13/07/2017 - 17:39

Đào tạo liên thông - Vì sao chưa hấp dẫn ?

Khoảng 3 năm trở lại đây, đào tạo liên thông được đề cập đến như một trong những giải pháp để phân luồng học sinh trung học và tạo điều kiện giúp các trường nghề, trung cấp, cao đẳng thu hút học sinh. Con đường nào rồi cũng đưa người học đi đến đích cuối cùng là tri thức. Dù thời gian học liên thông có thể kéo dài hơn nhưng đào tạo liên thông có những điểm ưu việt riêng: người học có tay nghề, có vốn sống tốt hơn; phù hợp với những học sinh chưa đủ năng lực, điều kiện vào đại học ngay sau khi tốt nghiệp THPT... Thế nhưng, chương trình đào tạo liên thông của một số trường đang gặp khó khăn do không có nguồn tuyển sinh.

“ĐƯỜNG ĐI” RỘNG MỞ

Trong những buổi tư vấn tuyển sinh năm 2008 ở các trường THPT, THCS do Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ thực hiện, rất nhiều học sinh quan tâm đến những ngành nghề có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học. Lê Ngọc Hân, học sinh đang luyện thi đại học tại TP Cần Thơ, cho biết: “Năm trước, em thi vào ngành kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, nhưng không đậu. Năm nay, để chắc ăn, em vừa thi vào đại học vừa đăng ký thi vào 1 trường cao đẳng có thể liên thông lên đại học”.

 

Học viên lớp cao đẳng liên thông Chăn nuôi thú y khóa 9/07 (hệ không chính qui) Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ trong giờ học môn Toán cao cấp. Ảnh chụp chiều 4-4-2008. Ảnh: B.NG 

Các chương trình đào tạo liên thông đã mở rộng “đường đi” cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Vì nhiều điều kiện, không vào được đại học, học sinh có thể học nghề, học trung học chuyên nghiệp mà vẫn có cơ hội học tập lên cao hơn theo con đường đào tạo liên thông, với thời gian đào tạo hợp lý. Với một học sinh tốt nghiệp THPT rồi vào đại học ngay, thời gian hoàn thành chương trình đại học có thể ngắn hơn, kiến thức hàn lâm tốt hơn. Tuy nhiên, học sinh học nghề, trung học chuyên nghiệp liên thông lên cao đẳng rồi lên đại học lại có ưu thế riêng dù thời gian học tập dài hơn. Ưu thế đó là có tay nghề tốt hơn, có vốn sống, thực tế nhiều hơn, nhất là đối với những người đã trải qua thực tế công việc rồi mới học liên thông lên. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, nhận định: “Chương trình mềm dẻo, cơ chế thoáng cộng với ưu thế dễ lựa chọn ngành nghề phù hợp của chương trình đào tạo liên thông bắt đầu thu hút thí sinh vào học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp”.

Chính vì nắm bắt được xu thế trên nên khi mở ngành, các trường Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Trung học Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam bộ... đều chú trọng làm sao để các ngành đều có thể liên thông lên bậc học cao hơn. Hiện nay, tại Trường Cao đẳng Cần Thơ, 11 ngành ngoài sư phạm, bậc cao đẳng đều liên thông được lên đại học. Ngoài liên thông trong phạm vi nhà trường, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ còn ký kết với một số trường: Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh... để liên thông từ cao đẳng lên đại học.

Còn ở Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam bộ, 12 ngành trung cấp nghề và 7 ngành trung cấp chuyên nghiệp mà trường đang đào tạo cũng đều có thể liên thông lên bậc cao hơn. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đều có thể học lên đại học. Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam bộ, cho biết: “Chúng tôi tiếp cận chương trình của một số trường đại học có những ngành nghề mà trường đang đào tạo để xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tạo thuận lợi cho việc liên thông”.

SAO VẪN ĐÌU HIU?

Lý thuyết là vậy nhưng khi đi vào thực tế triển khai chương trình đào tạo liên thông, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp gặp không ít khó khăn. Từ năm 2006, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã tuyển sinh đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. 2 năm qua, do tuyển không đủ học sinh, trường không mở được lớp đào tạo liên thông chính qui và phải linh động chuyển sang đào tạo liên thông hệ không chính qui. Tuy nhiên, trường cũng chỉ mở được 3 lớp liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, với 270 học viên. Năm 2008, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông của Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ là 270 học sinh cho 7 ngành liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, hệ chính qui và không chính qui. Theo thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, chỉ tiêu là vậy nhưng khó mà tuyển đủ.

