động lực). Vùng đệm giữa sông Vàm Cỏ Đông- Vàm Cỏ Tây ưu tiên phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Từng vùng đều có những chính sách hỗ trợ, đầu tư hợp lý để phát triển hạ tầng kinh tế- kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh”- đồng chí Dương Quốc Xuân nói. Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư nhiều công trình trọng điểm, góp phần thay đổi diện mạo; nâng cấp thị xã Tân An lên đô thị loại III, thị trấn Mộc Hóa, Bến Lức, Hậu Nghĩa lên đô thị loại IV. Song song đó, nhiều khu dân cư, đô thị lớn hình thành, thúc đẩy quá trình đô thị hóa của Long An. Chương trình dân sinh vùng lũ 10 năm qua cơ bản hoàn thành mục tiêu, đảm bảo ổn định cuộc sống nhân dân khi có lũ.

Đó là sự phát triển của những địa phương có ưu thế, còn ở tỉnh Hậu Giang sau 8 năm chia tách với Cần Thơ, nơi đây cũng tạo ra cuộc bứt phá ngoạn mục. Đồng chí Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nói: “Là tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, hạ tầng cơ sở yếu kém, cán bộ trình độ sau đại học chỉ vài chục người, thu nhập bình quân đầu người 7-8 triệu đồng/người/năm... Nhận diện những hạn chế, khó khăn, từ đó Hậu Giang chọn nông nghiệp làm trọng tâm phát triển, huy động toàn nguồn lực xã hội chung tay xây dựng tỉnh. Hiện giờ tỉnh có trên 500 cán bộ trình độ sau đại học, thu nhập bình quân đầu người hơn 19,66 triệu đồng; giải quyết trên 25.000 căn nhà cho đồng bào, vốn trên 500 tỉ đồng. GDP lúc chia tách là 10,84%/năm, năm 2010 đạt 13,54%, năm 2011 trên 14,12%”. Hạ tầng cơ sở của Vị Thanh được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đến tháng 9-2010, thị xã Vị Thanh trở thành đô thị loại 3, trực thuộc tỉnh và Vị Thanh đang hướng đến đô thị loại II trong 5 năm tới. Hậu Giang đang nỗ lực đạt mức phát triển trung bình khá trong khu vực ĐBSCL vào năm 2015...

Trăn trở và kỳ vọng...

ĐBSCL có bước tiến dài trong 10 năm qua, song, đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ vẫn trăn trở: “Kinh tế vùng vẫn phát triển thiếu bền vững. Nông nghiệp là thế mạnh, nhưng công tác qui hoạch vùng sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái... chậm, các mặt hàng nông sản chủ lực chưa tạo được thương hiệu mạnh. Quy mô công nghiệp nhỏ, giá trị gia tăng thấp, công nghiệp công nghệ cao chậm phát triển; thu hút đầu tư chưa nhiều, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là vùng trũng so với cả nước”. Một số công trình giao thông trọng điểm được xác định trong Nghị quyết như cầu Vàm Cống, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Mỹ Tho... chưa được đầu tư đồng bộ. Số xã có bác sĩ còn thấp, mới đạt 71% (chỉ tiêu Nghị quyết 100%), tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Theo đồng chí Nguyễn Phong Quang, để ĐBSCL tiến kịp mặt bằng chung của cả nước cần có qui hoạch tổng thể vùng. Qui hoạch chi tiết trên từng lĩnh vực và dựa vào đó để phát huy lợi thế từng tiểu vùng. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế phải gắn với công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các tầng lớp dân cư. Các địa phương cần tập trung mọi nguồn lực phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cho vùng.

Năm 2011, sản lượng lúa ở ĐBSCL ước đạt 23 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2010, chiếm 55% sản lượng lúa cả nước. Ảnh: LÊ VŨ. 

Trong giai đoạn tới, tiềm năng và thế mạnh của ĐBSCL vẫn là nông nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào. Song, theo vị cán bộ chủ chốt của một địa phương, vùng ĐBSCL cần cơ chế đặc thù thu hút đầu tư, thu hẹp khoảng cách với các vùng khác, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Trong khi đó, liên kết vùng mới chỉ dừng lại ở các ký kết chương trình hợp tác, biên bản thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương ĐBSCL chứ chưa có một liên kết mang tính tổng thể toàn vùng.

Ngay ở thành phố Cần Thơ vẫn đang tìm cách giải quyết bài toán phát triển đô thị, qui hoạch vùng sản xuất, quản lý qui hoạch... Cần Thơ có sân bay quốc tế, 15 bến cảng đang hoạt động, nhưng chưa khai thác hết công suất do thiếu luồng cho tàu lớn vào sông Hậu. Phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp, nhưng Cần Thơ không nhiều sản phẩm chủ lực, dịch vụ hậu cần logictics chậm phát triển. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho rằng: “Với hạ tầng kinh tế- xã hội đầu tư chưa đồng bộ. Khi đặt trong tổng thể phát triển chung của vùng, trong thời gian ngắn thành phố chưa thể phát huy tốt vai trò là trung tâm. Vốn đầu tư phát triển của thành phố còn thấp so với các thành phố trực thuộc Trung ương. Trong khi nhu cầu vốn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm đẩy nhanh quá trình đô thị của thành phố loại I là rất lớn”. Để tiến đến thành phố công nghiệp, Cần Thơ đã thông qua qui hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ bảo quản- chế biến nông- thủy sản theo hướng công nghệ cao... Hy vọng rằng, đây là đòn bẩy để Cần Thơ thật sự là Tây đô.

Những trăn trở và kỳ vọng của các địa phương trong vùng tựu trung là cần Nghị quyết mới cho vùng ĐBSCL và đầu tư thỏa đáng kết cấu hạ tầng. Hiện nay, Hậu Giang đang tập trung xây dựng 4 chương trình gồm: đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đào tạo nhân lực, cải cách hành chính. Long An cũng gấp rút hoàn chỉnh qui hoạch các vùng kinh tế của tỉnh, hướng đến mục tiêu phát triển vững chắc. Cần Thơ thì kỳ vọng một cơ chế đặc thù riêng để mời gọi đầu tư... Kỳ vọng về một Tây Đô xứng tầm không chỉ của lãnh đạo, người dân Cần Thơ, mà các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng chờ thành phố phát huy đầy đủ vai trò đầu tàu, tạo sức lan tỏa, hỗ trợ cho vùng phát triển.

***

10 năm là cột mốc quan trọng để vùng châu thổ tiến một bước dài trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đất chín rồng đang cần một quyết sách mới để xích lại gần hơn nữa với các vùng, miền trên cả nước và vươn ra biển lớn trong tiến trình hội nhập.

Chia sẻ bài viết