07/09/2013 - 21:11

Đất Cần Thơ làm nên cốt cách người Cần Thơ

Trong chương trình thực hiện đề tài “Xây dựng người Cần Thơ: “Trí tuệ - Năng động – Nhân ái – Hào hiệp – Thanh lịch” theo Nghị quyết 45 – NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX)” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ chủ trì, mới đây, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức hội thảo khoa học (lần 1) với chủ đề “Đất và người Cần Thơ”. Các tham luận tại hội thảo đã khẳng định, không gian văn hóa, kinh tế, xã hội của vùng đất Cần Thơ đã làm nên tính cách con người Cần Thơ.

* Tiến sĩ Trần Hoàng Hảo và Thạc sĩ Dương Hoàng Lộc, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh:
Người Cần Thơ mang phẩm chất tiêu biểu của người đồng bằng

Đầu tiên, nổi bật ở người Cần Thơ là tính năng động, cởi mở. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hình thành tính cách này như: nguồn gốc lưu dân, môi trường sống, xã hội thoáng mở… Trong đó, điều kiện sống trù phú, giàu có của vùng đất này giữ vai trò chủ đạo trong việc hình thành tính cách này. Lịch sử hình thành vùng đất Cần Thơ cho thấy nơi này từ hàng trăm năm trước đã sung túc, phát triển: “Sông Cần Thơ, ở bờ Tây sông Hậu Giang, rộng 8 tầm, sâu 5 tầm, cách trấn lỵ về phía Nam 210 dặm rưỡi, ở bờ Tây làm thủ sở đạo Trấn Giang, phố chợ đông đúc, khách buôn tụ hợp…” (“Gia Định thành thông chí”). Hay ngay từ đầu thế kỷ XX, tác giả Nguyễn Liên Phong trong “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” đã ca ngợi:

“Cần Thơ xứ lắm bạc tiền
Bởi vì thổ sản điền viên cả ngàn…”

Đặc tính thứ hai là con người Cần Thơ rất hào hiệp, trượng nghĩa, khoan dung và nghĩa tình. Sách xưa ghi nhận, vùng đất Cần Thơ ngày trước còn hoang vu, khắc nghiệt, thử thách những lớp lưu dân đầu tiên. Chính từ hoàn cảnh buổi ban đầu ấy đã giúp con người Cần Thơ sống gắn bó, chia ngọt sẻ bùi theo kiểu “thương người xa xứ lạc loài đến đây”. Có thể nói, người Cần Thơ nói riêng, người đồng bằng nói chung, thể hiện tính hào hiệp, trượng nghĩa qua lòng yêu nước, dũng cảm, không khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Cần Thơ xưa là nơi hội tụ của nhiều văn nhân,  sĩ phu yêu nước cùng chung chí hướng, tính cách: Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Giác Nguyên…

Từ xưa, Cần Thơ đã là trung tâm giáo dục, khoa học của cả vùng ĐBSCL, cho thấy đặc điểm trí tuệ của người Cần Thơ. Hàng trăm người con ưu tú của Cần Thơ đóng góp cho sự nghiệp chính trị, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác của đất nước cũng là minh chứng rõ nét cho đặc điểm này.

Cần Thơ từ xa xưa còn được gọi là “Cầm Thi Giang” – vùng đất của thơ ca, nhạc họa. Điều này góp phần khẳng định con người Cần Thơ tài hoa, giàu tình cảm và khéo léo. Mảnh đất Cần Thơ có trữ lượng văn học dân gian rất phong phú, đa dạng, gắn liền với yếu tố sông nước, trong đó tiêu biểu nhất là hò Cần Thơ. Quê hương Cần Thơ còn sản sinh ra nhiều văn nhân như: Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, cô Năm Cần Thơ, Lưu Hữu Phước…

Đất Cần Thơ có quá trình phát triển khá lâu, con người nơi đây dần dà hình thành lối sống văn minh, thanh lịch, kết hợp giữa văn minh đô thị và văn minh miệt vườn. Ca dao xưa ghi nhận:

“Xứ Cần Thơ nam thanh nữ tú
Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu…”

Hay:

“Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Cần Thơ”

Có thể nói tính cách của người Cần Thơ nằm trong nội hàm chung với tính cách người đồng bằng. Tuy nhiên, với địa thế là trung tâm của miền Tây suốt hàng trăm qua, các tính cách của người Cần Thơ được xem là tiêu biểu, đại diện cho người đồng bằng.

* Nghiên cứu sinh Tăng Tấn Lộc, Trường Đại học Tây Đô:
Dấu ấn sông nước trong lời ăn tiếng nói người Cần Thơ

Điểm nổi bật của ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng là miền sông nước với hệ thống kinh rạch, sông ngòi chằng chịt, hình thành nên “văn minh sông rạch”, “văn minh miệt vườn”. Vì vậy, sông nước có vai trò rất quan trọng trong giao thông, buôn bán và đời sống văn hóa của người dân Cần Thơ. Nơi đây, dòng sông là đường giao thông huyết mạch, là nơi giao thương, lập chợ. Dân gian có câu “nhất cận thị, nhị cận giang”, dọc bờ sông Cần Thơ người dân có tập quán sinh sống trên sông, cất nhà ven sông.