Tình hình đào tạo liên thông ở Trường Đại học Cần Thơ cũng không sáng sủa gì hơn. Nhận thấy nhu cầu đào tạo liên thông ở khu vực ĐBSCL khá lớn nên từ năm 2005, trường đã liên kết với Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ và 5 trường cao đẳng cộng đồng trong khu vực ĐBSCL lúc bấy giờ (Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang) để xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, với các ngành: Tin học, Nuôi trồng thủy sản, Quản trị Kinh doanh, Kỹ thuật điện... Năm 2006, Trường Đại học Cần Thơ bắt đầu tuyển sinh đào tạo liên thông với chỉ tiêu tuyển 260 sinh viên. Thế nhưng, trường chỉ tuyển được gần 1/3 chỉ tiêu với 85 sinh viên và cuối cùng chỉ còn 72 sinh viên theo học. Năm 2007, Trường Đại học Cần Thơ hạ chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông xuống còn 150 sinh viên nhưng cũng chỉ tuyển được 113 sinh viên. Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Có lớp như lớp liên thông ngành Quản trị kinh doanh 2007, chỉ có 1 sinh viên, phải ghép chung với hệ chính qui. Hiện nay, Trường Đại học Cần Thơ có 8 ngành đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học là: Tài chánh ngân hàng, Chăn nuôi, Công nghệ thực phẩm, Kế toán, Nuôi trồng thủy sản, Tin học, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật điện. Trong đó, 2 ngành: Tài chính ngân hàng và Chăn nuôi chưa mở được lớp”.

Theo những nhà quản lý giáo dục trên, nguyên nhân chủ yếu khiến công tác tuyển sinh đào tạo liên thông gặp nhiều khó khăn là do một số qui định về đào tạo liên thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD -ĐT) chưa phù hợp. Theo Chương IV, Điều 18 của Qui định tạm thời về Đào tạo liên thông Dạy nghề, Trung học chuyên nghiệp, CĐ, ĐH, người tốt nghiệp loại giỏi sẽ được tham gia dự tuyển (thi tuyển vào chương trình đào tạo liên thông- PV) ngay sau khi tốt nghiệp; kết quả thi tuyển sẽ được cộng thêm từ 1-2 điểm, do Hiệu trưởng quyết định. Người tốt nghiệp loại Khá sẽ được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp. Người tốt nghiệp loại trung bình phải có kinh nghiệm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo từ 2 năm trở lên mới được thi tuyển. Qui định này bó hẹp đầu vào, gây khó về nguồn tuyển sinh bởi không phải trường cao đẳng, trung cấp nào ở ĐBSCL cũng mở đủ các ngành nghề liên thông; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi không nhiều nên số thí sinh học liên thông lên ngay sau khi tốt nghiệp không cao. Mặt khác, sau 2 năm làm việc, kiến thức lý thuyết của thí sinh có thể mai một hoặc thí sinh không dám bỏ nghề để đi học lại.

Mặc dù các trường đại học và cao đẳng đã kiến nghị với Bộ GD -ĐT những vấn đề trên nhưng ngày 13-2-2008, Bộ GD-ĐT đã ra Quyết định số 06-2008/QĐ-BGDĐT về qui định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học lại có những rào cản mới, khiến công tác tuyển sinh đào tạo liên thông càng khó khăn hơn. Chẳng hạn, theo qui định mới, đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng hoặc từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển. Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học, người có bằng tốt nghiệp trung cấp phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển. Theo thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, người học nhằm mục đích tìm việc, phục vụ cho công việc chứ không phải bỏ việc để học. Những qui định của Bộ GD - ĐT vừa khiến cho cả người học và các trường đều gặp khó.

* * *

Các chương trình đào tạo liên thông mở ra hướng phát triển mới cho các trường nghề, trường trung cấp, cao đẳng; đồng thời, tạo điều kiện phân luồng cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, thực tế trên cho thấy để tạo nguồn cho đào tạo liên thông, Bộ GD - ĐT cần có những qui định thoáng và hợp lý hơn.

NGỌC KHUÊ

Chia sẻ bài viết