Sông nước miệt vườn tạo nên những tính cách đặc trưng của người Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Xuất phát từ điều kiện đó, người dân thường dùng ghe, xuồng, tàu, đò… để làm phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa. Chợ nổi ở Cần Thơ là điển hình cho tính sáng tạo, thích nghi hoàn cảnh sống. Vô hình trung, ghe xuồng bỗng trở thành người bạn thâm tình, ăn sâu vào lời ăn tiếng nói của người dân. Chiếc xuồng câu tôm là phương tiện để chàng trai bày tỏ tình cảm của mình:

“Chiếc xuồng câu tôm mà đậu mép đìa
Nghe em có khóa mà không có chìa
Muốn vô mở khóa mà sợ lìa căn duyên”

Trong quan niệm dân gian, từ “hàng tôm”, “hàng cá” thường được dùng với thái độ khinh thường, miệt thị. Nhưng khi người buôn bán tôm cá trên ghe, dưới sông lại bỗng trở thành biểu trưng tình yêu, vật định tình hôn nhân.

“Trách ai nỡ đốn cây bần
Không cho ghe cá đậu gần ghe tôm”

Dấu ấn sông nước trong lời ăn tiếng nói của người Cần Thơ còn được thể hiện qua lối diễn đạt mộc mạc, đậm chất đồng bằng: anh em cột chèo, ăn như xáng múc, cá chốt rỉa, chìm xuồng, đâm xuồng bể, đổ lọp, quắc cần câu, râu cá chốt, tép rong tép riu…

Trong hành trình xuôi về biển cả, chỗ nào địa hình sông hội tụ, như: cửa sông, vàm sông, bến đò, bùng binh, ngã ba, ngã bảy… thì cũng chính là chỗ tụ hội của người dân. Dần dà, những nơi này thành xóm, thành làng, thành chợ. Tính cách người dân Cần Thơ cũng từ đó mà cởi mở, bộc trực và hào phóng tựa như phù sa của dòng sông, con rạch.

Tóm lại, số từ ngữ chỉ những sự vật, hiện tượng liên quan đến sông nước của người dân ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng hết sức phong phú, là nguồn đóng góp của phương ngữ vào ngôn ngữ toàn dân. Những từ ngữ này không chỉ là lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Cần Thơ, là yếu tố cấu thành địa danh mà còn phản ánh bối cảnh sáng tác của những câu hò, điệu hát dân gian.

* Thạc sĩ Vũ Thúy Kiều, Trường Đại học Võ Trường Toản:
Trang phục và cách giao tiếp tô điểm cho nét đẹp người Cần Thơ

Từ xưa, người Cần Thơ đã chọn đồ bà ba làm trang phục chính. Với người bình dân, áo bà ba thường có màu đen, nâu, được mặc với quần đen ống rộng. Với đặc điểm không quá bó sát cũng không thuềnh thoàng, người mặc trang phục có thể dễ dàng xắn ống quần khi lao động. Do đặc thù công việc của người đàn ông làm ruộng nhiều, công việc khuân vác dễ va chạm nên họ thường nhuộm đen nhiều lần để vải dày, bền và tạo nét cứng cáp, mạnh mẽ. Trong khi đó, áo bà ba của nữ giới lại mềm mại, uyển chuyển hơn. Hai vật thường gắn liền với trang phục bà ba là chiếc khăn rằn và chiếc nón lá. Còn với người khá giả, giàu có, họ thường chọn áo bà ba màu trắng hoặc màu sắc tươi tắn cùng chiếc quần ống rộng trắng.

Ngày nay, bên cạnh một số người vẫn chọn áo bà ba để làm đẹp, theo xu hướng thời trang hiện đại, những kiểu trang phục khác đã được người Cần Thơ chọn để năng động hơn trong giao tiếp và lao động. Dẫu có thay đổi nhưng nhìn chung trang phục của người Cần Thơ từ xưa đến nay vẫn rất trang nhã, thanh lịch, kín đáo và sang trọng.

Về giao tiếp, ứng xử, người dân Cần Thơ nổi tiếng hào phóng, cởi mở, bộc trực, chân tình và sống hết lòng. Họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự ràng buộc của lễ nghi phong kiến với những tôn ti trật tự trong xã hội và gia đình nên cách xưng hô của rất gần gũi, thân thiết. Người nhỏ gọi là ông nội, bà nội, cô, chú…và xưng “con”. Dù không bà con nhưng khi gặp người lớn tuổi vẫn có thể gọi “Ngoại”, “Nội” vừa tạo sự thân mật nhưng cũng thể hiện sự kính trọng. Người cùng tuổi, cùng tên, cùng quê… thì gọi nhau là “Ní”.

Trong giao tiếp, quan hệ với bạn bè, người Cần Thơ rất trọng tình nghĩa, đối đãi với bạn bè cởi mở, bao dung và lịch thiệp. Khi có khách đến nhà, người Cần Thơ tiếp đón bằng tất cả những gì họ có bằng thái độ mừng rỡ, hồ hởi, theo kiểu “xả láng” hay:

“Đến đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về”

Nét buôn bán ở chợ nổi Cái Răng là minh chứng về cách thức buôn bán chân thật, không chào mời ầm ĩ, chèo kéo khách. Mua cũng được, không mua thì “dòm chơi” để làm quen. “Nhiều bạn ít thù” là vậy!

Hãy xây dựng Cần Thơ giàu đẹp trong tương lai bằng việc giữ gìn những nét văn hóa, đức tính tốt đẹp vốn có từ ngàn đời của người dân đất Tây Đô.

      ĐĂNG HUỲNH (lược ghi)

 

Chia sẻ bài viết